Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Khu vực nội đô lịch sử Hà Nội

Bảo tồn đi đôi với cải tạo, tái thiết đô thị

Vũ Lê
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Khu vực nội đô lịch sử gồm 4 quận: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng và một phần phía Nam của quận Tây Hồ được ví như trái tim của Thủ đô.

Một góc phố cổ Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng.
Một góc phố cổ Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng.

Tuy nhiên, khu vực này đang gặp những điểm nghẽn trong phát triển, rất cần cởi gỡ bằng những định hướng mới trong điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô tới đây.

Nhiều điểm nghẽn

Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2011 (QHC2011) xác định, khu vực nội đô lịch sử có ranh giới xác định từ bờ Nam sông Hồng đến đường Vành đai 2, bao gồm: 4 quận nội thành cũ (Đống Đa, Hoàn Kiếm, Ba Đình, phía Bắc quận Hai Bà Trưng) và một phần phía Nam của quận Tây Hồ (gồm các phường: Bưởi, Thụy Khuê, Yên Phụ, Quảng An, Tứ Liên, Nhật Tân).

Theo định hướng phát triển không gian, đây là khu vực tập trung các chức năng chính trị, hành chính của quốc gia và TP Hà Nội. Cải tạo, xây dựng, tổ chức sắp xếp lại các chức năng sử dụng đất, để gìn giữ phát huy các giá trị đô thị lịch sử; cải tạo các không gian ở hiện có; cải tạo, tái thiết các khu chung cư cũ. Phát triển giao thông công cộng, đường sắt đô thị. Bảo tồn, di tích, di sản. Hình thành hành lang xanh, không gian công cộng dọc theo sông, tạo các liên kết về cây xanh cảnh quan. Phát triển các trục chính đô thị, cải tạo không gian kiến trúc cảnh quan khu trung tâm. Khu vực cải tạo hạn chế phát triển nhà ở cao tầng và kiểm soát sự gia tăng dân số cơ học, giảm từ 1,2 triệu người xuống khoảng 0,8 triệu người.

Khu vực này đã được chia thành 7 tiểu phân khu để kiểm soát và quản lý, gồm: khu Trung tâm chính trị Ba Đình; khu di sản Hoàng thành Thăng Long; khu phố cổ; khu phố cũ; khu vực Hồ Gươm và phụ cận; khu vực Hồ Tây và phụ cận; khu vực hạn chế phát triển. Tuy nhiên, Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội Nguyễn Đức Hùng nhận xét, việc phân vùng kiểm soát, quản lý đối với các khu vực nêu trên của QHC2011 mới kiểm soát được đặc trưng của từng khu vực. Chưa phân vùng cấp độ bảo tồn và chưa xác định được các khu vực được phép phát triển bên cạnh yếu tố bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị văn hóa lịch sử.

Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn Quốc gia Phạm Thị Nhâm cho hay, sau khi QHC2011 được duyệt, TP Hà Nội đã triển khai lập các quy hoạch phân khu, trong đó có quy hoạch phân khu 4 quận nội đô lịch sử. Bên cạnh đó, TP cũng ban hành các quy chế quản lý khu vực quan trọng như khu vực phố cổ, khu vực Hồ Gươm, khu Hoàng thành Thăng Long, khu chính trị Ba Đình… Đặc biệt, đã có nhiều định hướng, ý tưởng phát triển nhưng đến nay khu vực này vẫn đang gặp nhiều điểm nghẽn.

Cụ thể, thiếu cơ chế bảo tồn và phát huy giá trị di sản; sự gia tăng phương tiện cá nhân và ùn tắc giao thông làm ô nhiễm môi trường; sử dụng đất chưa phù hợp với thực tiễn phát triển; hệ thống sông, hồ, công viên phân tán, và thiếu, làm giảm chất lượng sống; chưa giảm được dân số, di dời các cơ sở sản xuất, y tế, giáo dục ra bên ngoài… “Trước thách thức đặt ra, trong điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô lần này yêu cầu đặt ra là phương án phát triển đối với khu vực này cần có tính mới, đột phá nhưng vẫn phải sát thực tiễn để bảo đảm thực hiện khả thi” – bà Phạm Thị Nhâm chia sẻ.

Chia 6 tiểu phân khu để kiểm soát phát triển

Về định hướng không gian trong điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô lần này, ông Nguyễn Đức Hùng cho biết, khu vực nội đô lịch sử sẽ được điều chỉnh ranh giới các tiểu phân khu nhằm kiểm soát phát triển bảo đảm các giá trị lịch sử vốn có. Thay vì chia theo 7 tiểu phân khu như QHC2011 thì nay điều chỉnh giới hạn còn 6 tiểu phân khu. Giới hạn lại các tiểu phân khu dựa trên giá trị lịch sử thành Thăng Long, Đại La xưa và các khu vực mang dấu ấn của các thời kỳ phát triển của Thủ đô như khu vực Hoàng thành Thăng Long, khu phố cổ, khu phố trước năm 1954, khu Thập tam trại, các khu vực xây dựng đến trước và sau thời kỳ đổi mới 1986.

