Bất cập của BOT gây thất thoát vô hình

Quý Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 18/1, Bộ GTVT tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2017 và triển khai nhiệm vụ kế hoạch năm 2018.

Tại hội nghị, nhiều vấn đề nóng của ngành GTVT trong năm qua đã được đưa ra nhìn nhận, đánh giá thẳng thắn để rút ra kinh nghiệm, trong đó có BOT.
Ồ ạt làn sóng phản ứng
Trong năm 2017, một loạt dự án BOT giao thông trên cả nước đã vấp phải sự phản ứng quyết liệt của người dân và giới lái xe. Tiêu biểu nhất là BOT Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang). Ngay khi trạm thu phí này tái hoạt động vào cuối tháng 11/2017 đã nhận được phản ứng dữ dội của các tài xế khiến đơn vị quản lý liên tục phải xả trạm để giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông. Đến ngày 4/12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo BOT Cai Lậy phải tạm dừng hoạt động để Bộ GTVT và các cơ quan chuyên môn đánh giá tổng thể lại những vấn đề liên quan đến dự án trình Chính phủ xem xét, quyết định.

Trạm thu phí BOT đoạn Nội Bài - Vĩnh Yên. Ảnh:  Huy Hùng

Tuy nhiên, ngay sau BOT Cai Lậy, nhiều trạm thu phí khác trên cả nước vẫn tiếp tục diễn biến nóng bởi làn sóng phản ứng của tài xế. Thậm chí ngay cả khi Bộ GTVT và chủ đầu tư dự án đã đưa ra phương án giảm giá vé cho các phương tiện đi qua trạm thì những phản ứng này vẫn không có dấu hiệu dừng lại. Những vấn đề liên quan đến dự án BOT giao thông trong thời gian qua thực sự trở thành thách thức lớn chưa có lời giải của Bộ GTVT và các cơ quan liên quan, đặc biệt khi thời điểm Tết Nguyên đán đã cận kề.
Trả lời báo chí về những vấn đề liên quan đến các dự án BOT trong thời gian qua, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể khẳng định, Bộ hoàn toàn chịu trách nhiệm về hệ thống các trạm BOT và đơn vị này đang tiến hành rà soát lại tổng thể tại các dự án này. Theo ông Thể, đầu năm 2016 đến tháng 7/2017, tại một số trạm thu phí như trạm cầu Hạc Trì, Quốc lộ 32, Quốc lộ 6, Cầu Giát, Bến Thủy, Quảng Bình, Hưng Yên xảy ra hiện tượng các hộ dân khu vực tập trung phương tiện dàn hàng ngang phản đối chính sách phí chưa công bằng. Từ tháng 8/2017 đến nay, Bộ GTVT tải đã chỉ đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam làm việc với các địa phương, nhà đầu tư đã giảm giá cho các trạm trên toàn quốc. Đến nay, Bộ GTVT đã miễn, giảm giá cho các phương tiện khu vực lân cận trạm thu giá tại 51 dự án/55 dự án đã khai thác. Tuy nhiên, đến thời điểm này, tình trạng trên vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt, thậm chí còn diễn biến ngày càng phức tạp, lan rộng và manh động. Tình trạng phản đối của các tài xế đã lan rộng ra nhiều trạm thu phí...
Đánh giá, rà soát tổng thể
 Phát biểu tại hội nghị, lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cho biết, Uber, Grab mang lại nhiều tiện lợi cho hành khách và thúc đẩy taxi truyền thống phải nâng cao chất lượng phục vụ. Nhưng trong quá trình thí điểm, loại hình này còn tồn tại một số bất cập. Hiện tại, Hà Nội đã thí điểm cấm Uber, GrabTaxi giờ cao điểm trong 1 tháng (từ 11/1 - 11/2). Trong 10 ngày đầu, lực lượng cảnh sát giao thông chỉ nhắc nhở, sau 10 ngày sẽ tiến hành phạt lái xe vi phạm. 
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã liệt kê nhiều tồn tại, hạn chế của ngành trong năm 2017 như tình trạng tai nạn giao thông vẫn ở mức cao, công tác xây dựng thể chế, chất lượng công tác quy hoạch, chiến lược, công tác kế hoạch hóa đầu tư xây dựng, công tác chuẩn bị đầu tư, tổ chức thực hiện dự án... Đặc biệt, đề cập đến những vấn đề liên quan đến dự án BOT giao thông, Phó Thủ tướng đánh giá, công tác quản lý và khai thác BOT trong năm qua của ngành GTVT vẫn còn nhiều bất cập, gây bức xúc cho xã  hội. Tại một số địa phương, BOT trở thành điểm nóng, ảnh hưởng đến nền kinh tế và vấn đề an ninh trật tự, an toàn giao thông.
Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, các dự án BOT trong quá trình triển khai được thực hiện khá nhanh nhưng chất lượng thấp. Dù thời gian qua, những tồn tại ở các dự án này đã được cải thiện, nhưng bất cập vẫn còn và những bất cập này đã gây ra thất thoát vô hình. Để giải quyết dứt điểm những bất cập còn tồn tại ở các dự án BOT giao thông, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định cần phải có sự rà soát, đánh giá tổng thể. Đặc biệt là vấn đề giá vé qua trạm cần tính toán sao cho hài hòa, phù hợp với người dân và DN đầu tư dự án. Bởi nếu để giá vé quá cao, người dân sẽ không đồng ý còn nếu hạ giá quá thấp, DN đương nhiên không chịu được.
Về công tác, nhiệm vụ trong năm 2018, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT  tiếp tục hoàn thiện thể chế, văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực giao thông, rà soát tháo gỡ những rào cản nhất là các chính sách huy động các nguồn lực kêu gọi nguồn xã hội cho đầu tư phát triển hạ tầng giao thông. Tiếp tục rà soát tái cơ cấu tổ chức quản lý, DN Nhà nước trên cơ sở đó rà soát xây dựng điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch có liên quan đến ngành giao thông. Khẩn trương công tác chuẩn bị để sớm khởi công các dự án xây dựng các công trình quan trọng của quốc gia như tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông, Dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành, nghiên cứu tiền khả thi Dự án đường sắt tốc độ cao, đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu khả thi Dự án mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất.
Bên cạnh đó, Bộ GTVT  cần tăng cường công tác quản lý đầu tư xây dựng cơ bản, tiếp tục tập trung xử lý các bất cập trong đầu tư theo hình thức BOT, cũng như rà soát lại giá phí dịch vụ tại các cảng hàng không... “Chính phủ và thành viên Chính phủ luôn quan tâm đến phát triển ngành giao thông. Tôi tin ngành sẽ vượt qua khó khăn, hoàn thành trách nhiệm lớn của Đảng, Chính phủ giao” - Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần