Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bão Trà Mi vào Biển Đông, Quảng Nam chỉ đạo khẩn

Tấn Việt
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Trước diễn biến phức tạp của bão Trà Mi, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam yêu cầu các sở, ban, ngành và địa phương sẵn sàng mọi phương án và nguồn lực để ứng phó cũng như sơ tán người dân đến nơi an toàn.

Khẩn trương công tác ứng phó

Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh Quảng Nam, hồi 1 giờ ngày 24/10, cơn bão TRAMI (tiếng việt là Trà Mi) có vị trí tâm ở vào khoảng 17,2 độ Vĩ Bắc; 122,4 độ Kinh Đông, trên đất liền phía Đông đảo Lu Dông (Phi-líp-pin). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9-10 (75- 102km/h), giật cấp 12. Bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, tốc độ 15-20km/h.

Bão Trà Mi nhiều khả năng sẽ gây mưa lớn và có nguy cơ cao xảy ra tình trạng ngập lụt, sạt lở cho tỉnh Quảng Nam.
Bão Trà Mi nhiều khả năng sẽ gây mưa lớn và có nguy cơ cao xảy ra tình trạng ngập lụt, sạt lở cho tỉnh Quảng Nam.

Dự báo trong 24 giờ tới, vị trí tâm bão ở vào khoảng 17,0N-118,9E trên vùng biển phía Đông khu vực Bắc Biển Đông; bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, tốc độ khoảng 15km/h, cường độ cấp 9, giật cấp 11.

Dự báo trong 48 giờ tới, vị trí tâm bão ở vào khoảng 17,5N-116,1E cách quần đảo Hoàng Sa 510km về phía Đông; bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc, tốc độ khoảng 10-15km/h, cường độ cấp 10, giật cấp 12.

Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh yêu cầu rà soát toàn bộ 17 hồ chứa do Công ty Thủy lợi Quảng Nam quản lý và 65 hồ do các địa phương quản lý. Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh phát các bản tin về vị trí, diễn biến của bão cho các tàu cá đang hoạt động trên biển để chủ động phòng, tránh, di chuyển ra khỏi vùng ảnh hưởng.

Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự (PTDS) cho biết đã phát đi thông tin kịp thời về vị trí, đường đi của cơn bão cũng như kịp thời phát hiện các điểm có nguy cơ sạt lỡ, lũ quét để có biện pháp; thường trực lực lượng và phương tiện để sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ.

Song song chỉ đạo các đồn biên phòng duy trì kiểm tra, kiểm đếm số lượng tàu thuyền và số người đang hoạt động trên biển, đặc biệt các tàu cá xa bờ và khu vực ảnh hưởng trực tiếp của bão. Tham mưu các biện pháp đảm bảo an toàn về người và tài sản cho người dân sống gần biển, trên đảo, các lồng bè và khu vực nuôi trồng thủy hải sản.

Theo thống kê, Quảng Nam hiện có khoảng 62 tàu/ 2.322 lao động đang hoạt động trên biển; 1 tàu vận tải đang neo đậu trong cảng với 21 thành viên. Sẽ triển khai bắn pháo hiệu khi có lệnh cấm biển, kiên quyết yêu cầu người dân ở các lồng bè lên bờ và chỉ đạo chủ động phương án di dời dân ở các vùng có nguy cơ sạt lở, lũ quét.

Ưu tiên đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân

Trước diễn biến phức tạp của bão Trà Mi và có nguy cơ cao ảnh hưởng trực tiếp đến địa phận Quảng Nam, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành và chính quyền địa phương và người dân không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, phải đặt mục tiêu đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân lên trên hết, trước hết; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện các biện pháp ứng phó bão với tinh thần khẩn trương, quyết liệt, không để bị động, bất ngờ.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Văn Dũng trong một lần đi khảo sát thực tế tại điểm sạt lỡ thuộc huyện Nam Giang.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Văn Dũng trong một lần đi khảo sát thực tế tại điểm sạt lỡ thuộc huyện Nam Giang.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Văn Dũng yêu cầu tiếp tục kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven biển, ven sông, suối, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra bão, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất; chủ động di dời, sơ tán người dân ở khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn.

Chủ động chặt tỉa cây xanh đường phố, phát dọn hành lang tuyến đường dây điện trong khu vực nội thị, thị trấn, trung tâm hành chính, bệnh viện, nhà máy nước. Nhân dân cần tự kiểm tra hệ thống điện, chủ động chặt tỉa cây xanh xung quanh nhà… để giảm thiểu thiệt hại khi có thiên tai xảy ra.

Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng chuyên ngành thuộc tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố, chủ đầu tư các dự án đầu tư xây dựng công trình có trách nhiệm thông báo cho các đơn vị thi. Chủ động các biện pháp ứng phó, có phương án đảm bảo an toàn cho người, phương tiện, thiết bị, vật tư tại công trình; trường hợp không đảm bảo an toàn phải tổ chức di dời công nhân, phương tiện thi công đến nơi an toàn; tổ chức neo giằng, hạ tháp, đảm bảo an toàn đối với công trình có sử dụng cần trục tháp, vận thăng, thang máy…

Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh chủ trì, phối hợp rà soát, tham mưu đề xuất mua sắm vật tư, phương tiện, trang thiết bị chuyên dùng phòng, chống thiên tai. Trong đó có thiết bị điện thoại vệ tinh phục vụ cho công tác chỉ đạo, điều hành ứng phó với thiên tai đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt khi có tình huống xảy ra.