Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bảo tồn, phát huy bản sắc kiến trúc Thủ đô Hà Nội

Lại Tấn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong quá trình đô thị hoá nhanh, thời gian qua, Hà Nội xuất hiện nhiều khu đô thị không thống nhất về hình thái kiến trúc. Quy chế quản lý kiến trúc mà TP ban hành được kỳ vọng sẽ phát huy hiệu quả quản lý Nhà nước trong việc bảo vệ các công trình kiến trúc.

Đi sâu vào quản lý kiến trúc

Trước đây, theo Luật Quy hoạch đô thị quản lý cả quy hoạch và kiến trúc. Quy chế lần này đi sâu vào quản lý kiến trúc và không gian, cảnh quan TP Hà Nội. Quy chế này thực hiện theo các quy định của Luật Kiến trúc, đặc biệt là Nghị định 85 ngày 17/7/2020 quy định chi tiết một số điều của Luật Kiến trúc. Tiếp đó, Quy chế quản lý kiến trúc có những quy định về khu vực đặc thù, các khu vực phải thi tuyển… là những nội dung mới hơn so với trước đây.

Phố cổ Hà Nội. Ảnh: Lại Tấn
Phố cổ Hà Nội. Ảnh: Lại Tấn

Ths.KTS Phạm Hoàng Phương - Viện Kiến trúc quốc gia (Bộ Xây dựng) chia sẻ: “Theo quy định của Luật Kiến trúc 2019, Nghị định 85/ 2020/NĐ – CP của Chính phủ, việc TP Hà Nội chính thức ban hành Quy chế quán lý kiến trúc là rất thiết thực và phù hợp với các yêu cầu phát triển kiến trúc cảnh quan đô thị trong bối cảnh Quy hoạch chung thủ đô Hà Nội đến năm 2045 tầm nhìn 2065 đã chính thức được phê duyệt cũng như sứ mệnh trong kỷ nguyên mới phát triển đưa thủ đô vươn mình phát triển hiện đại  - văn minh - bản sắc”.

Tại Quy chế quản lý kiến trúc được UBND TP Hà Nội ban hành tại Quyết định số 73/2024/QĐ-UBND ngày 31/12/2024 có một số điểm nổi bật như: TP khuyến khích tháo bỏ hàng rào hiện hữu tại các công viên; trường hợp đặc biệt bố trí hàng rào thấp và thưa thoáng, tạo không gian thân thiện với người dân, đóng góp tích cực vào việc cải thiện cảnh quan đô thị;

Cải tạo chỉnh trang hệ thống vỉa hè theo hướng giảm bê tông hóa kết hợp bổ sung các tiện ích đô thị như cây xanh đô thị, bồn hoa, ghế ngồi, thùng rác công cộng, bảng thông tin, nhà vệ sinh công cộng phục vụ cho người dân và du khách (đặc biệt là người già, trẻ em, người khuyết tật); có giải pháp sửa chữa, khắc phục các tồn tại về kiến trúc cảnh quan theo hướng lập quy hoạch chi tiết để quản lý, gắn với cải tạo chỉnh trang khu vực dân cư, ưu tiên mở rộng các ngõ, tuyến giao thông nội bộ để kiểm soát xây dựng và đảm bảo yêu cầu phòng cháy, chữa cháy…

Bảo tồn, phát huy bản sắc kiến trúc Thủ đô

Là Thủ đô nghìn năm văn hiến, việc bảo tồn dưới góc độ bảo tồn và phát huy bản sắc kiến trúc, cảnh quan đô thị luôn được xem là một nội dung rất quan trọng. Về riêng nội dung này, Quy chế quản lý kiến trúc đã đề cập đến một số nội dung thiết yếu chính với cách tiếp cận cụ thể không chỉ xem là cụ thể theo tinh thần luật định mà còn có cách tiếp cận khoa học mới, kế thừa và phá huy nhiều nội dung quy chế quản lý riêng với các khu vực văn hóa lịch sử đặc trưng như khu phố cổ, khu phố cũ đã có.

Phố Hàng Bông (Hà Nội). Ảnh: Lại Tấn
Phố Hàng Bông (Hà Nội). Ảnh: Lại Tấn

Theo Ths.KTS Phạm Hoàng Phương, ở quy mô tổng thể, khác với nhiều quy định rời, đơn lẻ trước đây, các nội dung về bảo tồn và phát huy không gian giá trị kiến trúc cảnh quan đô thị, kết hợp các giá trị đặc trưng kiến trúc cảnh quan với các đặc trưng tự nhiên và xã văn hóa đã được đề cập cơ bản đồng bộ, khoa học và cụ thể với cả không gian nội đô và ven đô như: quản lý kiến trúc cảnh quan khu vực trung tâm theo đúng quy hoạch đã được phê duyệt; bảo tồn tôn tạo cải tạo tái thiết bổ sung hạ tầng xã hội; phát huy giá trị cảnh quan mặt nước, sông hồ và không gian xanh để giữ và phát huy hình ảnh đô thị xanh của Hà Nội.

Với không gian nội đô hiện hữu, tăng cường cải tạo cảnh quan, kiến trúc công trình tại các khu vực có tính đặc trưng văn hóa như khu phố cổ, phố cũ, Hoàng Thành Thăng Long, Trung tâm chính trị Ba Đình… Thiết kế cải tạo chỉnh trang đô thị các trục tuyến phố quan trọng đặc trưng (quanh Hồ Hoàn Kiếm, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng đạo…).

Bảo tồn phục dựng các công trình kiến trúc và các trục không gian đô thị có giá trị có giá trị như  trục văn hóa Điện Biên Phủ - Tràng Tiền – Nhà Hát Lớn, trục tài chính - ngân hàng Ngô Quyền, trục thương mại dịch vụ Trần Quang Khải – Ga Hà Nội. Chỉnh trang các trục cảnh quan thuộc không gian phố cũ, kết nối với không gian cảnh quan ngoài sông Hồng.

Đối với các khu vực ráp ranh nội và ngoại thị, chú trọng bảo vệ và phát huy các hình thái nông thôn truyền thống, cấu trúc làng xóm, kiến trúc cảnh quan của địa phương, quản lý kiểm soát bảo tồn tôn tạo và tái tạo các không gian văn hóa truyền thống, các công trình, cụm công trình có giá trị văn hóa, lịch sử, kiến trúc.

Mặt khác, ở quy mô từ di tích và công trình kiến trúc có giá trị. Ths.KTS Phạm Hoàng Phương nhận định: “Quy chế đã có các yêu cầu rõ về cải tạo chỉnh trang công trình bị xuống cấp. Đặc biệt không chỉ là các công trình đơn lẻ như trước đây mà còn đề ra yêu cầu phải chú trọng đến bảo tồn tôn tạo cảnh quan xung quanh các công trình di tích lịch sử - văn hóa - kiến trúc đô thị có giá trị.

Tuy nhiên, cũng vẫn còn một số các nội dung cần sớm được tiếp tục hoàn thiện để đưa bản quy chế đi vào cuộc sống chính là sớm xây dựng tiêu chí và hoàn thành lập danh mục công trình kiến trúc có giá trị để đề cập rõ trong phần phụ lục của quy chế. Điều hiện còn tương đối phức tạp khi các công trình này thường có đặc thù rất khác so với các di tích xếp hạng theo Luật Di sản văn hóa như: số lượng khá lớn, thuộc nhiều thể loại công trình (nhà ở, công trình công cộng…), hình thức kiến trúc đa dạng phong phú thuộc nhiều phong cách kiến trúc khác nhau, đa số thuộc sở hữu tư nhân, nhiều công trình đã bị xuống cấp nghiêm trọng, có thể bị cải tạo và biến đổi nhiều so với nguyên gốc trong quá trình sử dụng”.

Bên cạnh đó, việc lập danh mục công trình kiến trúc có giá trị mới chỉ chú trọng đến các công trình cũ, cổ. Trong khi đó, việc đánh giá, xem xét và đưa các công trình cận đại và đương đại mang nhiều đặc trưng kiến trúc của đô thị trong giai đoạn phát triển hiện nay vào danh mục công trình kiến trúc có giá trị để được bảo tồn và phát huy các giá trị để có phương án bảo tồn và phát huy giá trị xác đáng cũng cần được cân nhắc và xem xét đầy đủ và thấu đáo.