Bảo vệ những cánh rừng ngăn lũ

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo thống kê, đợt mưa lũ xảy ra tại các tỉnh miền Trung từ đầu tháng 10/2020 đến nay đã khiến hàng chục người chết và mất tích, hàng ngàn nhà dân bị hư hỏng (tính cả trong trận bão số 9 vừa qua).

Kéo theo đó là khó khăn bủa vây cuộc sống của hơn 7 triệu đồng bào vùng lũ lụt. Mưa lũ qua đi, nhiều điều phải ngẫm ngợi, trong đó có việc làm sao bảo vệ rừng để kìm hãm lũ lụt.

Vì sao xảy ra mưa lũ lịch sử?

Số liệu quan trắc của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cho thấy, trong khoảng 20 ngày đầu tháng 10/2020, tại các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi đã ghi nhận lượng mưa phổ biến từ 1.000 - 2.000mm, có nơi mưa lên tới trên 2.000mm, thậm chí 3.000mm. Lượng mưa này cao hơn gấp 2,5 - 3 lần so với lượng mưa trung bình nhiều năm trở lại đây đo được.

Các đợt mưa lũ lớn dồn dập, liên tiếp nhau khiến nước từ đợt trước chưa kịp rút thì đã phải hứng chịu thêm nước từ đợt mưa sau. Điều này đã khiến mực nước lũ trên 4 tuyến sông thuộc khu vực miền Trung vượt ngưỡng lịch sử; cụ thể: Sông Kiến Giang (Quảng Bình); sông Hiếu, sông Thạch Hãn (Quảng Trị); sông Bồ (Thừa Thiên Huế).
 Hình ảnh vụ sạt lở đất rừng tại Trạm bảo vệ rừng 67 tỉnh Thừa Thiên Huế.
Nguyên Phó trưởng phòng Dự báo (Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ) Lê Thị Xuân Lan cho rằng, áp thấp nhiệt đới và bão dồn dập khiến miền Trung phải hứng chịu những đợt mưa lớn sát nhau. “Mưa lũ ở miền Trung không phải là điều lạ lẫm, nhưng mưa với lượng lớn như trong tháng 10 vừa qua là rất bất thường” - bà Lan nhận định.

Đợt mưa kỷ lục cũng được nhiều chuyên gia khí tượng thủy văn nhận định là do sự kết hợp của nhiều hình thái thời tiết, bao gồm không khí lạnh, áp thấp nhiệt đới và bão. Các hình thái xuất hiện đồng thời đã gây ra hiện tượng thời tiết cực đoan. Hệ quả là miền Trung phải hứng chịu đợt mưa lớn kéo dài gây ngập lụt nghiêm trọng. Đây có thể được xem là biểu hiện của biến đổi khí hậu đang diễn ra nhanh hơn dự báo.

Địa chất và suy giảm hệ sinh thái rừng

Thiên tai bất thường là điều khó có thể lường trước. Tuy nhiên, mưa lớn kéo dài để lại hậu quả nghiêm trọng như vừa xảy ra tại các tỉnh miền Trung thì không thể chỉ đổ lỗi cho thiên tai. Ở đó, sự can thiệp đôi khi thô bạo của con người cũng là một trong số nguyên nhân không thể bỏ qua.

Chuyên gia lâm nghiệp Lê Huy Cường (Hội Khoa học kỹ thuật lâm nghiệp Việt Nam) cho rằng, việc xây dựng quá nhiều thủy điện trong vùng lõi của rừng là nguyên nhân quan trọng khiến diện tích rừng nguyên sinh suy giảm nhanh chóng. “Nhà máy thủy điện không chỉ chiếm diện tích dưới lòng sông, hồ, mà còn lấy đi nhiều diện tích đất thổ cư của người dân, đẩy người dân đến những khu tái định cư. Để có sinh kế, bà con phải phát nương làm rẫy. Diện tích rừng cứ thế mất đi theo từng năm tháng…” - ông Cường bày tỏ quan điểm.

Ở khía cạnh liên quan, ThS Nguyễn Đức Tùng - Phó Viện trưởng Viện Môi trường và phát triển bền vững cho rằng rừng đóng vai trò quan trọng trong điều tiết nước. “Rừng nhiệt đới của Việt Nam thường có 3 - 4 tầng cây. Tầng 1 là tầng nhô, tầng 2 là tầng chính, tầng 3 là tầng dưới tán và tầng 4 là cây bụi, thảm tươi. Bốn tầng cây đóng vai trò quan trọng trong việc giữ nước. Ngoài ra, hệ rễ của cây xanh cũng giúp giữ đất không bị xói lở, qua đó giảm được lượng nước chảy trên bề mặt” - ThS Nguyễn Đức Tùng cho hay.

