KTĐT - Bà Lam đang có khách, nghe tiếng chuông điện thoại reo, đứa cháu nội chơi ở trong nhà lẫm chẫm đi đến nhấc ống nghe.
Cái giọng thỏ thẻ của con bé vẫn chưa tròn vành rõ chữ: “Alô, cháu nghe ạ…ạ…!”. Không hiểu người ở đầu dây bên kia nói gì, con bé lại bập bẹ: “Chú Tuấn ạ? Chú cháu đi làm rồi ạ. Bác gọi lại sau ạ…ạ…”. Bà vội chạy lại đỡ điện thoại: “Con ơi! Để bà nghe hộ cho nhá!”, thì người đầu dây bên kia đã gác máy. Con bé ngây thơ quay ra nói với bà: “Cái điện thoại hỏi chú Tuấn con, bà ạ!”…
Người bạn bà Lam cứ khen mãi: “Con bé thông minh, nhanh nhẹn quá! Chắc ở nhà dạy cháu kỹ lắm…”. Bà Lam cười: “Uốn nắn cũng chỉ một phần thôi bà ạ. Tại nó hay bắt chước, mình làm sao là cháu làm vậy mà”. Bà bạn cười và chợt “à” như tìm ra lời giải một bài toán. Nhiều lần đến chơi, bà nhớ nhà bà Lam ai ai cũng nói năng có trên có dưới, có trước có sau. Con cái thì một “thưa” hai “dạ”, ông bà, cha mẹ chẳng lúc nào “mày tao”… Và cái nếp ấy đã có tác dụng truyền đời cho đến hôm nay. Lúc bạn của bà ra về, không cần bà giục, con bé con lại chạy ra khoanh tay trước ngực: “Cháu chào bà ạ!” thật lễ phép.