Bất cập từ khâu quản lý

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thiếu quy hoạch (QH) hệ thống xử lý nước thải tập trung (HTXLNTTT) tại các cụm công nghiệp (CCN), nơi đã có QH lại chưa được triển khai đầu tư đồng bộ, vi phạm các quy định về môi trường…

Một loạt vướng mắc trong công tác này đã được các sở, ngành chức năng đưa ra "mổ xẻ" tại buổi làm việc giữa đoàn giám sát của Ban Kinh tế ngân sách HĐND TP và Sở Công Thương ngày 22/5.

Đầu tư quá chậm so với nhu cầu

Theo khảo sát mới nhất của Sở Công Thương, trong tổng số 107 CCN đã và đang triển khai xây dựng trên địa bàn, mới có 7 CCN có HTXLNTTT đang hoạt động; 9 CCN đang xây dựng hệ thống này; còn chiếm đa số tới 91 CCN chưa xây dựng. Ngoài ra, trên địa bàn TP có 7 cơ sở chế biến giết mổ gia súc gia cầm (GMGSGC) tập trung thì mới có 4 cơ sở được triển khai xây dựng công trình xử lý chất thải (XLCT). Tuy nhiên, chỉ có công trình thí điểm XLCT trong hàng rào Nhà máy GMGSGC và chế biến thực phẩm của Công ty CP Công nghệ thực phẩm Vinh Anh (CCN Hà Bình Phương, huyện Thường Tín) và Công ty TNHH Minh Hiền (CCN Bích Hòa, huyện Thanh Oai) đã được bàn giao sử dụng hiệu quả. Còn lại, công trình XLCT trong hàng rào Nhà máy GMGSGC của Công ty CP Sản xuất kinh doanh GSGC tại CCN Hapro (huyện Gia Lâm) dù đã vận hành tháng 11/2013, song do biến động lớn về tình hình kinh tế nên Công ty đang rất khó khăn, chưa đưa nhà máy giết mổ vào hoạt động, toàn bộ hệ thống XLCT mới đang chạy thử. Đối với công trình XLCT trong hàng rào Nhà máy GMGSGC của Công ty CP XK thực phẩm Foodex (điểm công nghiệp xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng) cũng đã chạy đồng bộ tháng 11/2013, nhưng do UBND TP chỉ đạo UBND huyện đề xuất phương án xây dựng mô hình thí điểm GMGSGC tập trung trên địa bàn nên đến nay phương án chưa hoàn thành.

 
Nhà máy xử lý nước thải Yên Sở. Ảnh: Thanh Hải
Nhà máy xử lý nước thải Yên Sở. Ảnh: Thanh Hải
Về nguyên nhân của tình trạng chậm trễ này, Giám đốc Sở Công Thương Lê Hồng Thăng đánh giá: Chính do yêu cầu thu hút đầu tư, QH CCN trước khi mở rộng địa giới hành chính Hà Nội có tính tràn lan nên việc thực hiện các thủ tục đánh giá tác động môi trường và công tác quản lý môi trường của các CCN chưa được quan tâm. Các hạng mục hạ tầng kỹ thuật (HTKT) chưa được QH đồng bộ, một số CCN không có QH HTXLNTTT, hoặc có nhưng không được triển khai đầu tư đồng bộ. Việc đầu tư xây dựng HTKT chung của cụm chưa được quan tâm, mà chi phí đầu tư HTXLNTTT tại CCN là không nhỏ so với một số hạng mục HTKT khác. Ngoài ra, phải thấy rằng, ý thức chung bảo vệ môi trường của các DN thứ phát và hộ sản xuất trong CCN rất hạn chế, trong khi công tác kiểm tra kiểm soát của cơ quan chức năng chưa triệt để. Hơn nữa, nhiều chủ đầu tư CCN đã sử dụng toàn bộ đất cho DN thứ phát thuê sản xuất.

Đối với các cơ sở GMGSGC tập trung, do phải vận hành thêm hệ thống XLCT, đồng thời phải chịu nhiều chi phí, nên giá thành sản phẩm của DN cao hơn nhiều so với của cơ sở giết mổ thủ công, dẫn đến các cơ sở này không phát triển. Ngoài ra, có một nguyên nhân là TP chưa ban hành QH, phân loại các nguồn tiếp nhận xả thải theo Nghị định 88/2011/NĐ - CP về thoát nước đô thị, khu công nghiệp.

Gỡ vướng từ nhận thức

Theo nhiều ý kiến từ các sở ngành, chính bởi sự đầu tư cho công tác quản lý môi trường chưa thỏa đáng nên môi trường CN tại Thủ đô chưa đảm bảo, là nguyên nhân quan trọng dẫn đến dịch bệnh. Do đó, sự hỗ trợ của Nhà nước cho môi trường là rất cần thiết. "Trong đó, đầu tư cho XLCT, nước thải là rất lớn, nếu không nhận được sự hỗ trợ của ngân sách (chỉ cần trong năm đầu tiên) thì rất khó để DN bắt tay vào làm. Song ngược lại, phải có sự giám sát thường xuyên của cơ quan quản lý để vận hành hệ thống này thế nào cho đúng, chứ không phải chỉ khi có đoàn kiểm tra đến thì mới làm tốt" - Phó Giám đốc Sở Công Thương Chu Xuân Kiên khẳng định.

Ông Nguyễn Văn Nam - Trưởng ban Kinh tế ngân sách HĐND TP nhận định, thực tế vấn đề môi trường nói chung và xả thải trong các khu, CCN, khu giết mổ nói riêng vẫn rất bức xúc. Dù có rất nhiều quy định nhưng ngay từ khâu kiểm tra giám sát chưa đến nơi đến chốn, xử lý không nghiêm; sau đó là do ý thức của người xả thải nên vấn đề này vẫn chưa được giải quyết. "Quy định đã có nhưng không được thực hiện nghiêm: Quy định các khu, cụm CN phải có trạm xử lý nước thải nhưng khi phê duyệt dự án lại thiếu, chỗ có phê duyệt rồi thì lại chưa đầu tư… Chính vì chưa thống nhất trong cách quản lý nên công tác XLCT thời gian qua còn nhiều lỗ hổng. Nhìn nhận đúng bản chất vấn đề thì mới làm đúng được" - ông Nguyễn Văn Nam nhấn mạnh.
Các sở, ngành mà chủ trì là Sở Công Thương phải nhanh chóng rà soát các quy định của TP, cập nhật quy định của T.Ư để tham mưu cho TP, từ Thành ủy đến HĐND, UBND nhằm điều chỉnh những điểm bất hợp lý trong công tác quản lý đầu tư HTXLNTTT tại CCN, hạng mục XLCT tại các cơ sở GMGSGC. Bên cạnh đó, các ngành TP cũng cần xây dựng lộ trình cụ thể trong công tác này đối với từng địa chỉ cụ thể.

Ông Nguyễn Văn Nam Trưởng ban Kinh tế ngân sách HĐND TP Hà Nội