Còn đâu điểm du lịch hút kháchThành cổ Sơn Tây nằm ở trung tâm thị xã Sơn Tây, được xây dựng vào năm Minh Mạng thứ 3 (1822). Tòa thành cổ có tổng diện tích 16ha với kiến trúc độc đáo như tường thành bằng đá ong, bốn cổng thành xây bằng gạch cổ. Đây là một trong số ít thành dưới thời Minh Mạng còn lại đến ngày nay. Thành được xây dựng kiên cố để bảo vệ vùng đất phía Tây Thăng Long. Công trình này được Bộ VHTT&DL công nhận di tích lịch sử quốc gia năm 1994. Trải qua ba lần trùng tu (vào các năm 1995, 2003, 2011) cùng nhiều lần được sửa chữa khác, hiện Thành cổ Sơn Tây thỏa mãn được ba giá trị xã hội miền phía Tây Hà Nội về quân sự, tâm linh và du lịch.
Hiện nay, Thành cổ Sơn Tây đã xanh nhưng chưa sạch, đẹp cả về hình thức chăm sóc bên ngoài của các hạng mục kiến trúc và không gian thành cổ. Khu vực Thành cổ Sơn Tây đã được UBND thị xã Sơn Tây trước đây giao cho đơn vị Công ty CP Môi trường và công trình đô thị quản lý. Từ năm 2008 qiao cho Ban quản lý di tích làng cổ Đường Lâm quản lý. Hàng năm, ngoài ngân sách sửa chữa, bảo dưỡng chăm sóc, quản lý môi trường, UBND thị xã Sơn Tây đã huy động hàng nghìn giờ công của các đơn vị trên địa bàn vào những dịp lễ, Tết chung tay làm sạch môi trường cảnh quan khu vực thành cổ, đặc biệt là các đơn vị quân đội.Thành cổ Sơn Tây là lá phổi xanh của thị xã, nơi thường xuyên tổ chức các hội thi cây cảnh, chim cảnh, đua thuyền... và nhiều lễ hội khác. Hàng năm, nhiều du khách khi có dịp đến Sơn Tây đều mong muốn ghé thăm thành cổ hấp dẫn này. Nhiều du khách đến đây ngỡ ngàng với thiên nhiên và hình dáng công trình thành cổ, lắng đọng hồn cổ kính:Thành cổ Sơn Tây nắng sắc vàng/Hào nước xanh xanh ngỡ Thu sang/Cột cờ tĩnh lặng in hồ nước/Hành cung sân điện vọng tiếng vang/Cửa tiền cửa hậu cầu bắc sang/Cổng gạch rêu phong đón sẵn sàng/Cây quấn dây leo in quá khứ/Lâng lâng tản bộ khách qua ngang.Để “viên ngọc” được sáng và ngày càng rực rỡĐể duy trì là điểm đến của người dân địa phương và du khách, Thành cổ Sơn Tây cần thỏa mãn tiêu chí của môi trường sáng - xanh - sạch - đẹp. Vài năm trở lại đây, việc chăm sóc cảnh quan môi trường không được thường xuyên, chu đáo. Cây tự nhiên, cây cảnh không được cắt tỉa thường xuyên. Các chậu hoa, hành lang hoa để cỏ mọc hoặc đất trơ. Các ô hoa bị bỏ mặc, thi thoảng mới được bổ sung. Xung quanh bờ hồ, bờ hào, thành đá ong cây cỏ mọc không theo trật tự do thiếu sự chăm sóc, cắt tỉa. Mặt nước xung quanh hào, hồ nước rác thải nổi lềnh bềnh...Bên cạnh đó, cả khu vực 16ha chỉ có hai nhà vệ sinh công cộng trên đường đi đường vòng trong cùng của thành, nép mình vào sâu bên trong, phần lớn thời gian thường xuyên khóa cửa, không có biển chỉ dẫn lối vào. Nhà đón khách mới xây dựng có nhà vệ sinh riêng nhưng cũng khóa im lìm. Đèn chiếu sáng thì cột sáng cột tắt, thiếu sự quan tâm duy tu cải tạo.Thiết nghĩ, đây là di tích kiến trúc quốc gia, trước đó đã được đầu tư bài bản, thì nay cần phải có kế hoạch thường xuyên tu bổ, chăm sóc chu đáo. Để “viên ngọc” Thành cổ Sơn Tây được sáng và ngày càng rực rỡ, các cấp, ngành và thị xã Sơn Tây cần có hành động ngay và việc làm cụ thể. Việc sửa chữa, duy trì bảo dưỡng thường xuyên các hạng mục không gian thuộc thành cổ không chỉ là bảo tồn di tích lịch sử mà còn có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo vệ môi trường sinh thái.