Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng: Doanh nghiệp không thể ngoài cuộc

Thu Hương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc Sở Công Thương Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động cụ thể trong quá trình triển khai Ngày Quyền của người tiêu dùng (NTD) Việt Nam 2017 đã hỗ trợ DN đưa hàng Việt tới tay NTD.

Tuy nhiên, để đảm bảo quyền lợi cho NTD, chính bản thân DN trong quá trình cung ứng hàng hóa phải bảo đảm nguồn gốc xuất xứ, an toàn…
Người tiêu dùng còn e ngại

Thông tin từ Ban Chỉ đạo Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam TP Hà Nội cho thấy: Sau 7 năm triển khai Chương trình Hành động vì quyền lợi NTD, Tổng đài 04.1081 đã tiếp nhận, giải đáp gần 15.000 cuộc gọi hỏi về Luật, quyền và nghĩa vụ của NTD. Riêng trong 6 tháng đầu năm 2017, Tổng đài đã tiếp nhận, giải đáp hơn 3.000 cuộc gọi hỏi về Luật và các thông tin liên quan đến chương trình, đồng thời tiếp nhận các khiếu nại của NTD để chuyển tới Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ NTD Việt Nam, tăng gần 15% so với năm 2016.
 Nhân viên siêu thị BigC tư vấn quyền lợi cho người tiêu dùng. Ảnh: Lê Nam
Tuy nhiên, phần lớn NTD vẫn có tâm lý ngại va chạm, nên đa số chưa dám lên tiếng bảo vệ quyền lợi của mình. Khi nói về nguyên nhân khiến NTD ngại tố cáo hành vi xâm phạm quyền NTD, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Chủ tịch Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ NTD Việt Nam cho rằng: Một trong những nguyên nhân khiến việc giải quyết các khiếu nại của NTD không thành công là do NTD không đủ chứng cứ quyền lợi bị xâm hại, hoặc đưa ra đòi hỏi đền bù quá mức. “Hơn nữa, chính bản thân những người thực thi pháp luật chưa thực sự sát sao vào cuộc hoặc vào cuộc quá chậm trễ… khiến NTD thiếu niềm tin vào cơ quan, chính quyền” - ông Nguyễn Mạnh Hùng nêu rõ.

Doanh nghiệp hưởng ứng

Hưởng ứng thông điệp “Hàng hóa an toàn cho NTD” do Bộ Công Thương phát động, Sở Công Thương Hà Nội vừa tổ chức Chương trình Hành động vì quyền lợi NTD, qua đó tạo cơ hội để NTD tiếp cận với hàng Việt Nam chất lượng cao, giá hợp lý, nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng.

Ông Dương Văn Việt - Giám đốc Siêu thị Media Mart cho biết: Để bảo vệ quyền lợi của khách hàng, Media Mart sẵn sàng từ chối các nhà cung cấp có hành vi gian dối trong kinh doanh. Thực tế cho thấy, DN bán lẻ đã tích cực triển khai các hoạt động bảo vệ quyền lợi NTD, đồng thời tổ chức nhiều chương trình tư vấn miễn phí… Nhờ đó, chương trình này đã lan tỏa sâu rộng trong mọi tầng lớp Nhân dân, là động thái thiết thực kích cầu mua sắm hàng Việt được nhiều DN chờ đón. Số liệu của Sở Công Thương Hà Nội cho thấy, thông qua những hoạt động cụ thể như: Hội chợ hàng hóa Vì NTD, Tuần lễ tri ân NTD, Chương trình triển khai Ngày Quyền của NTD Việt Nam năm 2017 đã thu hút hơn 300.000 lượt NTD tham gia mua sắm tại các điểm bán hàng đã đăng ký. Tổng doanh thu của các DN tham gia đạt hơn 231 tỷ đồng, tăng trưởng về doanh thu và lượng khách gần 10% so với chương trình năm 2016.

Theo đại diện Sở Công Thương Hà Nội, điều quan trọng nhất là NTD cần chủ động và quan tâm hơn nữa tới quyền lợi của chính mình. Từ đó, có những phản hồi tích cực tới cơ quan quản lý, DN thì chương trình Hành động vì quyền lợi NTD mới thật sự hiệu quả. Từ nay đến hết năm 2017, ngành công thương Hà Nội sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nhất là 8 quyền của NTD tới DN, người dân. Đồng thời, sẽ tổ chức nhiều hoạt động kết nối cung cầu DN - NTD, qua đó hỗ trợ DN tiêu thụ hàng Việt. Đặc biệt, từ ngày 21 - 25/9, Hội chợ hàng Việt, hội nghị liên kết giao thương, kết nối cung cầu giữa TP Hà Nội và một số tỉnh, TP năm 2017, nhiều hoạt động chống hàng giả, hàng kém chất lượng sẽ được thực hiện, góp phần hỗ trợ môi trường kinh doanh lành mạnh hơn, giúp bảo vệ quyền lợi NTD và DN hiệu quả hơn.

"Chỉ khi hiểu rõ Luật Bảo vệ NTD sẽ thấy đây vừa là nghĩa vụ, vừa là quyền lợi của DN. Việc làm này không chỉ giúp ích cho NTD, mà DN cũng có lợi khi tăng mức tiêu thụ sản phẩm." -  Lê Thị Kim Oanh - Phó trưởng BCĐ Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam TP Hà Nội

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần