Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bảo tồn nghệ thuật múa rối nước ở huyện Thạch Thất

Mai Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hà Nội có 5 phường rối thì riêng huyện Thạch Thất có tới 3 phường: Rối nước làng Ra (xã Bình Phú), rối nước làng Yên (xã Thạch Xá) và rối nước Chàng Sơn (xã Chàng Sơn).

Rối nước làng Ra do thiền sư Từ Đạo Hạnh truyền dạy cho dân làng từ thế kỷ XI. Sau khi thiền sư Từ Đạo Hạnh về ngự tại chùa Thầy (xã Sài Sơn - huyện Quốc Oai), cùng với việc đi truyền giáo cho các làng xung quanh, thiền sư đã dạy dân làng Ra múa rối nước. Để ghi nhớ công ơn thiền sư, hằng năm vào dịp lễ hội chùa Thầy (mùng 7 tháng 3 âm lịch), phường rối nước làng Ra thường sang biểu diễn tại thủy đình trước cửa chùa Thầy.

Các nghệ nhân phường rối làng Ra phục hồi, chỉnh sửa con trò.
Các nghệ nhân phường rối làng Ra phục hồi, chỉnh sửa con trò.

Rối nước làng Ra không bắt đầu bằng hình ảnh chú Tễu mà sử dụng ông tướng Loa (mô phỏng vị tướng Đào Khang - Thành hoàng của làng) ra giới thiệu chương trình cho từng buổi diễn. Các con rối của làng Ra có khuôn mặt tựa mặt Phật. Đây là nét đặc trưng riêng của nghệ thuật rối nước làng Ra.

Làng Chàng Sơn, xã Chàng Sơn, cũng nổi tiếng với nghề mộc và múa rối nước. Nghề mộc là sinh kế, còn múa rối là đam mê của mỗi cá nhân và trách nhiệm với làng quê. Theo những người thợ làm rối lâu năm của làng Chàng Sơn, tạo hình nhân vật rối phải được kết hợp hài hòa giữa nghệ thuật điêu khắc dân gian và nghệ thuật điêu khắc cung đình.

Các quân rối khi làm ra đều mang tính ước lệ tượng trưng, sáng tạo không theo một khuôn mẫu nhất định. Nhờ sự tâm huyết và bàn tay khéo léo, điêu luyện của các nghệ nhân, những con rối vô tri bỗng trở thành nhân vật có tính cách, tâm hồn, truyền tải những câu chuyện đời thường xưa nay.

Ở làng Yên, xã Thạch Xá, nghệ thuật múa rối nước xuất hiện từ nhiều thế kỷ trước. Vào những năm 40 của thế kỷ XX, phường rối làng Yên thường diễn tại hội làng và nhiều nơi khác, có lần được mời vào Hoàng cung Huế diễn cho vua Bảo Đại xem. Sau này, do chiến tranh và những khó khăn của thời kỳ bao cấp, phường rối ngừng hoạt động.

Năm 1980, phường rối làng Yên chính thức được phục hồi. Trải qua nhiều vất vả, phường rối vẫn cố gắng duy trì hoạt động, giữ gìn nguyên vẹn các tích trò cổ phản ánh nét sinh hoạt văn hóa của làng quê. Hàng năm, du khách về chùa Tây Phương trẩy hội đều được thưởng thức màn múa rối nước của phường rối làng Yên.

Để gìn giữ múa rối nước không chỉ đòi hỏi sự say mê, tâm huyết với nghề mà còn cần có cơ chế khuyến khích, thu hút giới trẻ mong họ chung tay bảo vệ bộ môn nghệ thuật truyền thống. Giai đoạn năm 2015 - 2020, huyện Thạch Thất đã triển khai dự án khôi phục nghệ thuật múa rối nước ở các xã Chàng Sơn, Bình Phú, Thạch Xá; phối hợp với Trung tâm Văn hóa TP Hà Nội tổ chức các lớp tập huấn múa rối nước cho các học viên; cử các phường rối tham gia Liên hoan nghệ thuật múa rối nước do TP tổ chức giúp các nghệ nhân có cơ hội gặp gỡ, giao lưu; đẩy mạnh quảng bá nghệ thuật múa rối nước trong các hội chợ triển lãm, giới thiệu sản phẩm làng nghề.