Bảo vệ thông tin cá nhân: Bắt đầu từ ý thức

Thái San
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Khi công nghệ và internet phát triển mạnh mẽ, thông tin cá nhân trở thành những tài sản có thể trao đổi và ngày càng có giá trị.

Những thông tin đó có thể bị tiết lộ, mua bán, trao đổi, gây ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống của mỗi con người.
Khi thông tin cá nhân bị đánh cắp
Tháng 4/2019, Hãng bảo mật mạng UpGuard cho biết đã phát hiện hai tập hợp dữ liệu chứa thông tin cá nhân của hàng trăm triệu tài khoản người dùng Facebook, cả hai đều trong tình trạng ai cũng có thể tiếp cận. Trước đó một năm, thông tin về việc hơn 87 triệu người dùng Facebook bị lộ dữ liệu cá nhân được công khai, trong đó Việt Nam có gần 500.000 tài khoản bị khai thác, thu thập dữ liệu. Facebook đã lâm vào cuộc khủng hoảng chưa từng có, thu hút sự chú ý của toàn thế giới. Các tổ chức và cơ quan chức năng của các chính phủ đã vào cuộc điều tra nguyên nhân, làm rõ hậu quả.
 Người sử dụng internet phải nâng cao nhận thức để bảo vệ thông tin cá nhân của mình.
Thực tế cho thấy, đối với các thông tin cá nhân bị đánh cắp, những kẻ tấn công thường dùng để bán trong các "thị trường ngầm", các công ty tiếp thị hoặc công ty chuyên về các chiến dịch spam để gian lận thuế, lừa đảo, tống tiền, tấn công spam... Việc đánh cắp thông tin trực tuyến có thể nguy hiểm hơn vì có thể làm lộ các tài khoản trực tuyến của nạn nhân.
Tại hội thảo “Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và những vấn đề pháp lý đặt ra cho việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam” mới đây, Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) Hoàng Minh Tiến cho biết, việc để lộ, lọt thông tin cá nhân trên không gian mạng tại Việt Nam ngày càng phổ biến.
Đảm bảo an toàn thông tin cá nhân
Theo Thiếu tướng Lê Minh Mạnh - Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an), Luật An ninh mạng có hiệu lực từ ngày 1/1/2019 đã quy định đầy đủ các biện pháp phòng ngừa đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật.
Tuy nhiên, tội phạm an ninh mạng vẫn đang diễn biến ngày càng nghiêm trọng với phạm vi rộng, tính chất xuyên quốc gia, ẩn danh cao. Đây là thách thức không chỉ riêng Việt Nam mà còn của toàn cầu. Tại Việt Nam, một số biểu hiện phổ biến của tội phạm như: Sử dụng không gian mạng xâm phạm an ninh quốc gia, kích động, biểu tình, sử dụng thông tin giả, sai sự thật; lừa đảo, chiếm đoạt tài sản thông qua các cuộc gọi mạo danh…
Về hành lang pháp lý trong việc bảo vệ thông tin cá nhân, Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) Hoàng Minh Tiến cho hay, Việt Nam đã có Luật An ninh mạng nhưng quy định mới dừng ở mức chung chung, các cơ quan liên quan đang tiếp tục nghiên cứu, xây dựng văn bản hướng dẫn. Vì thế, điều quan trọng nhất là người sử dụng phải nâng cao nhận thức để bảo vệ thông tin cá nhân của mình.
Các chuyên gia cũng khẳng định, trong giai đoạn hiện nay, chỉ cần người sử dụng nhận thức và có ý thức tự áp dụng một số biện pháp đảm bảo an toàn thông tin cơ bản cũng phòng ngừa được đa phần các nguy cơ, rủi ro. Điều này phản ánh sự cần thiết của việc triển khai đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức về an toàn thông tin tại Việt Nam.

"Chưa bao giờ vấn đề tội phạm công nghệ cao và việc bảo vệ bí mật đời tư, bảo vệ dữ liệu cá nhân, duy trì an ninh mạng lại trở nên cấp thiết như hiện nay. Thực tế cho thấy, các quy định pháp luật dựa trên các quan điểm pháp lý truyền thống đang tỏ ra chưa đủ để điều chỉnh một cách hiệu quả các tình huống mới phát sinh." - Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu