Bất chấp dịch bệnh, vốn mua bán, sáp nhập bất động sản vẫn tăng mạnh

Doãn Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chỉ tính riêng trong quý I/2022, tổng số vốn mua bán, sáp nhập (vốn M&A) của doanh nghiệp bất động sản đạt trên 1 tỷ đồng. Dự báo từ nay đến cuối năm thị trường vốn M&A của doanh nghiệp bất động sản tiếp tục sôi động hơn.

Vốn đầu tư công được đẩy mạnh góp phần tích cực cho sự phục hồi của thị trường BĐS.
Vốn đầu tư công được đẩy mạnh góp phần tích cực cho sự phục hồi của thị trường BĐS.

Báo cáo từ Cushman & Wakefield cho thấy, sau năm 2021 có phần trầm lắng do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, bước sang năm 2022 hoạt động M&A trong lĩnh vực bất động sản (BĐS) đã có sự phục hồi mạnh mẽ. Ngay trong quý I/2022, tổng lượng vốn từ kênh đầu tư này “rót” vào thị trường đạt trên 1 tỷ USD. Thương vụ giá trị cao nhất là vụ chuyển nhượng tòa nhà văn phòng Capital Place (quận Ba Đình, Hà Nội) trị giá 550 triệu USD từ CapitaLand Development cho Viva Land.

“Văn phòng cũng là phân khúc chiếm đa số các thương vụ diễn ra trong quý vừa qua với tỷ lệ 58% tổng giá trị giao dịch. Kế sau đó là chuyển nhượng BĐS công nghiệp với 28% và sau cùng là nhà ở với 13%” - báo cáo nêu rõ.

Dưới góc nhìn của các chuyên gia, hoạt động M&A sẽ bứt phá trong năm 2022 do nhiều điều luật được sửa đổi, tạo cơ chế thông thoáng hơn cho triển khai dự án, khiến nguồn cung dồi dào hơn trên thị trường, kích thích hoạt động chuyển nhượng, hợp tác. Về phía doanh nghiệp cũng đã nhận định về một chu kỳ tăng trưởng kinh tế mới đang bắt đầu, nên cần phải tranh thủ chớp lấy cơ hội này.

Theo đánh giá, mặc dù hút mạnh vốn ngoại song thị trường M&A thời gian qua vẫn tồn tại những hạn chế đối với doanh nghiệp ngoại, do hệ thống luật pháp về đất đai còn tương đối phức tạp. Nhiều điều khoản trong Luật Nhà ở, Luật Đất đai, Luật Kinh doanh BĐS… chưa thống nhất, gây ra khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.

Những vướng mắc về pháp lý khiến cho việc cấp phép mới dự án bị đình trệ, nhiều chủ đầu tư yếu kém không trụ được trước khó khăn sẽ buộc phải bán trao tay dự án, hoặc chấp nhận chuyển nhượng cổ phần cho chủ đầu tư khác tiềm lực hơn. Cùng với đó, việc quản lý kiểm soát chặt chẽ hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp nói chung khiến doanh nghiệp BĐS gặp khó khăn về dòng tiền. Ngoài ra, đại dịch Covid-19 cũng làm cho nhiều doanh nghiệp chịu tổn thất nặng, không còn đủ năng lực để phát triển dự án và phải bán lại.

“Rất nhiều nhà đầu tư có tiềm lực tài chính mạnh, sẵn nguồn tiền nhàn rỗi đang tích cực tìm kiếm cơ hội trên thị trường M&A BĐS, khi nhiều yếu tố hỗ trợ như kinh tế đang trên đà hồi phục, hoạt động đầu tư công vào các dự án hạ tầng giao thông lớn được thúc đẩy” - Tổng giám đốc Colliers Việt Nam David Jackson nhìn nhận.

Điểm nhấn trong năm 2022 sẽ là năm đầu tiên thực hiện chương trình phục hồi, phát triển kinh tế với gói tài chính 350.000 tỷ đồng phân bổ cho tất cả ngành nghề; Quốc hội, Chính phủ cũng yêu cầu các địa phương đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công xây dựng phát triển hạ tầng giao thông nhằm tăng khả năng kết nối từ đô thị lớn đến các tỉnh thành xung quanh như tuyến đường vành đai, đường cao tốc, sân bay...

“Vốn M&A sẽ tiếp tục tập trung vào đô thị lớn cho các dự án phát triển nhà ở trong tương lai, bên cạnh đó với sự tăng trưởng ổn định của BĐS khu công nghiệp thời gian gần đây cũng sẽ hướng nhà đầu tư vào những tỉnh, thành có khu công nghiệp phát triển xung quanh đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh…” - Chuyên gia tài chính Nguyễn Huy Thành nhận định.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần