Điều này làm gia tăng lo ngại rằng, Bắc Kinh vẫn là “lỗ hổng” trong việc áp đặt lệnh trừng phạt của Hội đồng Bảo an LHQ đối với Bình Nhưỡng. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Trung Quốc, trong tháng 8/2016, thương mại giữa nước này và CHDCND Triều Tiên đạt 628.29 triệu USD, tăng 29,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xuất khẩu hàng hóa của Trung Quốc sang CHDCND Triều Tiên đạt 336.95 triệu USD tương đương tăng 41,6%, và ngược lại nhập khẩu hàng hóa từ CHDCND Triều Tiên đạt 291.34 triệu USD, tăng 18,7%.
Theo đó, kể từ tháng 3/2016, Trung Quốc đã tham gia vào việc áp đặt các lệnh trừng phạt của Hội đồng Bảo an LHQ, với nhiều biện pháp như kiểm soát lượng hàng hóa ra vào từ Bình Nhưỡng, đồng thời cấm nước này xuất khẩu than đá, sắt và các khoáng sản khác… Đây được xem là nguồn lực ngoại tệ chủ yếu cũng như chiếm gần một nửa kim ngạch xuất khẩu của CHDCND Triều Tiên.
Tuy nhiên, chính quyền Bắc Kinh đã quyết định bỏ quặng kẽm, thép, đồng và quặng chì… ra khỏi danh sách những mặt hàng của Bình Nhưỡng bị cấm nhập khẩu theo lệnh trừng phạt của Hội đồng Bảo an LHQ. Nhiều chuyên gia cho rằng, để tối đa hóa hiệu quả từ các biện pháp trừng phạt của Hội đồng Bảo an LHQ, chính quyền Chủ tịch Tập Cận Bình cần gia tăng việc gây sức ép đối với Bình Nhưỡng hơn nữa.
Ngoài ra, phía Trung Quốc vẫn kiên quyết phản đối việc triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ tại Hàn Quốc và cho rằng, đây là mối đe dọa nghiêm trọng đối với an ninh khu vực bán đảo liên Triều.