Đó là các tác phẩm: “Tứ hải giao tình”, “Duyên phận phải chiều”, “Phùng quan xuân hội”, “Chim kêu gióng giả”, “Thơ thẩn tìm ai”, “Bóng quế giãi thềm”, “Xuông hời”, “Lênh đênh duyên nổi phận bèo”, “Hương gối đầu ghềnh”, “Lấy gì làm thú giải phiền”.
Đây là kết quả của sự nỗ lực rất lớn, khi ngoài học trò Đình Vũ, thì ba người thầy đã ở tuổi có cháu bồng cháu bế, sức khỏe cũng không còn “hào phóng” như thời trai trẻ. Và thành quả ban đầu này là cơ sở để các nghệ sĩ và công chúng yêu quan họ, có thể tiếp tục dự định và chờ đợi những dự án quan họ cổ tiếp theo. Vì đó chỉ là một phần nhỏ trong “kho báu” quan họ mà các nghệ sĩ đang giữ gìn bằng tất cả niềm say mê và những tháng năm thanh xuân của mình.
Nghệ sĩ Lệ Ngải, Tự Lẫm và Minh Phức là những người bậc thầy về hát Quan họ ở vùng Kinh Bắc thuộc hế hệ đầu tiên tiếp nối các nghệ nhân cổ. Nghệ sĩ Lệ Ngải cho biết bà rất vui vì đã có thế hệ trẻ tiếp nối truyền thống để học hát và hát được “nguyên chất”. Bà tâm sự: “Nhiều tài liệu báo chí và nghiên cứu nói rằng có 49 lảng Quan họ cổ, nhưng chúng tôi là những người đầu tiên của quan họ Kinh Bắc đã thực tế đi các làng học hỏi chúng tôi chỉ thấy 22 làng quan họ. Cùng các nghệ nhân xưa đi gặt lúa, bóc lạc, chúng tôi không học ở trường nào cả mà chúng tôi học trường đời và học trực tiếp từ các cụ”.
Còn nghệ sĩ Minh Phức chia sẻ: “Thời đó chúng tôi không có phương tiện ghi âm như hiện tại, nhưng chúng tôi trước đây phải học nhiều tháng bằng cách truyền khẩu, nên đã thấm và nhớ rất nhiều các bài bản. Tôi và chị Ngải có thể đưa cho viện nghiên cứu hàng vài trăm bài hát, nhưng nếu chỉ nằm trong tư liệu thì sẽ không có ai biết nên chúng tôi mong sẽ ra được nhiều hơn nữa...”.
Vợ chồng nghệ sĩ Vũ Tự Lẫm - Minh Phức và nghệ sĩ Lệ Ngải là những thành viên thế hệ đầu, có nhiều công lao gây dựng Đoàn dân ca quan họ Bắc Ninh, được thành lập năm 1969 - tiền thân của Nhà hát dân ca quan họ Bắc Ninh ngày nay. Các nghệ sĩ trưởng thành trong những gia đình có truyền thống nghệ thuật. Nghệ sĩ Tự Lẫm người làng văn hiến Trang Liệt thuộc thị xã Từ Sơn, Bắc Ninh. Đôi liền chị hát cặp với nhau có tiếng mấy chục năm qua - Minh Phức và Lệ Ngải là chị em trong họ ở làng Ngang Nội - làng quan họ gốc thuộc xã Hiên Vân, huyện Tiên Du, Bắc Ninh.
Năm 1969 và những năm đầu thập kỷ 70, các nghệ sĩ đoàn quan họ xuống các làng quan họ gốc, “ba cùng” - cùng ăn, cùng ở, cùng làm - với gia đình các nghệ nhân quan họ kỳ cựu mà nay các nghệ nhân đó đều đã khuất núi. Thời kỳ này, việc học tập theo lối truyền khẩu với các nghệ nhân, đã giúp các nghệ sĩ tiếp thu, lưu giữ được vốn liếng bài bản quan họ cổ phong phú của nhiều làng quan họ gốc, trong đó có những bài ca ít khi xuất hiện trong biểu diễn, sinh hoạt ca hát quan họ hiện nay.
Nhiều chục năm miệt mài sưu tầm và rèn luyện, kể cả sau khi nghỉ công tác ở đoàn đầu những năm 90, dù đời sống trải qua nhiều khó khăn, thiệt thòi, ba nghệ sĩ Tự Lẫm, Minh Phức và Lệ Ngải vẫn kiên trì, lặng lẽ giữ gìn những vẻ đẹp văn hóa của quan họ cùng kỹ thuật thể hiện tinh tế. Hòa mình trong đời sống văn hóa, lễ hội để vừa mưu sinh, các nghệ sĩ vừa lấy không khí dân gian để nuôi giữ vẻ mộc mạc, thuần phác của những câu hát.
Từ lâu, các nghệ sĩ mơ ước có được một ấn phẩm quan họ cổ, kỷ niệm cuộc đời hoạt động nghệ thuật. Cũng là để tự động viên mình trên hành trình tự thân bảo tồn vốn cổ. Cho đến tận đầu năm nay 2014, nguyện vọng giản dị ấy mới thành hiện thực, khi NXB Âm nhạc cho ra đời CD quan họ cổ “La rằng”, kịp trước thềm xuân mới.
Đây không chỉ là món quà xuân ý nghĩa mà còn là cách mà các nghệ sĩ gạo cội bảo tồn, phát huy giá trị của quan họ cổ.