Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bảo vệ trẻ trước "quái thú" trực tuyến

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong những ngày gần đây, hiện tượng Momo Challenge hay Thử thách Momo đã thực sự là "cảnh báo đỏ" tới cộng đồng người dùng internet Việt Nam khi đối tượng bị những nội dung tiêu cực này nhằm đến là trẻ em. Tuy nhiên, nhiều khả năng, cũng giống như nhiều video clip nguy hiểm khác từng xuất hiện trên Youtube và mạng xã hội, "quái thú" Momo sẽ sớm bị lãng quên và thay vào đó là sự xuất hiện của hàng loạt nội dung kinh dị khác.

 Ảnh minh họa
Trước đó, "Thử thách Cá voi xanh" bắt người chơi thực hiện những hành vi từ bình thường đến nguy hiểm và buộc phải tự sát là điều kiện cần thiết để chiến thắng; “Thử thách nghẹt thở” thách thức người chơi quay lại video tự mình bóp cổ hoặc nhờ người khác thực hiện, theo lời quảng cáo khi tham gia trải nghiệm các thử thách này "người tham gia sẽ có cảm giác cực kỳ hưng phấn"... Đáng lo ngại là những trào lưu thử thách nguy hiểm này đã và đang tác động trực tiếp tới trẻ em, làm gia tăng nguy cơ tự tử tiềm ẩn ở trẻ.
Bộ Giáo dục Singapore hôm 28/2 thậm chí đã đưa ra khuyến cáo: "Phụ huynh và người giám hộ cần giao tiếp cởi mở với con, giáo dục con về hành vi trực tuyến, theo dõi những gì con truy cập trên mạng và giúp con hiểu rằng cha mẹ, người giám hộ là những người quan trọng mà con có thể tin tưởng để chia sẻ cảm giác không thoải mái, bị ép buộc hoặc không an toàn".
Còn ở Việt Nam, là đơn vị quản lý Nhà nước làm việc trực tiếp với Google, toàn bộ phản ứng của Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử (Bộ TT&TT) với quái thủ Momo chỉ là yêu cầu Youtube gỡ bỏ các clip có chứa nội dung tiêu cực, đồng thời khuyến cáo mạng xã hội này tăng cường thêm bộ lọc. Mặc dù do nhiều điều kiện khách quan khiến Cục không thể làm quá hành động trên nhưng cần phải khẳng định, đây chỉ là giải pháp tình thế, không phải cách lâu dài để bảo vệ người dùng nhỏ tuổi trong tương lai.
Vậy làm sao để bảo vệ con em mình trên môi trường mạng? Câu trả lời là cần sự vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa của các cơ quan quản lý liên quan nhằm thống nhất quy trình phản ứng và xử lý những thông tin tiêu cực trên không gian mạng ngay từ khi nó vừa chớm xuất hiện. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý internet của Việt Nam cũng cần có những biện pháp xử lý mạnh tay hơn với các mạng xã hội, mạng video nước ngoài là nơi phát tán những thông tin gây ảnh hưởng tiêu cực tới trẻ em.
Cũng không thể không nhắc tới trách nhiệm của Cục Trẻ em (Bộ LĐTB&XH), vốn là cơ quan bảo vệ quyền lợi trẻ em nhưng đến nay vẫn không hề đăng tải hoặc chính thức phát đi bất cứ cảnh báo nào về "quái thú" Momo cũng như những nội dung độc hại đang xuất hiện trên internet có liên quan tới trẻ em. Cơ quan này cần có trách nhiệm đưa ra những biện pháp kịp thời và mang tính lâu dài để bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng thay vì loanh quanh đổ lỗi cho đơn vị quản lý Nhà nước khác hay đùn đẩy trách nhiệm sang các bậc phụ huynh.
Ở khía cạnh khác, vụ việc lần này là lời nhắc nhở về việc kiểm soát thời gian lên mạng tại các gia đình. Các bậc cha mẹ cần cảnh giác và sáng suốt khi quyết định cho trẻ nhỏ tiếp cận và sử dụng các tiện ích công nghệ vì ngoài Momo, trên môi trường mạng hiện nay tồn tại rất nhiều thông tin độc hại ẩn trong các đoạn phim hoạt hình mà trẻ yêu thích.