Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bảo vệ danh thắng ở Quảng Ngãi: Đừng để "mất bò mới lo làm chuồng"

Hà Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cùng với việc phát triển du lịch, không ít danh lam thắng cảnh ở Quảng Ngãi đang bị tàn phá, xâm hại bởi chưa có phương án bảo vệ hiệu quả. Nếu không thay đổi thì chỉ trong thời gian không xa, có lẽ nhiều tuyệt tác thiên nhiên ở vùng đất này sẽ chỉ còn trong hoài niệm.

Danh thắng bị tàn phá
Ba Làng An (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn) - một địa điểm nổi tiếng ở Quảng Ngãi - được đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh biết đến. Nơi đây được nhiều người ví von là “Lý Sơn trong đất liền” bởi vẻ đẹp của những tảng đá núi lửa kéo dài như tường thành, nương mình bên sóng tự bao đời. Danh thắng Ba Làng An còn có tên gọi khác là Ba Tân Gân (tên thời chống Pháp).
Thời xưa, ở đây có 3 làng cùng có tên là An: An Hải (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn), An Vĩnh, An Kỳ (xã Tịnh Kỳ, TP Quảng Ngãi) mang vẻ đẹp hoang sơ, mộc mạc với những bãi đá núi lửa nối nhau tít tắp.
Theo nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Đăng Vũ - nguyên Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch, Ba Làng An là vùng đất mang 3 giá trị lớn gồm văn hóa, địa chất và lịch sử. Cũng theo ông Vũ, các chuyên gia trong nước và quốc tế đều đánh giá hệ thống đá núi lửa ở Ba Làng An và khu vực lân cận vô cùng độc đáo, hiếm có trên thế giới.
 Ba Làng An đang bị tàn phá thô bạo.
Giá trị là vậy, nhưng hiện nay danh thắng Ba Làng An bị tàn phá thô bạo. Phía khu vực gành Đá Đỏ, việc đào đất phá núi lấp khu vực gành biển diễn ra công khai. Còn phía hải đăng Ba Làng An, quy mô đào bới còn lớn hơn, quả đồi bị bạt phá nham nhở.
Cũng tại huyện Bình Sơn, khu vực Gành Yến (xã Bình Hải) cũng có nguy cơ bị tàn phá bởi lượng du khách kéo về đông bất thường để ngắm san hô mùa biển cạn.
Ở Gành Yến, khi thủy triều rút xuống sẽ lộ ra những rạn san hô tuyệt đẹp như hàng ngàn bông hoa đua nhau khoe sắc. Khung cảnh này sẽ xuất hiện liên tiếp 2 - 3 lần mỗi tháng khi thủy triều rút, rơi vào các ngày đầu và giữa tháng, từ tháng 4 đến tháng 7 Âm lịch.
Vài tháng qua, lượng du khách kéo về khu vực này ngày một đông, nhiều người thiếu ý thức giẫm đạp lên san hô hoặc khai thác mang về. Chỉ trong thời gian ngắn chưa đầy 2 tháng, nhiều rạn san hô đã bị tàn phá.
 Rạn san hô bị vỡ nát.
“Bãi san hô vốn gắn bó với người dân ở khu vực này. Tuy nhiên trước kia ít người biết đến. Sau khi được phổ biến trên mạng xã hội, người người ùn ùn kéo đến tham quan. San hô bị giẫm nát hoặc bị khai thác mang về. Tiếc cho tuyệt tác của thiên nhiên mà cũng xót cho nguồn lợi thủy sản, tôm cá mất nơi trú ẩn và đẻ trứng. Biết như thế này thà đừng phổ biến”, một người dân ở thôn Thanh Thủy (xã Bình Hải ) tiếc nuối.
Còn tại Lý Sơn, cổng Tò Vò cũng đang đối mặt với nguy cơ bị "tổn thương". Cổng Tò Vò là dấu tích từ hoạt động phun trào núi lửa hàng triệu năm trước, được tạo nên khi nham thạch gặp nước biển đông cứng lại, cao khoảng 2,5m, mang hình thù độc đáo và trở thành điểm check-in của nhiều du khách khi đến Lý Sơn.
Đứng ở cổng Tò Vò, du khách có thể nhìn thấy rất nhiều những cảnh đẹp Lý Sơn. Địa danh này được mệnh danh như “Tuyệt tác đến từ tạo hóa” hay “Món quà tuyệt diệu của tự nhiên” bởi vẻ đẹp nguyên sơ, không có tác động của con người.
