Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bắt con nuôi dưới 15 tuổi đi làm là vi phạm pháp luật

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Đầu tháng 7.2010, bà Lâm Thi Liêng - trú tại 930/12B Trần Hưng Đạo, P.7, Q.5 - "đội đơn" tới các cơ quan chức năng xin cứu giúp để con trai bà

KTĐT - Đầu tháng 7.2010, bà Lâm Thi Liêng - trú tại 930/12B Trần Hưng Đạo, P.7, Q.5 - "đội đơn" tới các cơ quan chức năng xin cứu  giúp để con trai bà là cháu Trương Lâm Quý (chưa đầy 14 tuổi) được cắp sách đến trường như bao trẻ thơ khác...

Bà Liêng cho biết: “Tháng 12.1990, tôi kết hôn với ông T.Ph (dân tộc Hoa). Sau 6 năm chung sống, vợ chồng tôi không có con nên chúng tôi quyết định nhận một bé trai sơ sinh (sinh ngày 22.8.1996) làm con nuôi, đặt tên là Trương Lâm Quý, đến nay gần tròn 14 tuổi.

Do quan điểm sống không đồng thuận, vợ chồng tôi thường xuyên nảy sinh mâu thuẫn. Năm 2003, vợ chồng tôi chính thức ly thân.

Khoảng năm 2006, do công việc làm ăn thất bại, tôi bị gia đình chồng đuổi khỏi nhà và phải thuê nhà ra ở riêng, không được mang theo con.

Tôi đã phải tìm cách thuê một phòng trọ nhỏ gần nhà chồng để lo việc chăm sóc con và đến năm 2008 mới dọn về nhà cha mẹ đẻ ở đường Trần Hưng Đạo, P.7, Q.5.

Suốt những năm qua, việc liên lạc và chăm sóc con trai của tôi gặp rất nhiều khó khăn do bị gia đình chồng cản trở. Gay gắt hơn, từ năm 2006, ông T.Ph đã cấm không cho cháu  liên lạc hoặc gặp gỡ tôi, nhưng vì tình cảm mẹ con sâu sắc, cháu luôn tìm cách trốn về nhà ông bà ngoại ở với mẹ. Mỗi lần bị cha phát hiện, cháu đều bị trách mắng nặng nề.

Trong một lần nóng giận, ông T.Ph đã xỉ vả, nói thẳng cho cháu biết rằng cháu không phải là con đẻ của mình.

Điều đáng trách nhất là ông T.Ph bắt cháu bỏ học để đi làm công cho em ruột ông, mỗi tháng trả công 50.000 đồng.

Mặc dù rất phẫn nộ trước sự việc trên, nhưng do e ngại sự vũ phu của ông T.Ph, nên tôi không biết phải làm cách nào để cứu con.

Đau buồn và “sốc” trước sự thật mình không phải là con đẻ của cha mẹ, nhiều lần cháu Quý đã bỏ nhà theo các trẻ bụi đời. Sau những lần đó, phải khó khăn lắm tôi mới đưa được cháu về nhà. Từ đó, cháu trở nên lầm lì, ít nói và có ý nguyện  vào chùa nương nhờ cửa Phật...”.

Tìm hiểu hoàn cảnh cụ thể của em Trương Lâm Quý, được biết: Gần đây em Quý được đại đức Thích Bổn Chơn – trụ trì chùa Viên Thông (ở quận 3, TPHCM) - dạy bảo, đã xa lánh hẳn đám trẻ bụi đời.

Trao đổi với chúng tôi, em Quý buồn bã nói: “Nếu cha cháu không để cháu quy y theo thầy cháu thì cháu sẽ bỏ nhà đi bụi đời, vì ở với mẹ thì bị cha và gia đình bên nội cấm, còn ở với cha thì cháu không được đi học”.

Tiếp xúc PV, đại đức Thích Bổn Chơn bày tỏ quan điểm: “Phật pháp bất ly thế gian giác. Vì vậy, nhà chùa sẵn sàng cưu mang các trẻ em nghèo, lang thang, để hướng các trẻ sống có ích cho xã hội. Việc buộc các trẻ lao động kiếm tiền, làm những công việc vất vả ở tuổi vị thành niên là quá bất công, nhà chùa không thể đứng ngoài cuộc, nên chấp nhận lo cho bé Quý ăn học đến khi trưởng thành, còn khi ấy bé có đi tu hay không là quyền ở bé quyết định”.

Bà Lâm Thi Liêng cho biết thêm: “Hiện nay ông T.Ph vẫn thường xuyên nhắn tin qua điện thoại đe dọa, thậm chí đến tận nơi đòi hành hung các quý thầy ở chùa Viên Thông  –  nơi đã cưu mang cháu Quý - nên tôi đã phải mang cháu về nhà ông bà ngoại. Cháu luôn sống trong tâm trạng lo sợ vì bị ám ảnh việc ông T.Ph sẽ đến bắt cháu về nhà!”.

Theo quan điểm của luật gia Trương Lâm Danh – Phó Chủ tịch LĐLĐ TPHCM: “Về trường hợp cháu Quý, việc buộc cháu phải đi làm công trong khi cháu chưa đầy 14 tuổi là vi phạm nghiêm trọng quyền con người quy định trong Hiến pháp. Tại Điều 120 BLLĐ cũng cấm các cơ sở sản xuất nhận trẻ em chưa đủ 15 tuổi vào làm việc, trừ một số ngành nghề do Bộ LĐTBXH quy định, nhưng phải có sự tự nguyện của trẻ và phải được cả cha lẫn mẹ đồng ý.

Đối với vợ chồng bà Liêng, do mục đích hôn nhân từ lâu đã không còn, nên bà Liêng có quyền đơn phương yêu cầu ly hôn và đề nghị toà án giải quyết trao cho bà quyền chăm sóc cháu Trương Lâm Quý, để lo cho cháu ăn học, sau này trở thành công dân tốt trong xã hội”.