Tàn phá, xâm hại thô bạo
Cuối tháng 7/2022, Đồn Biên phòng Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) cùng các cơ quan chức năng địa phương tiến hành tiêu hủy 27 cây san hô do ngư dân tỉnh Quảng Bình khai thác trái phép trên vùng biển đảo Lý Sơn.
Trước đó, trong lúc tuần tra trên vùng biển phía Bắc đảo, Đồn Biên phòng Lý Sơn và Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Lý Sơn phát hiện ngư dân Nguyễn Văn Dũng (25 tuổi) và Nguyễn Văn Hân (32 tuổi), đều trú tỉnh Quảng Bình đang lặn khai thác san hô trái phép trong khu bảo tồn. Qua kiểm tra trên thuyền thúng, lực lượng chức năng phát hiện 7 bao tải chứa 27 cây san hô thuộc bộ san hô cứng có trọng lượng 131kg đã chết.
San hô bộ cứng thuộc danh mục loài thủy sản nguy cấp, quý hiếm cần được bảo vệ nghiêm ngặt. Cơ quan chức năng đã lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính 2 ngư dân trên với số tiền 25 triệu đồng.
Tại vùng biển Lý Sơn, theo khảo sát đã xác định được 157 loài san hô cứng tạo rạn thuộc 18 họ. San hô bao phủ hầu như khắp xung quanh đảo. Thế nhưng, những năm gần đây do sự phát triển đô thị hoá, phục vụ phát triển kinh tế xã hội nên san hô ở một số khu vực đã bị tàn phá.
“Tổng diện tích vùng rạn san hô trong Khu bảo tồn biển Lý Sơn là 634 ha, tập trung chủ yếu ở phía Đông, Bắc và Đông Bắc. Ở phía Nam thì diện tích rạn san hô hẹp hơn, phân bố gián đoạn thành từng mảnh rạn gò san hô sát với vùng triều dưới. Vùng phía Nam, san hô bị tàn phá nhiều do xây dựng một số công trình, dự án”, ông Huỳnh Ngọc Dũng - Phó Giám đốc Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Lý Sơn cho biết.
Theo ông Dũng, san hô ở khu vực đảo Lý Sơn còn bị hủy hoại và suy giảm diện tích đáng kể do các hoạt động khai thác cá bằng thuốc nổ, chất độc, neo đậu tàu thuyền, lấy cát biển phục vụ hành tỏi, khai thác san hô chết - là chân giá thể để san hô sống bám vào để bán phục vụ cho nung vôi, làm cảnh.
Trong khi đó, tại Gành Yến (thôn Thanh Thủy, xã Bình Hải, huyện Bình Sơn), tình trạng san hô bị tàn phá cũng xảy ra.
Cách đây 2 năm, Gành Yến nổi danh sau những loạt ảnh tuyệt đẹp được lan truyền. Cảnh sắc tự nhiên hài hòa giữa trời, mây, non nước và những phiến đá đen - kết quả phun trào của núi lửa hàng triệu năm trước tạo nên cùng với những rạn san hô lộ thiên tuyệt đẹp đã khiến khu vực này trở thành nơi được du khách trong và ngoài tỉnh đổ về để chiêm ngưỡng, khám phá.
Đặc biệt, vào mùa biển cạn, từ tháng 4 đến tháng 7 Âm lịch, vào các ngày đầu và giữa mỗi tháng, biển lùi xa, để lộ ra những bông hoa san hô cực đẹp, những con sao biển với đủ màu sắc khiến nhiều người mê mẩn.
Nhưng cũng từ đó, lượng du khách kéo về khu vực này ngày một đông khiến Gành Yến chịu áp lực lớn từ những tác động tiêu cực của con người. Sau 2 năm, nhiều rạn san hô nơi này đã bị tàn phá đến tan nát. Cả một vùng rộng lớn la liệt những cụm san hô bị dẫm đạp, bẻ gãy, không còn hình thù nguyên vẹn. Những rạn san hô nằm xa bờ mới tạm thoát cảnh bị xâm hại.
“Rạn san hô không còn nguyên vẹn, ngoài tác hại môi trường còn do du khách đến tham quan, người dân đi lặn nhum, rong mơ, đạp chân vào san hô cũng làm san hô bị gãy, không còn đẹp. Hiện chưa có chế tài xử phạt nên giải pháp cũng chỉ dừng lại ở vận động, tuyên truyền”, ông Võ Thanh Tùng - Trưởng thôn Thanh Thủy cho biết.
Bảo vệ và sử dụng bền vững rạn san hô
Trước thực trạng san hô bị suy giảm ngày càng nghiêm trọng đáng báo động như hiện nay, Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Lý Sơn chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật liên quan đến bảo vệ, bảo tồn biển, ý nghĩa của việc bảo vệ, giữ gìn môi trường sinh thái nói chung, rạn san hô nói riêng. Đồng thời đẩy mạnh công tác tuần tra, kiểm soát các hoạt động gây ảnh hưởng đến môi trường biển và hệ sinh thái rạn san hô trong khu bảo tồn.
“Hiện nay, hai khu vực được giữ gìn bảo vệ và phát huy là khu bảo vệ nghiêm ngặt phía Bắc và phía Nam. Khu vực lặn ngắm san hô phía Bắc đảo Bé - An Bình được đội tuần tra của đơn vị và đội chèo thúng, cứu hộ cứu nạn An Bình thường xuyên tuần tra, bảo vệ, giữ gìn và nếu có trường hợp xâm phạm sẽ phối hợp cơ quan chức năng xử lý theo quy định pháp luật” - ông Dũng bày tỏ.
Ông Phạm Cầu - Phó Chủ tịch UBND xã Bình Hải cho biết thêm, vào mùa này du khách xuống Gành Yến rất đông. Xã có tổ bảo vệ nhưng việc giám sát không thể đảm bảo 24/24.
Mới đây, Chương trình tài trợ các dự án nhỏ, Quỹ môi trường toàn cầu, Chương trình phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam đang xây dựng dự án “Thúc đẩy phát triển bền vững cộng đồng ở Bình Sơn theo hướng hài hòa sinh thái xã hội với công nghiệp hóa và đô thị hóa gắn trao quyền cho cộng đồng trong quản lý bảo vệ san hô, bảo tồn văn hóa tri thức truyền thống và phát triển sinh kế”. Đây cũng là cơ hội để san hô ở khu vực Gành Yến được bảo vệ, gìn giữ.
Theo ông Nguyễn Văn Mười - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Ngãi, hiện nay chỉ mới có rạn san hô ở vùng biển Lý Sơn nằm trong khu vực được bảo tồn. Đối với rạn san hô ở khu vực thắng cảnh Gành Yến thì chỉ mới được cộng đồng địa phương tự chung tay bảo vệ, hiện đang được khảo sát và định hướng xây dựng phát triển điểm du lịch Gành Yến, trong đó gắn với bảo tồn Gành Yến.
Cũng theo Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Ngãi, rạn san hô sống đóng vai trò như một khu rừng nhiệt đới dưới biển, nó vừa đóng vai trò điều hoà nhiệt độ, lượng oxy trong nước; chúng là giá thể, là nơi để các sinh vật khác đến trú ngụ, sinh sản, là nơi cung cấp thức ăn và bãi đẻ cho một số loại sinh vật đến định cư.
Khu vực nào có rạn san hô phát triển tươi tốt, độ phủ cao, thì nơi đó sẽ thu hút nguồn lợi hải sản về định cư ở khu vực đó ngày càng tăng, nó sẽ cung cấp một nguồn thực phẩm dồi dào, phong phú nuôi sống nhiều người ngư dân trên đảo sống bằng nghề khai thác thuỷ sản; cung cấp sinh cảnh đẹp để du khách, tham quan trải nghiệm lặn ngắm san hô và các sinh vật sống trong rạn.
“Việc bảo vệ san hô chính là việc bảo vệ sự sống của các loài sinh vật biển, hạn chế được tác động của biến đổi khí hậu cũng như tạo nguồn sinh kế bền vững cho người dân thông qua hoạt động khai thác thuỷ sản hợp lý và khai thác du lịch” - ông Mười khẳng định.