Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bắt đầu “nóng” với các kỳ thi thử vào lớp 10

Nam Du
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Vừa hết học kỳ I năm học 2024 – 2025, nhiều đợt thi thử lớp 10 đã được mở ra khiến kỳ thi lớp 10 năm học 2025 – 2026 bắt đầu “nóng”.

Bám sát cấu trúc đề minh họa

Kỳ thi lớp 10 năm học 2025 – 2026 là kỳ thi đầu tiên theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 với nhiều điểm mới về cấu trúc câu hỏi và cách thức ra đề. Đáng lưu ý, có 2 dạng trắc nghiệm mới được đưa vào áp dụng là trắc nghiệm dạng trả lời ngắn và trắc nghiệm dạng đúng – sai. Cùng với đó, đề thi môn ngữ văn sẽ hạn chế sử dụng ngữ liệu trong sách giáo khoa nhằm khắc phục tình trạng học thuộc hoặc sao chép nội dung tài liệu có sẵn.

Tại kỳ thi lớp 10 năm học 2025 - 2026, có 2 dạng trắc nghiệm mới được đưa vào áp dụng là trắc nghiệm dạng trả lời ngắn và trắc nghiệm dạng đúng – sai. 
Tại kỳ thi lớp 10 năm học 2025 - 2026, có 2 dạng trắc nghiệm mới được đưa vào áp dụng là trắc nghiệm dạng trả lời ngắn và trắc nghiệm dạng đúng – sai. 

Để học sinh lớp 9 cũng như cán bộ, giáo viên các trường học trên địa bàn TP có định hướng cụ thể trong tổ chức dạy học, ôn tập, cuối tháng 8/2024, Sở GD&ĐT Hà Nội chính thức công bố cấu trúc định dạng và đề minh hoạ các môn: toán; ngữ văn, tiếng Anh, lịch sử và địa lý, khoa học tự nhiên, tin học, giáo dục công dân; đồng thời khẳng định đó là căn cứ để xây dựng ngân hàng câu hỏi và ra đề thi lớp 10 theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Sở GD&ĐT Hà Nội đề nghị: các trường THCS chỉ đạo tổ chuyên môn nghiên cứu, áp dụng cấu trúc định dạng đề thi phù hợp với từng môn học để học sinh lớp 9 làm quen; tăng cường xây dựng ngân hàng câu hỏi, ma trận kiểm tra theo yêu cầu cần đạt của chương trình môn học; khuyến khích xây dựng thư viện số về đề kiểm tra, khảo sát, chia sẻ với các cơ sở giáo dục trên địa bàn để cùng trao đổi, hỗ trợ thực hiện hiệu quả các phương pháp, hình thức kiểm tra, đánh giá.

Thực hiện đúng tinh thần trên, các nhà trường đã tích cực xây dựng ngân hàng đề kiểm tra, đánh giá theo đúng dạng thức và cấu trúc đề minh họa. Tại các đợt kiểm tra định kỳ, thường xuyên, nhà trường triển khai hình thức trộn phòng, chấm chéo, viết trên tờ giấy thi… để tập dượt cho học sinh. Trong đợt kiểm tra cuối học kỳ I, học sinh lớp 9 tại các địa bàn đều làm đề chung của phòng GD&ĐT quận/huyện; hình thức, phương thức kiểm tra giống kỳ thi lớp 10. Từ kết quả khảo sát, các nhà trường đánh giá thực chất lượng kiến thức của học sinh, từ đó triển khai biện pháp dạy, học, ôn tập để bảo đảm kiến thức cho học sinh.

Rèn luyện qua thi thử, nên không?

Đầu tháng 1/2025, nhiều đợt thi thử kỳ thi lớp 10 đã được các trường ngoài công lập và trung tâm học thêm tổ chức. Cũng như mọi năm, các đợt thi thử này thu hút đông đảo học sinh, phụ huynh quan tâm, đăng ký.

Sức nóng của kỳ thi lớp 10 bắt đầu tăng.
Sức nóng của kỳ thi lớp 10 bắt đầu tăng.

Năm nay, Trường THCS & THPT Lương Thế Vinh (cơ sở Cầu Giấy) là đơn vị đầu tiên tổ chức thi thử vào lớp 10 cho học sinh. Cụ thể, trường tổ chức thi thử 3 môn toán, ngữ văn, tiếng Anh vào ngày 5/1/2025. Đối tượng tham gia là học sinh lớp 9 của trường và học sinh lớp 9 trên địa bàn toàn TP. Mục đích của kỳ thi thử nhằm giúp học sinh đánh giá quá trình học tập của mình, từ đó có kế hoạch học tập và ôn luyện phù hợp, sẵn sàng cho kỳ thi chính thức.

Ngoài Trường THCS & THPT Lương Thế Vinh, hiện một số trung tâm bồi dưỡng văn hóa tại Hà Nội cũng rậm rịch tổ chức đợt thi thử đầu tiên – kỳ thi lớp 10 cho học sinh. Dù chưa có phương án cuối cùng về môn thứ 3 nhưng 3 môn thi thử chủ yếu được các đơn vị tổ chức vẫn là toán, ngữ văn và tiếng Anh.

Là phụ huynh đăng ký thi thử cho con ngay trong tháng 1/2025, chị Lâm Quỳnh Mai, trú tại quận Thanh Xuân chia sẻ, chị luôn mong con được tham dự các kỳ thi thử để con sớm nhập cuộc và tăng ý thức học cũng như ôn tập.

“Còn tầm 5 tháng nữa là đến kỳ thi lớp 10 nhưng con tôi vẫn chưa thực sự học tập nghiêm túc. Tôi muốn con thi thử để biết kiến thức của mình ở đâu, điểm số thế nào và nếu không cố gắng, rất khó có thể vào được ngôi trường mình mong muốn”, chị Mai chia sẻ. Phụ huynh này cũng cho hay, từ nay đến cuối tháng 4, nếu thấy trường hay trung tâm nào tổ chức thi thử, chị sẽ  đăng ký để con thử sức.

Khẳng định mục đích của các kỳ thi thử là tốt, nhưng nhiều thầy cô cho rằng, phụ huynh và học sinh không nên lạm dụng hay sa đà thi thử quá nhiều, bởi yếu tố quyết định kết quả của kỳ thi là kiến thức và tâm lý.

“Điều học sinh nên làm là nắm chắc kiến thức thầy cô dạy trên lớp, chịu khó làm bài tập; tự học, cập nhật ngân hàng câu hỏi của trường, của quận; đồng thời rèn kiến thức qua đề minh họa của Sở. Học sinh không nên có tâm lý học xong chương trình mới luyện đề, mà học đến đâu, luyện đến đó; luyện kỹ những kiến thức mình đã học....”, một giáo viên dạy toán tại Hà Nội đưa ra lời khuyên.

Hiệu trưởng Trường THCS Phú Thị (huyện Gia Lâm) Vũ Thị Lan Anh cho hay, từ giờ đến cuối năm học sẽ có rất nhiều bài khảo sát được thực hiện với học sinh lớp 9. Về cơ bản, cả thầy và trò đều nỗ lực hết sức để đạt kết quả cao trong các bài khảo sát cũng như kỳ thi chính thức. Quá trình học tập và ôn luyện rất cần sự đồng hành, phối hợp của phụ huynh học sinh trong việc chăm lo dinh dưỡng, bồi dưỡng sức khỏe để giảm áp lực, tăng quyết tâm cho học sinh.