Bất cập từ tổ chức không gian vỉa hè

Vân Nhi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhằm tạo cảnh quan đô thị, TP Hà Nội đã có chủ trương sơn kẻ vạch vỉa hè, tách biệt khu vực để phương tiện và phần dành cho người đi bộ. Đây là một chủ trương đúng đắn nhằm đảm bảo quyền lợi của người đi bộ. Thế nhưng, tại một số tuyến đường, khu vực, việc sơn kẻ một cách cứng nhắc đã khiến vỉa hè vô tình trở thành của riêng.

 Mặc dù đã sơn kẻ vạch phục vụ việc sắp xếp phương tiện nhưng nhiều cửa hàng vẫn chiếm dụng để kinh doanh.
Theo quy định của UBND TP Hà Nội, việc sắp xếp phương tiện (xe đạp, xe máy) tại vỉa hè các tuyến đường phải thực hiện theo nguyên tắc: Khu vực sắp xếp là phía sát tường nhà dân, đầu xe hướng vào trong, cách tường hoặc công trình trên vỉa hè 0,2m, bảo đảm tối thiểu 1,5m dành cho người đi bộ. Tuy nhiên, thực tế tại một số tuyến đường, dù vỉa hè không đảm bảo điều kiện để sắp xếp phương tiện nhưng chính quyền các địa phương vẫn tổ chức sơn kẻ vạch… khiến việc di chuyển của người dân gặp rất nhiều khó khăn.

Đơn cử tại phố Nguyễn Văn Tuyết (quận Đống Đa), nhiều đoạn vỉa hè chỉ rộng khoảng 2m, sau khi được sơn kẻ vạch, phần dành cho người đi bộ chỉ khoảng… 30cm. Cũng trên tuyến đường này, nhiều đoạn phần được kẻ vạch nhằm mục đích sắp xếp phương tiện lại rộng hơn rất nhiều so với phần đường dành cho người đi bộ. Điều này khiến việc di chuyển của các phương tiện gặp rất nhiều khó khăn.

Trao đổi với phóng viên, một người dân trên phố Nguyễn Văn Tuyết bức xúc cho biết, theo quy định, sau khi sơn kẻ vạch, phần vỉa hè sát tường nhà dân sẽ là nơi sắp xếp phương tiện. Vậy nhưng, một số hộ kinh doanh lại ngang nhiên biến khu vực này thành nơi kinh doanh trước sự thờ ơ của các lực lượng chức năng. “Khi tiến hành sơn kẻ vạch, dường như các hộ kinh doanh đã mặc định đó là của riêng và thản nhiên bày bàn ghế tràn khu vực sắp xếp phương tiện khiến việc đi lại gặp rất nhiều khó khăn” – một người dân cho biết.

Theo ông Trần Hữu Minh – Phó Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT quốc gia, chức năng của vỉa hè là phục vụ người đi bộ - vận tải phi cơ giới, giúp phân tách người đi bộ với các phương tiện vận tải và xe cơ giới để bảo đảm ATGT. Phần lớn các quốc gia trên thế giới đều thống nhất vỉa hè là phục vụ cho người đi bộ, các hoạt động phi cơ giới, còn lòng đường phục vụ phương tiện cơ giới. Tuy nhiên, cần hiểu điều này trên góc độ tương đối vì người đi bộ vẫn phải sử dụng lòng đường ở những vị trí nhất định và phương tiện cơ giới vẫn phải đi qua vỉa hè để tiếp cận vào nhà dân.

Chính vì vậy, trong tổ chức giao thông liên quan tới không gian vỉa hè, đối tượng cần được ưu tiên số một phải là người đi bộ. Sau đó, nếu không gian cho phép, mới tính đến việc đáp ứng các nhu cầu khác. Theo QCVN 07:2010/BXD của Bộ Xây dựng, chiều rộng tối thiểu cho một làn đi bộ một chiều là 0,75m, như vậy không gian đi bộ trên một bên vỉa hè ít nhất phải đáp ứng là 0,75 x 2 = 1,5m. “Nếu việc kẻ vạch ranh giới tại một số nơi dẫn tới việc thu hẹp không gian cho người đi bộ xuống dưới mức yêu cầu, làm người đi bộ không thể đi lại thuận tiện do vướng cột điện, gốc cây, buộc phải đi sang không gian khác gây mất ATGT thì cần phải sửa chữa khắc phục ngay” – ông Trần Hữu Minh cho biết.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần