Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

“Bắt bệnh” lười đọc sách của người Việt

Minh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo một khảo sát gần đây, Việt Nam chỉ có 30% số người đọc sách thường xuyên, 26% không đọc sách và 44% thỉnh thoảng đọc sách. Đồng thời, thời gian dành cho đọc sách của người Việt Nam khoảng 1 giờ, thuộc nhóm thấp nhất trên thế giới; và bình quân sức đọc của người Việt vẫn chưa được 1 cuốn sách/năm.

Độc giả tham khảo những tác phẩm tại Hội chợ sách Hà Nội. Ảnh: Thanh Hải
Điều này có phần tỷ lệ nghịch với sự phát triển của số xuất bản phẩm, vì sau 5 năm triển khai Ngày Sách Việt Nam, toàn quốc có gần 160.000 xuất bản phẩm; gần 1,9 tỷ bản in; trung bình số cuốn sách đã tăng 22%, số bản sách tăng 55%. Nghĩa là, xuất bản phẩm vẫn đáp ứng nhu cầu người dân. Và như vậy tỷ lệ bỏ tiền mua sách của người Việt không thấp so với thế giới. Nhưng việc người dân mua về nhà, khác với việc họ dành thời gian để đọc, để hình thành “văn hóa đọc”.
Bàn về cách xây dựng văn hóa đọc cho người dân, tại các hội thảo, hội nghị, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương đã nhiều lần góp ý các vấn đề liên quan đến kinh phí, vai trò người đứng đầu hay xây dựng mô hình tủ sách học sinh, sách điện tử…
Tuy nhiên, 10 năm nay những giải pháp mang tính “hô hào khẩu hiệu” đó đã có từ lâu nhưng không giải quyết được bài toán để “văn hóa đọc” của người Việt Nam được nâng cao. Trong khi đó, từ xưa nhà bác học Lê Quý Đôn có khuyên về ba cách học: Học bằng mắt, học bằng óc và học bằng tim. Có lẽ, đọc cũng phải qua ba khâu đó mới đạt tới trình độ văn hóa đọc. Một số người chỉ đọc bằng mắt, rất nhanh và có khi đọc khá nhiều, nhưng đọc lướt qua rồi quên nhanh, không để lại được bao nhiêu tri thức cho mình.
Có một danh ngôn “Những ý hay trong sách là tiền vốn, những ý hay trong óc là phần lãi sinh ra từ tiền vốn đó”, có nghĩa là, để có phần lãi trí tuệ, tinh thần ấy, đọc phải trải qua sự suy nghĩ, trăn trở, tìm kiếm ý nghĩa các dòng chữ. Đọc phải trải qua sự đồng cảm, sự rung động và thấu hiểu, và đó chính là văn hóa đọc. Điều đó đồng nghĩa với việc, để có văn hóa đọc, rất cần giáo dục và sự tự rèn luyện. Để nâng cao tỷ lệ đọc sách của người, đặc biệt của giới trẻ, trách nhiệm không chỉ của gia đình mà của nhà trường; đó là việc dung hòa tốt giữa công nghệ, học hỏi sự tiến bộ của công nghệ nhưng phải dành cho mình thời gian tĩnh lặng để đọc sách.
Theo một số chuyên gia giáo dục, bố mẹ nên nỗ lực tạo ra những thói quen đọc sách, cùng con cái dành 30 phút đọc sách hàng ngày, chủ động tìm hiểu các loại sách mà trẻ yêu thích, cùng con đọc và thảo luận những cuốn sách có giá trị. Về phía nhà trường thì cần xây dựng 1 tiết học về đọc sách, giới thiệu những cuốn sách hay, diễn thuyết về một cuốn sách kèm theo những phần quà nhỏ… Đó là động lực thôi thúc trẻ thích sách, khám phá sách. Làm được như vậy, việc hướng trẻ đến với sách, có thói quen đọc sách sẽ không quá khó. Trẻ nhỏ đọc sách sẽ kéo theo gia đình đọc sách, và cả một thế hệ đọc sách bền vững trong tương lai.
Nhiệm vụ xây dựng “xã hội học tập”, “học tập suốt đời” trong xã hội hiện đại gắn chặt với văn hóa đọc của xã hội. Từ tầm nhìn đó, vấn đề xây dựng và phát triển văn hoá đọc trở thành một nhiệm vụ vừa cấp thiết vừa có ý nghĩa chiến lược, lâu dài.