Thực tế cho thấy, tại các vùng rừng nhiệt đới rất hiếm khi xảy ra câu chuyện xói mòn, sạt lở đất. Hầu hết những nơi bị sạt lở là vùng đất trống, đồi núi trọc, không còn khả năng giữ nước. Vụ việc thương tâm xảy đến với cán bộ, chiến sĩ Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337 (Quân khu 4), hay đoàn công tác vào tìm kiếm công nhân bị mất liên lạc tại thủy điện Rào Trăng 3 (Thừa Thiên Huế) đều là do sạt lở đất đồi núi trọc.

Yếu tố địa chất cũng có tác động mạnh mẽ đến lũ quét, sạt lở đất. Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai (Bộ NN&PTNT) Trần Quang Hoài, đánh giá miền Trung có đặc tính địa hình phân cắt lớn, độ dốc cao. Khi mưa lũ trôi qua địa hình này thì chảy trôi nhanh hơn rất nhiều so với địa hình bằng phẳng.

Khu vực Tây Nguyên cũng được nhận định có hệ thống đồi núi trồng xếp lớp, có tình trạng trượt lở đất hết sức phức tạp. Một số khu vực thuộc Thừa Thiên - Huế, Quảng Trị, Quảng Bình… thường xuyên có tình trạng trượt lở đất đá do nằm trên một đới đứt gãy vẫn đang hoạt động. Bên cạnh đó, đất đá tại khu vực miền Trung cũng bị phong hóa mạnh. Đặc tính mềm và vụn của đất đá tại nhiều tỉnh miền Trung đã kiến tạo những khe nứt dẫn đến hiện tượng trượt lở dễ xảy ra hơn.

Không thể “lấy ngắn nuôi dài”

Phát triển kinh tế để cải thiện đời sống cho đồng bào, đặc biệt là tại các địa phương vùng sâu, vùng xa là cần thiết. Tuy nhiên, trong quá trình đó, cần bảo đảm hài hòa giữa lợi ích kinh tế và bảo vệ thiên nhiên môi trường, nhất là tài nguyên rừng.

Tài nguyên rừng ở miền Trung có ý nghĩa hết sức quan trọng, nhưng dường như có một bộ phận đang nhắm đến lợi ích kinh tế hơn là sự phát triển bền vững. Diện tích rừng tại miền Trung suy giảm là nguyên nhân trực tiếp khiến lũ lụt xảy ra nghiêm trọng hơn.

Đáng lo ngại khi những năm qua, diện tích rừng bị suy giảm trên cả nước nói chung là rất lớn. Theo số liệu của Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT), từ năm 2016 - 2019, tổng diện tích rừng bị suy giảm là 7.283ha, tức trung bình mỗi năm, Việt Nam mất đi khoảng 2.430ha rừng.

Tính riêng từ đầu năm 2020 đến nay, diện tích rừng trồng mới tập trung đạt khoảng 169.500ha, giảm 2,6% so với cùng kỳ năm 2019. Thế nhưng diện tích rừng bị thiệt hại cả nước lên tới 1.291ha; trong đó, diện tích rừng bị phá là hơn 687ha, tăng 45% so với cùng kỳ năm 2019.

Nguyên nhân chính khiến diện tích rừng tự nhiên bị cạn kiệt là do việc chuyển đổi mục đích sử dụng và khai thác quá mức, đặc biệt là tại Duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên. Đáng lo ngại khi diện tích rừng phòng hộ đang ngày một suy giảm, thay vào đó là gia tăng rừng sản xuất.

Đáng lo là rừng sản xuất thực tế lại khôngthể thay thế được rừng tự nhiên. Nguyên nhân theo chuyên gia lâm nghiệp Lê Huy Cường là bởi sau 7 - 8 năm sinh trưởng, rừng được chặt đi, rồi trồng lại. Rừng khi đó sẽ cần một vài năm để cây phát triển đủ lớn. Việc trồng rừng sản xuất còn khiến đất bị thoái hoá nhanh hơn. Không được cung cấp dinh dưỡng làm chất lượng đất suy giảm; độ phì, độ kết dính kém hơn và dễ bị sạt lở.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, nhận thức về phát triển rừng nhiều năm qua đã có sự thay đổi lớn. Chính phủ khuyến khích trồng rừng, phát triển sinh kế rừng, trên cơ sở bảo đảm hài hòa lợi ích giữa kinh tế và bảo vệ thiên nhiên, môi trường.

Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, hiện nay Bộ đang từng bước triển khai thực hiện nhiệm vụ kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng, trồng rừng thay thế và thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng; đồng thời, đánh giá, tổng kết thực hiện Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2006 - 2020; xây dựng Chiến lược phát triển lâm nghiệp giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050, và Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021 - 2025.

"Các địa phương cần cân nhắc, bên cạnh phát triển kinh tế cần giữ được cân bằng môi trường tự nhiên. Tăng cường giám sát, quản lý chặt chẽ, tái phát triển rừng, nhất là rừng nguyên sinh. Đối với các dự án phát triển có tác động đến lâm sinh, cần hết sức cân nhắc, bảo đảm hài hòa yếu tố phát triển bền vững…" - Phó Viện trưởng Viện Môi trường và Phát triển bền vững - ThS Nguyễn Đức Tùng