Đây là thông tin được Bộ Xây dựng trả lời kiến nghị của cử tri về việc cần có phương án khi quy hoạch các Khu công nghiệp, khu đô thị cần dành đất để phát triển các cơ sở giáo dục để đáp ứng nhu cầu gia tăng dân số.
Nhiều khu đô thị tại Hà Nội chưa chú trọng xây dựng trường học. Ảnh minh họa. |
Bộ Xây dựng cho biết, theo các quy định hiện hành tại các Luật Quy hoạch đô thị năm 2009, Luật Xây dựng năm 2014, Nghị định số 37/2010/NĐ-CP ngày 07/4/2010 của Chính phủ về lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch đô thị, Nghị định số 44/2015/NĐ-CP ngày 06/5/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quy hoạch xây dựng, Nghị định số 82/2018/NĐ-CP ngày 22/5/2018 của Chính phủ quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế, việc tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch xây dựng các khu công nghiệp, khu đô thị thuộc thẩm quyền phê duyệt của UBND các cấp tại địa phương. Các chỉ tiêu, tỷ lệ đất phát triển các cơ sở giáo dục trong các đồ án quy hoạch được quy định tại Quy chuẩn xây dựng Việt Nam - QCXDVN 01:2008/BXD về Quy hoạch xây dựng.
Như vậy, pháp luật hiện hành đã có quy định đầy đủ và bắt buộc về đất để phát triển các cơ sở giáo dục khi quy hoạch các khu công nghiệp, khu đô thị. Tuy nhiên, trên thực tế việc triển khai đầu tư xây dựng các cơ sở giáo dục theo quy hoạch khu đô thị, khu công nghiệp tại các địa phương còn chưa được đầy đủ và đồng bộ với việc phát triển đô thị, khu công nghiệp, do hạn chế về nguồn lực thực hiện.
Để khắc phục tồn tại, hạn chế nêu trên, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định số 655/QĐ-TTg ngày 12/5/2017 về việc phê duyệt Đề án “Đầu tư xây dựng các thiết chế của công đoàn tại các khu công nghiệp - khu chế xuất” với mục tiêu đầu tư xây dựng đồng bộ nhà ở, nhà trẻ, siêu thị và các công trình văn hóa, thể thao tại các khu công nghiệp - khu chế xuất.
Hiện nay, Chính phủ cũng đang chỉ đạo Bộ Xây dựng xây dựng và trình Quốc hội Luật Quản lý phát triển đô thị nhằm từng bước hoàn thiện thể chế, quy định pháp luật để quản lý phát triển đô thị, khu đô thị, khu công nghiệp đáp ứng yêu cầu đồng bộ về cơ sở hạ tầng kỹ thuật - hạ tầng xã hội; tổ chức triển khai thực hiện nghiêm Nghị Quyết số 82/20019/QH14 ngày 14/6/2019 của Quốc hội về tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị; xây dựng các cơ chế chính sách thu hút đầu tư và đa dạng hóa hình thức đầu tư cho việc đầu tư các công trình xã hội như công viên cây xanh, y tế, giáo dục và các công trình giao thông; tăng cường hướng dẫn, đốn đốc, kiểm tra các địa phương trong công tác quản lý thực hiện quy hoạch để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các vi phạm.
Bên cạnh đó, chính quyền các địa phương cần thực hiện xây dựng kế hoạch thực hiện quy hoạch; lập kế hoạch đầu tư trung hạn và hàng năm, trong đó có lĩnh vực đầu tư phát triển các công trình hạ tầng xã hội đô thị, trong đó có cơ sở giáo dục; tăng cường việc giám sát của người dân, cơ quan dân cử, của đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp trong quá trình lập và thực hiện quy hoạch.