Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bảo tồn Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long: Phải vì lợi ích chung

Chia sẻ Zalo

KTĐT - 3 năm sau khi Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long (HTTL) được Ủy ban Di sản Thế giới (ICOMOS) đưa vào danh sách di sản thế giới, bên cạnh niềm tự hào là những nỗi lo đan xen. Bởi ICOMOS khuyến cáo, nếu tiếp nhận, quản lý, khai thác không tốt, di sản sẽ bị rút danh hiệu…

Hà Nội nỗ lực

Thực hiện những cam kết của Thủ tướng Chính phủ với ICOMOS, 3 năm qua, UBND TP đã chỉ đạo Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội phối hợp với Viện Khảo cổ học khai quật 5 hố thám sát với tổng diện tích 100m2 vào năm 2011. Trong đó có 4 hố ở xung quanh thềm Rồng của điện Kính Thiên, 1 hố gần khu vực Tây Nam Hậu Lâu. Năm 2012 lại tiếp tục nghiên cứu, thám sát và khai quật khu vực điện Kính Thiên với tổng diện tích 500m2 và giao Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội mở rộng khai quật di tích khu vực điện Kính Thiên. Đồng thời, cũng triển khai yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch tổng mặt bằng Khu di tích Trung tâm HTTL. Tuy nhiên, dù UBND TP đã tiếp nhận hiện trạng khu A - B thuộc Khu khảo cổ học 18 Hoàng Diệu (không bao gồm hồ sơ, kết quả nghiên cứu, hiện vật), nhưng cái "khó" cho việc bảo tồn là hiện tại khu C và D hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, mà Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội (KHXH) Việt Nam lại chưa bàn giao nốt cho TP. Tương tự bên Khu di tích Thành cổ Hà Nội cũng còn 4,72ha Bộ Quốc phòng chưa bàn giao cho TP. Khuyến cáo của ICOMOS sẽ khó thực hiện nếu khu di sản chưa được quy về một mối để có thể bảo tồn một cách đồng nhất.

Bảo tồn Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long: Phải vì lợi ích chung - Ảnh 1

Còn những cam kết khác, TP đã hoàn thiện dự thảo Kế hoạch quản lý khu di sản, đang xin ý kiến các cơ quan liên quan và trình cấp thẩm quyền phê duyệt; bổ sung chương trình giám sát chi tiết và kế hoạch quản lý, phù hợp với định hướng chung đề ra trong hồ sơ đề cử; triển khai kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội; xây dựng các quy định tham quan di sản, bán vé tham quan để quản lý và giám sát tốt hơn lượng khách tham quan… Và việc khai thác di sản đã có hiệu quả bước đầu.

Vì thế, TP kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Xây dựng cam kết đảm bảo an toàn của Khu di sản trong quá trình xây dựng công trình Nhà Quốc hội, nhất là xây dựng đường hầm, bãi đỗ xe; phối hợp với UBND TP trong việc bàn biện pháp thi công, xác định ranh giới giữa tuyến đường phía Bắc và phía Đông của công trình, đảm bảo không vi phạm vùng lõi của di sản; chỉ đạo Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam phối hợp với UBND TP tổng kiểm kê di tích, di vật, bàn giao toàn bộ tài liệu, hiện vật, mặt bằng Khu di tích 18 Hoàng Diệu ngay trong năm 2013; chỉ đạo các bộ, ngành liên quan di chuyển và bàn giao phần diện tích còn lại tại Khu di tích Thành cổ.

Bộ, ngành vẫn thờ ơ

"Nếu để việc này kéo dài, không những làm ảnh hưởng đến công tác quản lý, nghiên cứu, bảo tồn, lập quy hoạch, phát huy giá trị di sản, mà còn có nguy cơ bị Ủy ban ICOMOS của UNESCO rút tên di tích khỏi danh sách di sản thế giới" - GS Phan Huy Lê.

 Trước thực trạng chậm bàn giao của các bộ, ngành, ngày 28/6/2013, GS Phan Huy Lê - Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam và GS.TS Lưu Trần Tiêu - Chủ tịch Hội đồng Di sản quốc gia đã chủ trì buổi họp với các chuyên gia đầu ngành của Viện KHXH Việt Nam, Viện Khảo cổ học, Viện Lịch sử Đảng, Tổng Thư ký Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam, các ngành chức năng của T.Ư và TP, nhằm đánh giá công tác bàn giao, tiếp nhận, quản lý và quy hoạch, bảo tồn Khu trung tâm HTTL.

GS Lưu Trần Tiêu cho biết, ngày 6/6/2013, Bộ VHTT&DL đã có văn bản số 2094/BVHTTDL - DSVH gửi Thủ tướng Chính phủ để bảo đảm thực hiện cam kết với UNESCO, trong đó có 3 kiến nghị. Cụ thể: Bộ Quốc phòng sớm bàn giao toàn bộ diện tích nhà, đất tại số 51B Phan Đình Phùng (Nhà khách Bộ Quốc phòng) trong năm 2013; Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam vào năm 2015. Đối với Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, phối hợp với UBND TP Hà Nội tổng kiểm kê di tích, di vật và bàn giao toàn bộ tài liệu, hiện vật, mặt bằng Khu di tích Khảo cổ học (18 Hoàng Diệu) cho TP Hà Nội trong năm 2013.

Theo PGS.TS Tống Trung Tín - Viện trưởng Viện Khảo cổ học, đây là vấn đề pháp lý cần thực hiện ngay, trong đó ưu tiên số 1 là bàn giao di tích, tiếp đó là hồ sơ, tài liệu. GS Phan Huy Lê cho rằng, để giải quyết được căn bản vấn đề, các bên liên quan đều phải đứng ngoài lợi ích riêng, vì lợi ích chung. Ông Phạm Cao Phong - Tổng Thư ký Ủy ban quốc gia UNESCO cũng đồng tình với quan điểm này: "Đây không chỉ là uy tín của Việt Nam mà còn tác động tới quá trình hội nhập quốc tế của chúng ta, rất mong các bộ, ngành T.Ư tích cực hợp tác, phối hợp với TP Hà Nội để thực hiện những cam kết của Thủ tướng Chính phủ với UNESCO".q