Thế nhưng, chỉ vài năm sau, từ con cá danh giá được xuất khẩu (XK) đi Tây, đi Mỹ, cá basa lặng lẽ về lại “ao nhà”, sản lượng chưa bằng 1% so với cá tra. Hiện tại, con cá basa đang “đua” trên sân nhà và người bám nghề sống khỏe...
Rầm rộ đi Tây, lặng lẽ về
Hơn 10 năm nay, khách du lịch khi qua công viên ngã ba sông Châu Đốc đều thấy Tượng đài cá basa nổi bật, vươn mình giữa vùng sông nước yên bình. Tôn vinh con cá da trơn – loài cá mà rất nhiều người nhầm lẫn không biết là có gì khác biệt so với cá tra, thậm chí còn nói là “tượng đài cá vồ”, loại cá được gán với tính năng ăn dơ, ăn tạp cũng là sự kiện gây xôn xao tại thời điểm dựng tượng vào năm 2003. Hơn 10 năm trước, cá basa có giá trị kinh tế rất cao, chiếm hơn một nửa trong sản lượng cá bè phục vụ thị trường trong nước lẫn XK. Không chỉ có đóng góp về kinh tế, cá basa cũng góp phần không nhỏ trong việc hình thành những nét đặc trưng trong ẩm thực của người miền Tây nói chung. Chính vì thế, xây dựng Tượng đài cá basa được đông đảo người dân hưởng ứng nhiệt liệt. Tại thời điểm 2003, chính quyền địa phương đã mạnh tay chi 2 tỷ đồng xây dựng tượng với chiều cao 14m, có thiết kế khung thép, đế tượng đài ốp đá granit, cùng tượng cá bằng inox. Đây là tượng đài sinh vật đầu tiên ở An Giang và là tượng cá basa đầu tiên trên thế giới.
Tượng đài đã có 12 năm đứng sừng sững giữa ngã ba sông, nhưng con cá basa đã lùi về nội địa, nhường sân XK cho con cá tra với sản lượng tiêu thụ gấp hàng trăm lần cá basa. Năm 2014, sản lượng cá tra của Đồng bằng sông Cửu Long đạt trên 1,1 triệu tấn, trong đó, cái nôi của con cá tra là An Giang chiếm khoảng 300.000 tấn. Trước những con số ấn tượng này, sản lượng cá basa của An Giang chỉ vào khoảng 2.000 tấn – với số người nuôi “có thể đếm được”.
Vì sao con cá “huyền thoại” lại bị thất sủng là một câu chuyện khá dài. Những năm 1990, sau khi thịt cá basa philê tìm được đường XK vào thị trường Mỹ, đã mở ra thời cơ vàng cho người nông dân An Giang xóa đói, giảm nghèo và làm giàu. Với mức giá cá basa XK lên đến 8USD/kg, làng bè cá mới mọc lên san sát bên sông Hậu, các nhà máy, chế biến tấp nập ra đời. Do con cá basa là loại cá “đỏng đảnh”, chỉ nuôi trong lồng bè, có dòng nước chảy và cá giống phải vớt trong tự nhiên nên chỉ có một số địa phương đầu nguồn sông Tiền và sông Hậu như Châu Đốc, Phú Tân, Tân Châu (An Giang) và Hồng Ngự (Đồng Tháp) nuôi được. Do lợi nhuận từ cá basa quá cao, người ta nghiên cứu và cho cá basa sinh sản nhân tạo, hết lệ thuộc thiên nhiên. Chỉ cần có lồng bè, không có dòng chảy thì người nuôi đưa máy bơm xuống sông, cho máy bơm nước tạo dòng.
Suốt nhiều năm, con cá basa được nuôi kiểu tự phát, chèn ép lẫn nhau, cạnh tranh tự do dẫn tới không bảo đảm chất lượng, khâu giống có nhiều gian dối vì giá con giống khá cao. Ông Nguyễn Minh Nhị - nguyên Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, xót xa: Họ nói “thị trường là tự do, Nhà nước không can thiệp”. Tiếp nữa, khi nhu cầu cá basa tăng nhanh, khách hàng ở Mỹ gợi ý, một số Việt kiều ở Mỹ gợi ý đưa cá tra vào nuôi đội lốt cá basa để kiếm lời. Cá tra dễ nuôi, năng suất lại cao đã nhanh chóng “đè bẹp” cá basa - loài cá vốn dĩ thịt thơm ngon nổi tiếng trên thế giới này chỉ có Việt Nam nuôi thương phẩm thành công. Vậy là bất chấp có quy hoạch hay không có quy hoạch; đất trồng rau hay đất 2 lúa, nông dân cứ thế chặt – chém, lấp – đào ao nuôi cá tra, kiếm tiền cho bằng được, quy hoạch để lại sau…
Chỉ trong vòng vài năm lao vào nuôi cá tra, nhiều nông dân ở Đồng bằng sông Cửu Long cũng như nhiều nhà máy bắt đầu đổ nợ. Khoảng năm 2004 trở đi, con cá tra, cá basa cùng nhau thua lỗ. Vài năm trở lại đây, con cá tra đã quay lại đường đua, kim ngạch XK khoảng 1,7 tỷ USD/năm. Trong khi đó, con cá basa “huyền thoại” vẫn chỉ loanh quanh nội địa, sản lượng không đáng kể
“Đua” nội địa
Ông Lưu Văn Lợi, người có thâm niên gần 50 năm nuôi cá basa trong lồng bè, hiện đang sở hữu 2 bè loại lớn ngay ngã ba sông Châu Đốc kể: “Trước năm 2003, tôi có đến 7 cái bè, còn xung quanh khu vực này, bè cá basa nằm san sát nhau vì nuôi cá này lời rất dữ. Dân nuôi cá bè như tôi gọi cá basa là con cá bụng, vì cái bụng mỡ của nó chiếm phần lớn trọng lượng. Dân Việt Nam mình thích ăn mỡ cá, còn XK đi Tây, đi Mỹ, họ chỉ lóc phần phi lê. Trong khi 3,5kg cá basa mới lóc được 1kg phi lê thì cá tra chỉ cần 2kg. Các DN chọn con cá tra để XK, còn người tiêu dùng bên Tây, bên Mỹ họ chỉ quan tâm phi lê nên con cá basa bị đánh bật về sân nhà”. Theo ông Lê Chí Bình – Phó Chủ tịch Hiệp hội Thủy sản An Giang, cá basa hiện nay chỉ còn rất ít người nuôi, và cũng chỉ tiêu thụ nội địa. Ngay như sản lượng 2.000 tấn cá basa của An Giang năm 2014 thì ông Lợi đã chiếm gần 200 tấn. “Người nuôi cá basa đang có lãi rất tốt nhưng nhu cầu nội địa chỉ ở mức này nên người dân nuôi vừa đủ, muốn phát triển nữa cũng không có thị trường”.
Trong “cơn sốt” bỏ cá basa, ào ạt nuôi cá tra, chị Nguyễn Thị Kim Loan (Út Loan) ở ấp Long Thạnh 2, xã Long Hòa, huyện Phú Tân, An Giang vẫn quyết tâm giữ nghề nuôi cá basa.
Chị Út Loan kể: “Ông bà nội nuôi cá, ba mẹ nuôi cá, Út Loan cũng đâm mê nghề nuôi cá basa, nghiền cái nết ăn, cái nước da trắng của con basa.
Trước đây, người nuôi cá basa đa số rất giàu có. Và, chỉ có những ai giàu có mới dám nuôi cá basa vì vốn đầu tư ban đầu rất lớn. Mỗi lồng bè chi phí từ vài trăm triệu đến cả tỷ bạc hoặc hơn. Thời ông nội, thời cha tôi nuôi cá rất thuận lợi, chỉ có lời và lời. Nhưng cuối thời cha tôi, rồi đến thời tôi thì cá basa thăng trầm dữ lắm, nhất là từ khi phong trào nuôi cá tra đăng quầng ra đời, basa rớt giá thê thảm, nhiều lần tôi định bỏ nghề nhưng không bỏ được”.
Đã đầu tư lồng bè, đầu tư tâm huyết và nhất là kinh nghiệm tích lũy rất nhiều, bây giờ bỏ ngang uổng lắm. Chị cũng cho rằng, khủng hoảng chỉ là tạm thời, phải kiên trì tìm cách vượt qua. “Cá basa đã mang lại nguồn sinh nhai cho cư dân hạ lưu vùng hạ lưu Mekong biết bao đời nay. Tôi tin thiên nhiên đã sắp đặt rồi, đó là sản vật trời cho, khó lòng mà bỏ” - chị khẳng định.
“Thị trường cá da trơn truyền thống cũng là thị trường truyền thống trong nước. Ai lo XK chứ tôi thì chỉ nhắm thị trường trong nước” - chị Loan nói. Giữ nghề nuôi cá basa, chị đã thành công, không bị rơi vào những cơn khủng hoảng cá tra liên tiếp. Hàng chục năm nay, chị đang làm chủ 4 bè nuôi cá basa loại lớn, với tổng sản lượng mỗi năm từ 200 - 300 tấn cá thịt, doanh thu từ 5 - 6 tỷ đồng, lãi khoảng 500 triệu đồng/năm. Chị tâm sự: “Dù không lãi lớn, nhưng tôi vẫn ăn chắc đều đều từ cá basa”.
Cũng như chị Út Loan, ông Năm Mến – người nuôi cá ngay dưới chân cầu Cồn Tiên (Châu Đốc), cũng quyết giữ con cá basa vì đó là “nghề gia truyền”. Thời cha ông Mến là ông Lưu Văn Chính (sinh năm 1924) đã nuôi con cá basa trên dòng Mekong tại tỉnh Kandal (thuộc đất Campuchia, cách thủ đô Phnom Penh 25km). Năm 1972, cha con ông Năm Mến cùng dắt nhau về Việt Nam, nuôi cá basa trên sông Hậu cùng nhiều người khác. Năm nay, ông Năm Mến đã già nhưng ông và con rể vẫn nuôi 3 bè cá basa. “Mấy năm nay, cá tra chỉ lãi khoảng 1.000 đồng/kg, ai nuôi khéo lắm thì lãi được 2.000 đồng/kg. Còn con cá basa, giá thành khoảng 23.000 đồng/kg, tôi bán được 31.500 đồng/kg, tính ra lãi hơn 8.000 đồng/kg”. Hỏi sao không “giấu” đồng lời, ông Năm Mến cười hiền: “Cái hồi nhà nhà đeo theo con cá tra, khắp làng bè đổ nợ hết, giờ không còn vốn để nuôi. Mỗi cái lồng kích thước 8x18 (mét) như của tôi vốn đầu tư khoảng 1 tỷ đồng, nhưng đem ra thế chấp ngân hàng không cho vay tiền. Ai muốn nuôi phải vay lãi ngoài khoảng 3%, tính ra cả năm là 36% thì tiền lời nuôi cá coi như không còn đồng nào. Bây giờ nếu Nhà nước có chính sách về vốn thì dân nuôi cá bè mới khôi phục lại được”.
Một góc làng bè.
|
Tượng đài cá basa trên ngã ba sông Châu Đốc.
|