Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bảo tồn di sản đô thị tại Việt Nam: Từ kinh nghiệm đến thực tiễn

Nguyễn Khánh - Hồng Uyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hiện nay, ở Việt Nam hay ở trong phố cổ Hà Nội chưa có quy hoạch bảo tồn, nói rộng hơn là ở trong Luật Di sản chưa có khái niệm về di sản đô thị. Chuyển biến từ nghiên cứu sang thực tế còn là khoảng cách lớn.

 Quang cảnh hội thảo

Kinh nghiệm về bảo tồn di sản đô thị
Việt Nam là một quốc gia nổi tiếng với 26 di sản được UNESCO vinh danh, trong đó Thủ đô Hà Nội sở hữu 6 danh hiệu. Việc bảo tồn, giữ gìn, phát huy giá trị của kho di sản từ lâu đã được nhắc tới và ngày càng trở nên cần thiết, nhất là trong bối cảnh đô thị hóa phát triển mạnh mẽ hiện nay.
Chia sẻ kinh nghiệm trong việc trùng tu, bảo tồn các công trình kiến trúc là nội dung chính của hội thảo quốc tế “Bảo tồn di sản đô thị, chìa khóa phát triển bền vững” diễn ra mới đây tại Hà Nội. Tại hội thảo, các nhà quản lý cùng các chuyên gia, kiến trúc sư, nhà đầu tư thuyết trình và thảo luận về bảo tồn di sản đô thị qua thực tiễn làm nghề của mình.
Theo ông Luigi Croce - Chủ tịch Hội kiến trúc sư Venice, giống như rất nhiều kiến trúc sư khác, ông cũng băn khoăn với hai lựa chọn: Trùng tu, bảo tồn hay phá bỏ, xây mới lại di tích.
Chủ tịch Hội kiến trúc sư Venice nhận định, bảo tồn di sản là rất quan trọng, và đôi khi chi phí để bảo tồn di tích lại ít hơn so với xây mới lại. Ông lấy một ví dụ điển hình cho việc bảo tồn di tích là giữ lại nguyên hiện trạng của đấu trường Colosseum, chỉ tái tạo lại những phần bề mặt đổ vỡ do hậu quả chiến tranh. Như vậy, đấu trường cũ kĩ, đổ nát những năm đầu thế kỉ 19 đã “thay da đổi thịt”, trở nên sống động, rực rỡ, vừa bảo tồn được những nét đặc trưng về văn hóa, vừa đáp ứng được nhu cầu tham quan của khách du lịch đến với Italia.
Ông Luigi cho rằng, khôi phục lại hiện trạng di sản không phải là một điều đơn giản, bạn phải hiểu biết về di sản đó. Nó được xây dựng từ khi nào? Tại sao nó được ra đời? Và công trình này có ý nghĩa gì? Chỉ khi hiểu được đầy đủ những điều này, kiến trúc sư mới biết mình cần làm gì để có thể bảo tồn được di sản đó cho thế hệ mai sau. Một công trình cũ có những giá trị riêng của nó, nó đại diện cho một thế hệ, một quốc gia, một dân tộc. Vì vậy, bảo tồn di sản là điều tất yếu của mỗi quốc gia.
Trong khi đó bà Pamela Phua - Tổng Giám đốc AkzoNobel Việt Nam cũng mang đến hội thảo những kinh nghiệm quý báu khi đồng hành với công tác trùng tu, tái tạo di sản tại nhiều quốc gia. Điển hình là tòa nhà Burkill Hall, Mallacca, công trình Portofino...
 Ngôi nhà di sản số 87 Mã Mây, Hà Nội.

Giá trị lớn về mặt kinh tế
Hội thảo còn có sự góp mặt của ThS.KTS Nguyễn Hoàng Phương - Trưởng phòng Quy hoạch kiến trúc và Nghiên cứu khoa học, Ban Quản lý phố cổ Hà Nội với những kinh nghiệm từ việc trùng tu Hội quán Phúc Kiến - trường Tiểu học Hồng Hà tại địa chỉ 40, Lãn Ông, Hà Nội mà anh đã trực tiếp thực hiện.
KTS Nguyễn Hoàng Phương chia sẻ: “Ở Viện Khảo cổ Việt Nam có phòng Khảo cổ học Đô thị, nhưng để phát huy kỹ thuật khảo cổ học, đặc biệt là di sản đô thị ở Hà Nội thì chưa thực hiện một cách bài bản được. Ở Việt Nam hay ở trong phố cổ chưa có quy hoạch bảo tồn, nói rộng hơn là ở trong luật di sản chưa có khái niệm về di sản đô thị. Chuyển biến từ nghiên cứu sang thực tế còn là khoảng cách lớn. Sau khi nghiên cứu khảo cổ và các vấn đề liên quan để biết được nhu cầu hiện tại cần cho di sản là gì? Bảo tồn di sản không phải là bảo tàng mà cần cái hồn; vật thể và phi vật thế phải song hành với nhau”.
Đồng quan điểm, ông Phạm Tuấn Long - Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm cho biết: Bảo tồn di sản đô thị ở Hà Nội còn mới, bắt đầu từ khoảng 20 năm trở lại đây, do đó xung quanh vấn đề này còn chưa có khung pháp lý chặt chẽ như một số nước phương Tây.

Hiện phía lãnh đạo quận đang nỗ lực tìm thêm nguồn lực triển khai bảo tồn các di sản, bởi việc trùng tu này cũng đem lại giá trị lớn về mặt kinh tế. Song song với đó là nâng cao nhận thức người dân trong vấn đề bảo tồn di sản vì ban đầu người dân cho rằng, việc cải tạo không đem lại hiệu quả thiết thực.
"Tuy nhiên nhưng minh chứng rõ rằng nhất là nguồn thu ngân sách tăng, giá trị mặt bằng cho thuê ở phố Tạ Hiện tăng gấp 8 lần so với trước kia. Phố Hàng Buồm trở thành nơi có tỷ lệ người thất nghiệp ít nhất của quận. Đến năm 2019, quận dự kiến thu ngân sách 9.700 tỷ đồng. Giá trị kinh tế cho việc trùng tu, bảo tồn đem lại cao hơn xây mới là vì thế", ông Long nói.
Trước ý kiến cho rằng, Hà Nội có 1.000 năm Văn hiến nhưng nhiều công trình chỉ có niên đại khoảng 300 năm, việc tôn tạo lại sẽ tốn kém và không cần thiết. Tuy nhiên, ông Long cũng nhấn mạnh: Niên đại không quan trọng, quan trọng là giá trị kiến trúc còn lại trong đô thị hiện nay, và bằng mọi giá phải giữ được kiến trúc ấy cho thế hệ mai sau.
Bảo tồn di sản quốc gia là một công việc quan trọng vì các di sản chính là biểu tượng văn hóa, góp phần quảng bá truyền thống dân tộc đến với bạn bè quốc tế. Công tác bảo tồn nếu đi đúng hướng vừa cải thiện chất lượng ngành du lịch, vừa tạo nên các đô thị hiện đại, thông minh.