Bên cạnh đó, khu vực này còn có các nhóm giải pháp cải tạo, tái thiết, phát triển đô thị theo hướng văn hiến, văn minh, hiện đại. Cụ thể, định hướng bảo tồn - tôn tạo, cải tạo - tái thiết bổ sung hạ tầng xã hội và tái thiết kết hợp phát triển mới - nén theo mô hình TOD. Đẩy mạnh phát triển giao thông công cộng và phương tiện phi cơ giới, hình thành khu vực hạn chế tốc độ, vùng hạn chế tối đa phương tiện cá nhân.

Về định hướng cụ thể cho 6 tiểu phân khu trong khu vực nội đô lịch sử, lãnh đạo Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội cho biết, tiểu phân khu 1 (khu trung tâm chính trị Ba Đình) và tiểu phân khu 2 (khu di sản Hoàng thành Thăng Long), cơ bản kế thừa định hướng QHC2011.

Đối với tiểu phân khu 3 (khu phố cổ), sẽ thực hiện bảo tồn, phục dựng giá trị kiến trúc và giá trị văn hóa, truyền thống, xây dựng khu vực phố cổ như một biểu tượng du lịch cộng đồng mới của Hà Nội. Khai thác nền kinh tế vỉa hè, nền kinh tế đêm cho các dịch vụ du lịch; phát triển đẩy mạnh nền văn hóa ẩm thực như một cái nôi có thể xuất khẩu văn hóa ẩm thực ra thế giới. Tạo dựng các không gian đi bộ, không gian sáng tạo đặc trưng Hà Nội. Phục dựng tuyến tàu điện đô thị, vừa phục vụ chuyên chở hành khách, vừa tạo dựng hình ảnh du lịch.

Tiểu phân khu 4, là khu vực xây dựng trước năm 1954 (bao gồm toàn bộ khu vực phố cũ, khu vực Hồ Gươm và phụ cận và các khu vực khác xây dựng trước năm 1954), bảo tồn và phục dựng các giá trị của các công trình kiến trúc và các trục không gian đô thị có giá trị như trục văn hóa biểu diễn Tràng Tiền - Nhà hát Lớn, trục tài chính - ngân hàng Ngô Quyền, trục thương mại - dịch vụ trung tâm Ga Hà Nội… nhằm xây dựng trung tâm kinh tế - tài chính - thương mại sầm uất nhất Thủ đô. Ưu tiên phát triển ngầm tại khu vực này như tuyến phố trung tâm thương mại ngầm dẫn từ nhà ga Hà Nội, dọc phố Trần Hưng Đạo, kết nối với trục không gian sông Hồng.

Tiểu phân khu 5 (bao gồm phần còn lại trong phạm vi Vành đai 1, đến bờ Nam Hồ Tây - thuộc một phần khu vực hạn chế phát triển trong QHC2011): kiểm soát công trình cao tầng, cho phép phát triển mở rộng không gian ngầm tại các trung tâm TOD theo quy định và định hướng Quy hoạch chung.

Tái thiết các khu vực dân cư cũ theo lộ trình với xu hướng giảm dần mật độ xây dựng, hạn chế tăng dân số, mở rộng chức năng công cộng đô thị, trung tâm tài chính – thương mại, tạo nhiều việc làm chất lượng cao.

Tái thiết xây dựng lại các khu chung cư cũ, khu tập thể theo mô hình TOD, giới hạn tầng cao công trình để không ảnh hưởng đến không gian vùng bảo tồn, cho phép xây dựng tối đa không gian ngầm, áp dụng mô hình huy động nguồn lực xã hội theo cơ chế PPP tại Luật Thủ đô để cân đối nguồn lực và sức mạnh đầu tư cho chủ đầu tư theo chuỗi TOD dọc tuyến.

Đối với khu vực làng xóm từ Vành đai 1 đến bờ Nam sông Hồng, sẽ bảo tồn, khôi phục các di tích, di sản; cải tạo, chỉnh trang khu vực làng xóm (Thập tam trại) theo hướng khôi phục cấu trúc đặc trưng không gian làng mạc hiện hữu, kết hợp phát triển phục vụ bảo tồn; cho phép có điều kiện xây dựng công trình cao tầng tại các vị trí trên nguyên tắc phục vụ, hỗ trợ cho bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa; hạn chế phát triển nhà ở mới.

Tiểu phân khu 6, là phần đất giới hạn trong Vành đai 1 và Vành đai 2 (ở phía Nam), định hướng tái thiết đô thị dựa trên quỹ đất của các khu chung cư cũ, theo hướng cao tầng, giảm mật độ xây dựng và đáp ứng về hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật; cải tạo các làng xóm hiện hữu; bảo tồn các công trình di tích lịch sử, kiến trúc đô thị.

Trong QHC2011, tiểu phân khu khu vực Hồ Tây và phụ cận là vùng cảnh quan trọng yếu của đô thị trung tâm ở phía Nam, thuộc khu vực nội đô lịch sử, nay được điều chỉnh thành khu vực nội đô mở rộng, bởi mới hình thành cùng thời gian hình thành khu vực nội đô mở rộng.

 

Việc phân vùng quản lý nhằm định hướng những giải pháp ứng xử chuyên biệt để bảo vệ, phát huy các giá trị di sản kiến trúc, cảnh quan đô thị và những không gian văn hóa, lối sống được hình thành trong quá trình lịch sử. Cùng đó khai thác phát triển ngành công nghiệp văn hóa mới.
Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội Nguyễn Đức Hùng