Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bảo vệ ngân hàng nhìn từ giải Nobel kinh tế 2022

Hương Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Có tên gọi chính xác là Giải thưởng Sveriges Riksbank về Khoa học Kinh tế, giải Nobel kinh tế năm nay đã ghi nhận các giá trị từ 3 bài báo, tất cả đều được xuất bản vào đầu những năm 1980

Giải Nobel kinh tế 2022 đã được trao cho Douglas Diamond, Philip Dybvig và cựu Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Ben Bernanke vì những công trình nghiên cứu của họ về vai trò của các ngân hàng trong nền kinh tế hiện đại, cũng như sự cần thiết phải ngăn chặn các sự cố ngân hàng trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế.

Vai trò quan trọng của ngân hàng

Có tên gọi chính xác là Giải thưởng Sveriges Riksbank về Khoa học Kinh tế, giải Nobel kinh tế năm nay đã ghi nhận các giá trị từ 3 bài báo, tất cả đều được xuất bản vào đầu những năm 1980, gồm hai đóng góp lý thuyết của Diamond và Dybvig (1983), Diamond (1984); và một đóng góp thực nghiệm của Bernanke (1983).

Cựu Chủ tịch Fed Ben Bernanke, một trong ba học giả đạt giải Nobel kinh tế 2022. Ảnh: AP
Cựu Chủ tịch Fed Ben Bernanke, một trong ba học giả đạt giải Nobel kinh tế 2022. Ảnh: AP

“Những hiểu biết sâu sắc từ các công trình nghiên cứu là điều cần thiết để cho phép các ngân hàng, chính phủ và các tổ chức quốc tế điều hướng đại dịch Covid-19 mà không gây ra hậu quả kinh tế thảm khốc” - Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển cho biết trong thông báo hôm 10/10.

Đáng nói, trước các nghiên cứu quan trọng này của cả ba người đoạt giải, thế giới vẫn chưa có được hiểu biết chung nào về cách các ngân hàng đóng vai trò của họ trong xã hội.

Các công trình của hai nhà kinh tế học Diamond và Dybvig về cơ bản đã giải thích lý do tại sao các ngân hàng tồn tại và vai trò của các ngân hàng trong nền kinh tế bằng cách chuyển các khoản tiết kiệm của các cá nhân thành các khoản đầu tư hiệu quả.

Về cơ bản, ngân hàng đóng hai vai trò. Một mặt, họ giám sát những người đi vay trong nền kinh tế. Mặt khác, họ cung cấp tính thanh khoản cho các cá nhân, những người không biết họ sẽ cần mua gì trong tương lai và điều này có thể khiến họ không thích gửi tiền do lo ngại trường hợp không có sẵn khi họ cần. Các ngân hàng xóa bỏ ác cảm này bằng cách cung cấp cho người gửi sự đảm bảo rằng họ hoàn toàn có thể rút tiền của mình bất cứ khi nào được yêu cầu.

Vấn đề là bằng cách cung cấp sự đảm bảo này, các ngân hàng cũng dễ bị khủng hoảng, ngay cả khi tài chính của họ vẫn khỏe mạnh. Điều này xảy ra khi những người gửi tiền cá nhân lo lắng rằng nhiều người gửi tiền khác đang rút tiền của họ khỏi ngân hàng. Tâm lý hoảng loạn này cuối cùng có thể dẫn đến việc ngân hàng phá sản.

Nhà kinh tế học Ben Bernanke sau đó đã làm rõ điều này hơn bằng cách xem xét hành vi của các ngân hàng trong thời kỳ Đại suy thoái những năm 1930. Trong khi trước đây người ta vẫn chưa rõ liệu các thất bại của ngân hàng là nguyên nhân hay hậu quả của cuộc khủng hoảng tài chính - kinh tế, nghiên cứu năm 1983 của Bernanke đã cho thấy vấn đề chủ yếu là do các ngân hàng. Ông cũng giải thích lý do tại sao sự sụp đổ của các ngân hàng đã dẫn đến một cuộc suy thoái kéo dài, một cuộc khủng hoảng kinh tế lớn nhất trong lịch sử hiện đại.

Ngắn gọn, sự cố ngân hàng được cho luôn dẫn đến việc mất thông tin quan trọng mà ngân hàng thu được - và có thể được chuyển cho các bên khác - về nhóm người gửi tiết kiệm và người đi vay. Nếu không có những thông tin đảm bảo như vậy để đo lường mức độ tín nhiệm của các DN và hộ gia đình, thì khả năng thanh khoản sẽ không thể nhanh chóng được thiết lập lại.

Những hiểu biết này cũng làm sáng tỏ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Nó bắt đầu với sự sụt giảm trong lĩnh vực nhà ở, nhưng đã dẫn đến sự hoảng loạn trên thị trường tài chính - đúng như mô hình của Diamond và Dybvig dự đoán. Sự hoảng loạn này đã gây ra sự sụp đổ của các công ty dịch vụ tài chính như Lehman Brothers có trụ sở tại Mỹ, tạo ra một cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu.

Trùng hợp, chính vào thời điểm đó, Bernanke là Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), cùng với Bộ Tài chính Mỹ, đã can thiệp như một người cho vay khẩn cấp để duy trì một số thanh khoản, đồng thời giữ cho các ngân hàng thương mại không bị sụp đổ. Những can thiệp tương tự cũng đã diễn ra trên toàn cầu.

Những bài học còn nguyên giá trị

Sau khi nhận ra tính dễ bị tổn thương nội tại của cả các ngân hàng vốn đang ổn định về tài chính, các bên liên quan có thể bắt đầu suy nghĩ về các chính sách để giảm bớt rủi ro đó, chẳng hạn như bảo hiểm người gửi tiền và trấn an mọi người rằng ngân hàng trung ương sẽ bước vào với tư cách là người đảm bảo cuối cùng.

Trong trường hợp một ngân hàng thương mại hoạt động bất ổn do thanh khoản hỗn loạn thay vì là mất khả năng thanh toán, một thông báo từ chính phủ hoặc ngân hàng trung ương có khả năng đủ để tự giải quyết vấn đề mà không cần bất kỳ khoản bảo hiểm tiền gửi nào. Mặt khác, khi một ngân hàng rơi vào khủng hoảng do mất khả năng thanh toán, đó là lúc được cho cần phải bơm tiền vào để giải cứu tổ chức.

Vấn đề là không dễ để xác định xem một ngân hàng đang bất ổn thuộc trường hợp nào trong hai trường hợp nói trên. Chẳng hạn, sai lầm của Ireland vào năm 2008 được cho là một ví dụ điển hình về việc giải cứu ngân hàng do lo ngại thanh khoản. Nhà nước Ireland lúc bấy giờ đã tăng cường bảo lãnh toàn diện cho các chủ nợ, nhưng sau đó các ngân hàng thực sự vỡ nợ và chính phủ phải bơm một lượng tiền khổng lồ vào đó, dẫn đến việc biến các khoản nợ xấu thành một cuộc khủng hoảng nợ quốc gia tồi tệ.

Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 được nhiều người cho là bắt nguồn từ việc các ngân hàng cho vay thiếu thận trọng đối với những người đi vay trên thị trường nhà ở, những người không có đủ năng lực để trả nợ. Đáng chú ý, công trình nghiên cứu của Diamond và Dybvig ra đời trước đó 25 năm đã cảnh báo cách hệ thống ngân hàng có thể tạo ra các động lực tiêu cực như thế nào để thúc đẩy các chiến lược cho vay rủi ro như vậy.

Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 như một thực tiễn nhấn mạnh sự cần thiết phải có các quy định của ngân hàng để tránh hành vi nói trên. Tại Mỹ, điều này đã được áp dụng trong Đạo luật Cải cách Phố Wall và Bảo vệ Người tiêu dùng (Đạo luật Dodd-Frank) vào tháng 7/2010, trong khi các biện pháp bảo vệ tương tự cũng đã được thực hiện ở Liên minh châu Âu và nhiều nơi khác.

Những bài học như vậy vẫn còn nguyên giá trị đến ngày nay, đã giúp giảm thiểu nguy cơ mất thanh khoản trong quá trình đóng cửa vì đại dịch Covid-19. “Những ký ức về cuộc khủng hoảng năm 2008 và các cải tiến trong chính sách quản lý trên toàn thế giới đã giúp hệ thống ít bị tổn thương hơn nhiều, và lĩnh vực ngân hàng đang ở trong tình trạng vững chắc, với khả năng quản lý rủi ro tốt hơn” - ông Diamond nói, nhưng cảnh báo rằng các lỗ hổng gây ra đối với hoạt động ngân hàng “có thể xuất hiện ở bất kỳ đâu trong lĩnh vực tài chính”, không chỉ từ nội tại ngân hàng đó.

Nghiên cứu năm 1983 của Bernanke cũng đã đề cập đến các yếu tố bên ngoài tư duy kinh tế truyền thống - chẳng hạn như thành kiến hành vi, vòng lặp phản hồi và vai trò của sự sụp đổ niềm tin - có thể tạo ra sự bất ổn trong hệ thống ngân hàng, được cho là rất quan trọng để điều hướng cuộc khủng hoảng năm 2008.

Jean-Philippe Bouchard - Chủ tịch Quỹ Capital Management, đồng Giám đốc Học viện Tài chính Định lượng Hoàng gia, ĐH Hoàng gia London đánh giá: “Khi cuộc khủng hoảng xảy ra, tôi khá chắc chắn rằng ông ấy (Ben Bernanke) đã hiểu ngay điều gì đang xảy ra, nhờ vào kiến thức sâu rộng về cuộc khủng hoảng năm 1929. Tôi cảm thấy rằng chúng ta đều may mắn khi có ông ấy lãnh đạo Fed vào thời điểm đó”.