Tuy nhiên, hiện nay Cổng Tò Vò đang đứng trước nguy cơ xâm thực từ sóng biển. Cổng Tò Vò nằm ở mặt nước biển, tác động sóng dẫn đến bào mòn, làm mỏng cấu trúc đá. Thêm vào đó, việc du khách trèo lên cổng Tò Vò chụp ảnh cũng khiến di sản này “gánh”  thêm nỗi lo bị hư hỏng, sụp đổ.
Làm “chuồng” trước khi mất “bò”
Khi được quảng bá rộng rãi và được nhiều người biết đến, thì đồng thời nguy cơ tổn hại cho những danh thắng cũng gia tăng. Với thực tế hoạt động du lịch hiện nay chủ yếu vẫn trải nghiệm tự phát, không cảnh báo, hướng dẫn, không hạn chế hoạt động để bảo vệ thiên nhiên thì danh thắng bị xâm hại là điều khó tránh khỏi.
 Bãi san hô ở Gành Yến.
“Việc du khách giẫm đạp, làm hư hỏng hoặc khai thác san hô ở Gành Yến mang về làm cho khu vực này bị tàn phá cũng là việc nằm ngoài dự tính, chưa lường tới được. Hiện huyện đã họp các phòng, ban chuyên môn để lên phương án bảo vệ san hô Gành Yến”, bà Huỳnh Kim Ngân - Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Bình Sơn cho biết.
Đối với danh thắng Ba Làng An, chuyện xâm hại ở khu vực này lại không phải là mới. Vào năm 2019, UBND huyện Bình Sơn đã ra quyết định xử phạt hành chính đối với ông Nguyễn Hữu Phúc (40 tuổi, trú ở thôn Phú Quý, xã Bình Châu) với số tiền 15 triệu đồng.
Thời điểm đó, ông Phúc đã tự ý đào bới, san ủi rừng phòng hộ ven biển 1.566 m2; xây dựng bờ kè bê tông cốt thép dài 52m, cao 2m, dày 0,2m; dựng trụ bê tông, lát gạch men, mái che lá dừa… Kèm theo xử phạt tiền, UBND huyện Bình Sơn buộc ông Phúc phải trả lại nguyên trạng đất như trước khi vi phạm. Tuy nhiên, sau lần xử phạt này, người dân địa phương lại tiếp tục xâm hại danh thắng Ba Làng An nhiều hơn.
Tại huyện đảo Lý Sơn, để bảo vệ cổng Tò Vò, chính quyền đã khuyến nghị du khách không trèo leo lên cổng Tò Vò khi tham quan đảo, đặc biệt tại các phiến đá mỏng, điểm cao, nguy hiểm. Tuy nhiên, thực tế là việc chấp hành khuyến nghị này vẫn bị “bỏ lơ”, và việc bảo vệ di sản cũng chỉ mới dừng ở việc treo bảng cảnh báo mà chưa có chế tài cụ thể.
 Du khách chụp ảnh, ngắm cảnh ở cổng Tò Vò.
Theo ông Nguyễn Minh Trí - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Ngãi, việc quản lý trực tiếp các danh thắng trên thuộc về chính quyền địa phương, nhưng thực tế cũng không bám sát, quản lý hết được.
“Người dân, du khách đều biết xâm phạm di sản, thắng cảnh sẽ bị xử phạt, tuy nhiên tình trạng đó vẫn diễn ra. Chúng tôi phối hợp tăng cường giám sát, xử lý vi phạm theo Luật Di sản để hạn chế”, ông Trí nói.
Lan truyền, quảng bá phát triển du lịch với tốc độ nhanh, nhưng lại thiếu sự chuẩn bị cho việc bảo vệ danh thắng cũng như phản ứng chậm đối với các nguy cơ trước mắt của chính quyền sở tại, nhà chức trách trong thời gian qua đã "đẩy" không ít di sản thiên nhiên đối mặt với nguy cơ bị xâm hại, tàn phá. Nếu không thay đổi, chắc rằng chỉ trong thời gian không xa, nhiều tuyệt tác của thiên nhiên ở Quảng Ngãi sẽ chỉ còn trong hoài niệm.
“Cần phải bảo vệ các thắng cảnh, di sản của thiên nhiên, đừng để "mất bò mới lo làm  chuồng”, chị Huỳnh Thị Loan - 1 du khách nêu quan điểm.