Bảo vật quốc gia: Không thể xếp mãi trong kho

Linh Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - 12 bảo vật quốc gia được in thành sách, ảnh hoặc những bảo vật nguyên gốc giúp du khách có thể ngắm nhìn, cảm nhận được giá trị tinh xảo của di sản Hà Nội từ thời kỳ đồ đá đến nay đã ra mắt công chúng sáng 23/11 tại Bảo tàng Hà Nội.

Như đánh giá của PGS.TS Phạm Mai Hùng – Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, "triển lãm là bức tranh thể hiện sự biểu trưng hiếm có của một mảnh đất hưng thịnh qua các triều đại”.
Bảo vật nghìn năm

Đến nay, Hà Nội có 12 bảo vật quốc gia được Chính phủ công nhận, có thời kỳ trải dài từ văn hóa Đông Sơn đến nhà Nguyễn. Bảo vật quốc gia lâu đời nhất chính là trống đồng Cổ Loa và bộ lưỡi cày đồng được phát hiện trong lòng tòa thành Cổ Loa lịch sử. Theo đánh giá của PGS.TS Phạm Mai Hùng, trống đồng Cổ Loa là bảo vật quý hiếm bởi kích thước lớn, hoa văn trang trí trên mặt và thân cầu kỳ. Được người dân phát hiện từ năm 1982, nhưng bảo vật này thi thoảng mới trưng bày trong một vài chuyên đề trống đồng, hoặc di sản Hà Nội. Chính vì vậy, giá trị của chiếc trống thuộc nhóm trống đồng Đông Sơn đẹp nhất, cổ nhất hiện nay ở Việt Nam bị lu mờ. Được Chính phủ công nhận bảo vật quốc gia năm 2015, nhưng mãi đến năm 2017, trống đồng Cổ Loa mới ghi danh là hiện vật của Chính phủ. “Trưng bày giữa các hiện vật quý, nhưng trống đồng Cổ Loa vẫn thể hiện họa tiết đặc trưng, không trùng lặp với hàng trăm chiếc trống đã phát hiện trước đó và sau này” - PGS Hùng nhấn mạnh.

Du khách chiêm ngưỡng trống đồng Cổ Loa. Ảnh:  An Khang

Ông Nguyễn Tiến Đà – Giám đốc Bảo tàng Hà Nội cho biết, hiện nay, ngoài trống đồng Cổ Loa, Bảo tàng lưu giữ 3 bảo vật quốc gia khác là quả chuông Thanh Mai đúc vào năm 798, phát hiện tại Bãi Rồng, xã Thanh Mai, huyện Thanh Oai, là 1 trong 10 kỷ lục văn hóa Phật giáo Việt Nam năm 2006; cây đèn gốm men lam xám thế kỷ XVI của tác giả Đặng Huyền Thông; tòa long đình gốm Bát Tràng. Tất cả đã hiện diện trước công chúng trong triển lãm “Bảo vật quốc gia Thăng Long – Hà Nội”. Còn lại 8 bảo vật quốc gia khác của Hà Nội được lưu giữ tại các khu di tích như: 82 bia đá tiến sĩ Văn Miếu - Quốc Tử Giám, pho tượng Trấn Vũ (đền Quán Thánh), tượng Phật Quan Âm nghìn mắt nghìn tay (chùa Thánh Ân), bộ tượng Di Đà Tam (chùa Thầy), 34 pho tượng Phật thời Tây Sơn (chùa Tây Phương), 2 tượng Thiền sư Vũ Khắc Minh và Vũ Khắc Trường (chùa Đậu)… Khách tham quan triển lãm “Bảo vật Thăng Long – Hà Nội” có thể không được tiếp cận trực tiếp các hiện vật, song có thể tìm hiểu về chúng ở góc trưng bày sách Bảo vật quốc gia Thăng Long – Hà Nội.

Để di sản không nằm trong kho

Ông Nguyễn Tiến Đà thừa nhận, trước khi được công nhận, 4 bảo vật trên được lưu giữ và trưng bày tại Bảo tàng Hà Nội. Sau khi được công nhận, trách nhiệm bảo tồn, bảo quản được siết chặt hơn, trong đó có cả góc độ an ninh. Tuy nhiên, giá trị của di sản không thể được phát huy nếu mãi cất trong kho. Thế nên, sau triển lãm này, các bảo vật quốc gia sẽ được trưng bày thường xuyên trong không gian của Bảo tàng Hà Nội khi dự án trưng bày nội dung của đơn vị này hoàn thành. Theo Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội Tô Văn Động: “Những bảo vật thể hiện một phần hồn cốt 1000 năm Thăng Long – Hà Nội”.

Đã có nhiều tranh cãi về vấn đề du lịch hút khách từ di sản, có nhất thiết phải mang bảo vật quốc gia trưng bày thường xuyên để tăng lượng khách đến bảo tàng? PGS.TS Phạm Mai Hùng cho rằng: "Thế giới đã làm du lịch từ di sản, tại sao Việt Nam không. Các bảo vật quốc gia thể hiện chiều sâu rất riêng của Hà Nội, nên càng cần giới thiệu đến du khách biểu trưng hiếm có của một mảnh đất hưng thịnh qua các triều đại”. Và không chỉ dừng lại ở ý tưởng trưng bày bảo vật quốc gia, hiện nay Bảo tàng Hà Nội đang xin phép chế tác thu nhỏ trống đồng Cổ Loa và chuông Thanh Mai thành vật phẩm lưu niệm cho khách tham quan. Đây chính là cách giúp di sản đi vào đời sống.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần