Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bất an với thực phẩm "bẩn", quận Nam Từ Liêm bàn giải pháp quản lý

Hà Linh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian qua, cơ quan chức năng của quận Nam Từ Liêm đã vào cuộc quyết liệt, kiểm tra, xử lý nghiêm các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố vi phạm quy định an toàn thực phẩm (ATTP).

Vẫn còn tình trạng "mượn" giấy chứng nhận ATTP

Là hộ kinh doanh hàng ăn tại chợ, bà Phạm Thị Liên - Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ chợ Phùng Khoang, phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm chia sẻ, được tập huấn việc thực hiện ATTP, các hộ kinh doanh hàng ăn tại chợ đều niêm yết nguyên liệu nhập vào hàng ngày có số lượng, giá cả, địa chỉ người cung cấp...

Bà Phạm Thị Liên - Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ chợ Phùng Khoang, phường Trung Văn chia sẻ tại tọa đàm "Giải pháp nâng cao chất lượng thực hiện đảm bảo ATTP trong sản xuất, chế biến, kinh doanh, tiêu dùng thực phẩm".
Bà Phạm Thị Liên - Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ chợ Phùng Khoang, phường Trung Văn chia sẻ tại tọa đàm "Giải pháp nâng cao chất lượng thực hiện đảm bảo ATTP trong sản xuất, chế biến, kinh doanh, tiêu dùng thực phẩm".

Nhiều cơ sở có ý thức tốt, có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP với những cơ sở kinh doanh mặt hàng thực phẩm tươi sống. Tuy nhiên, còn có những quầy thịt bán chui, không bảo đảm chất lượng, khi đoàn kiểm tra đến, lập tức “mượn” giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP.

Hộ kinh doanh cam kết bảo đảm ATTP tại chợ dân sinh.
Hộ kinh doanh cam kết bảo đảm ATTP tại chợ dân sinh.

“Do đó, cơ quan chức năng cần quản lý chặt chẽ các khâu nhập khẩu, sản xuất, chế biến để người tiêu dùng được sử dụng những sản phẩm an toàn. Ban Quản lý chợ phối hợp với các ngành, đơn vị có liên quan kiểm soát chặt chẽ trong việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm thịt lợn” – bà Liên kiến nghị.

Đồng quan điểm, Chủ tịch Hội LHPN phường Trung Văn Nguyễn Thu Hà cũng nêu lên những bất cập về mô hình xét nghiệm nhanh thực phẩm tại các chợ. "Mô hình này thực sự chưa hiệu quả. Thực tế, nhân lực trạm y tế mỏng, có 5 - 7 người không thể chạy hết các chợ, do đó, không có cơ quan chuyên môn test thực phẩm; trong khi kinh phí chi mua test hạn chế. Do vậy, hợp tác xã không có nguồn để duy trì mô hình test nhanh thực phẩm tại các chợ" - bà Hà cho hay.

Do đó, theo bà Hà, giải pháp tốt nhất để công tác quản lý ATTP hiệu quả là 3 bộ: Công Thương, Y tế và NN&PTNT cùng “ngồi với nhau”, bàn bạc, thống nhất để đưa ra các giải pháp phù hợp. "Bởi “một bát phở phải qua 3 bộ mới đến được người tiêu dùng, chưa nói đến các sản phẩm khác”" - bà Hà nói.

Bất an thức ăn đường phố

Đề cập đến vấn đề bảo đảm ATTP trong kinh doanh thức ăn đường phố, trước cổng trường học, Chủ tịch Hội LHPN phường Trung Văn cho hay, thực tế, hầu hết tại các cổng trường đều xuất hiện xe bán hàng rong thực phẩm với đủ loại như viên chiên, xúc xích, xoài, cóc, bánh tráng trộn... Các xe hàng không có dụng cụ che đậy hoặc được che đậy sơ sài. Thậm chí, bàn ăn đặt ngay trên miệng cống, cạnh sát hố ga, khói xe, bụi đường dễ gây nhiễm khuẩn thực phẩm. Ngoài ra, tình trạng kinh doanh thực phẩm không rõ nguồn gốc cũng là vấn đề đáng lo ngại. 

Những loại thực phẩm được học sinh, sinh viên ưa chuộng, nhưng khó kiểm soát chất lượng an toàn thực phẩm.
Những loại thực phẩm được học sinh, sinh viên ưa chuộng, nhưng khó kiểm soát chất lượng an toàn thực phẩm.

Vì vậy, để hạn chế nguy cơ mất ATTP từ các loại thực phẩm bày bán ở cổng trường, các ngành chức năng cần hành động cương quyết hơn; thường xuyên kiểm tra và xử lý nghiêm vi phạm…

Liên quan đến vấn đề này, Phó trưởng Phòng Y tế quận Nam Từ Liêm Nguyễn Thị Xuân Thu cho biết, thời gian qua, cơ quan chức năng quận đã lấy 16 mẫu thực phẩm ăn nhanh tại cổng trường và xung quanh khu vực Trung Văn, Mỹ Đình 2 để kiểm nghiệm, kết quả cho thấy, gần như 100% mẫu không đạt. 16 mẫu đều nhiễm vi khuẩn Salmonella và E.coli (là vi khuẩn gây ra các vụ ngộ độc thời gian qua (vi khuẩn có trong pate, xôi, trứng , trà sữa...))” – bà Thu cho biết.

Kiểm tra ATTP tại một trường tiểu học trên địa bàn quận Nam Từ Liêm.
Kiểm tra ATTP tại một trường tiểu học trên địa bàn quận Nam Từ Liêm.

Vấn đề này, bà Thu nhấn mạnh, UBND và Công an phường có trách nhiệm kiểm tra, xử lý và dẹp bỏ các cơ sở bán hàng rong vi phạm. Mặt khác, cơ quan chức năng phường phải phối hợp với hiệu trưởng nhà trường và ban phụ huynh tuyên truyền “không cho các con tiền để ăn quả vặt”, đặc biệt tuyên truyền về hậu quả của việc sử dụng thực phẩm ngoài cổng trường. Còn hội phụ nữ với vai trò là nòng cốt phải tuyên truyền cho con em mình về tác hại của những thực phẩm không an toàn.

 

Chúng tôi khuyến khích các chủ cơ sở, hội viên hội phụ nữ tích cực phản ánh, thông tin kịp thời về những trường hợp kinh doanh thực phẩm không bảo đảm ATTP, hay “những trường hợp mượn giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP” để cơ quan chức năng, đoàn kiểm tra liên ngành sẽ vào cuộc, xử lý nghiêm. Đặc biệt, những cơ sở kinh doanh các mặt hàng thực phẩm có nguy cơ gây ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, cơ quan chức năng đề xuất xử lý hình sự để răn đe.

Phó trưởng Phòng Kinh tế quận Nam Từ Liêm Lê Minh Hiệp