Tuy nhiên, trên thực tế cũng còn không ít tồn tại, bất cập cần sự phối hợp giữa các đơn vị chức năng, DN và người dân trong việc xây dựng các giải pháp hợp lý để đầu tư, phát triển hạ tầng kỹ thuật thông minh – thành phần chính của một đô thị thông minh.
Hạ tầng luôn chạy sau phát triển đô thị
Trong những năm qua, việc đẩy mạnh đầu tư, huy động đa dạng các nguồn lực xã hội tham gia vào phát triển đô thị đã nhanh chóng tạo nên diện mạo mới cho đô thị Thủ đô. Cơ sở hạ tầng dần được hoàn thiện và hiện đại hóa, vấn đề nhà ở cho Nhân dân được cải thiện tốt hơn. Song, TP cũng nhìn nhận, việc đô thị hóa nhanh, tốc độ tăng dân số cao, nhu cầu của người dân tăng lên, dẫn đến tình trạng quá tải hệ thống hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt là lĩnh vực giao thông, điện, nước và xử lý chất thải…
Hiện nay, trên địa bàn TP có trên 4.000km đường, trong đó có 2.052km đường đô thị với những tuyến trọng điểm như cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, Đại lộ Thăng Long, Vành đai 2, Vành đai 3 trên cao... Tuy nhiên, sự phát triển hạ tầng giao thông vẫn chưa đáp ứng được so với việc phát triển đô thị, diện tích đất dành cho giao thông mới chỉ đạt 10,07% đất xây dựng đô thị, thấp hơn rất nhiều so với quy định (phải đạt từ 16 - 26%). Tốc độ đô thị hóa nhanh với sự gia tăng dân số kéo theo các phương tiện giao thông cá nhân đã tạo áp lực rất lớn lên hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông.
Theo thống kê của Sở GTVT Hà Nội, hiện nay trên địa bàn TP có tổng số khoảng 6,5 triệu phương tiện giao thông đường bộ, chủ yếu là phương tiện cá nhân, trong đó xe máy với trên 5,9 triệu xe, khoảng 420.000 ô tô con. Tăng trưởng các phương tiện giao thông cá nhân bình quân 11%/năm, trong khi đó tăng trưởng về chiều dài đường chỉ đạt 3,9%/năm, diện tích mặt đường 0,25%/năm, đặc biệt khu vực trung tâm TP gần như không tăng.
Hay như trong lĩnh vực cấp nước sạch, mặc dù tỷ lệ người dân khu vực đô thị của Hà Nội được cấp nước sạch gần đạt tỷ lệ 100% nhưng hệ thống truyền tải của TP giữa các khu vực được cấp nước còn thiếu kết nối. Đây là nguyên nhân cứ đến mùa Hè, người dân tại nhiều khu vực phải chịu cảnh mất nước kéo dài, trên diện rộng.
Đối với cấp nước nông thôn, hiệu suất vận hành trung bình của các trạm cấp nước chỉ đạt khoảng 75% so với công suất thiết kế. Tỷ lệ thất thoát nước sạch trung bình của các trạm khá cao, khoảng 30%. Trong tổng số 96 trạm cấp nước nông thôn đang hoạt động, chỉ khoảng 37% số trạm có quy trình vận hành và 49% số trạm có nhật ký vận hành.
Nhìn chung thực trạng về công tác tổ chức quản lý và vận hành hệ thống cấp nước trên địa bàn TP thời gian qua còn nhiều bất cập; mô hình là rất đa dạng, chưa phải là một chế độ quản lý, vận hành hệ thống cung cấp nước sạch thống nhất trên toàn địa bàn TP.
Hệ thống các công trình xử lý rác thải, nước thải đô thị của TP cũng chưa được đầu tư xây dựng đồng bộ theo quy hoạch, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống dân sinh và môi trường của Thủ đô. Hiện nay, toàn TP mới có 6 nhà máy, trạm xử lý nước thải được đầu tư xây dựng hoàn chỉnh và đưa vào khai thác vận hành. Tổng công suất xử lý nước thải hiện có là 276.300m3/ngày, đêm, chỉ chiếm khoảng 28,8% khối lượng nước thải cần xử lý. Đối với rác thải sinh hoạt, được phân luồng tập trung chủ yếu về 2 khu xử lý chính của TP là Nam Sơn và Xuân Sơn để chôn lấp đã gây quá tải.
Mặc dù TP đã đưa vào hoạt động Nhà máy điện rác Sóc Sơn và 4 nhà máy đốt rác (đốt không phát điện), tuy nhiên công suất nhỏ, hoạt động không hiệu quả, không bảo đảm công suất thiết kế, thường xuyên hư hỏng phải dừng để thực hiện bảo trì, sửa chữa, cải tạo nâng cấp. Hoặc đã đầu tư nhưng chưa đi vào hoạt động như Nhà máy Phương Đình - Đan Phượng; Xuân Sơn - Sơn Tây; Việt Hùng - Đông Anh.
Sớm có bộ tiêu chí về hạ tầng kỹ thuật đô thị thông minh
Theo các chuyên gia, để giải quyết những bất cập, nâng cao hiệu quả hệ thống hạ tầng của Hà Nội, một mặt cần tiếp tục đầu tư xây dựng đầy đủ theo quy hoạch, mặt khác cần nâng cấp, thông minh hóa hệ thống hạ tầng hiện có trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin. Đặc biệt, cần có sự phối hợp giữa các đơn vị chức năng, DN và người dân trong việc đầu tư, phát triển hạ tầng kỹ thuật thông minh.
TS Phan Thế Hùng - Giám đốc Trung tâm Khoa học công nghệ (Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội) cho rằng, quy hoạch hạ tầng kỹ thuật là yếu tố vô cùng quan trọng trong việc phát triển đô thị thông minh của TP Hà Nội. Hạ tầng kỹ thuật đóng vai trò quyết định để hỗ trợ các ứng dụng và dịch vụ công nghệ thông tin, đồng thời cung cấp giải pháp quản lý thông minh cho tài nguyên đô thị. Xây dựng hạ tầng kỹ thuật thông minh cần được nghiên cứu từ bước lập quy hoạch.
“Hiện nay, Hà Nội đang triển khai rà soát, đánh giá quá trình thực hiện quy hoạch cũng như xác định các yếu tố mới tác động, tiến tới lập điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội. Hà Nội muốn xây dựng đô thị thông minh thì trước hết phải thể hiện quyết tâm đó trong bản quy hoạch điều chỉnh lần này. Trong đó các yếu tố về quy hoạch không gian, quy hoạch hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng kinh tế - xã hội phải được tính toán một cách thông minh, dựa trên dữ liệu đầy đủ và tin cậy. Các giải pháp công trình, giải pháp công nghệ và giải pháp quản lý thông minh phải được phản ánh đầy đủ trong quy hoạch xây dựng đô thị” - TS Phan Thế Hùng nhấn mạnh.
Cùng ý kiến, TS Nguyễn Nhật Quang - Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ VINASA khẳng định, với đô thị đang phát triển nhanh như Hà Nội, việc xây dựng đô thị thông minh cần được tích hợp chặt chẽ với quá trình quy hoạch, phát triển đô thị. Các công trình xây mới phải thông minh ngay từ đầu, công tác nâng cấp cải tạo cũng phải thông minh hóa.
Tuy nhiên, việc phát triển đô thị thông minh cần đòi hỏi tiến hành trong thời gian dài với sự tham gia của nhiều chủ thể. Do đó, nhất thiết phải có một hệ thống tiêu chí, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật thống nhất để các công trình thông minh có thể “nói chuyện” được với nhau.
Các chuyên gia đều thống nhất cho rằng, để xác định thế nào là hạ tầng kỹ thuật thông minh, cần có hệ thống tiêu chí để so sánh. Do đó, việc xây dựng hệ thống tiêu chí cơ bản để đánh giá hệ thống hạ tầng kỹ thuật thông minh trong quy hoạch đô thị của TP Hà Nội là một yêu cầu cần thiết và có tính ứng dụng thực tiễn.
Mặt khác, các tiêu chuẩn, quy chuẩn về đô thị thông minh còn thiếu, chưa xây dựng được hệ thống cơ sở dữ liệu tích hợp dùng chung trong lĩnh vực quy hoạch - kiến trúc - xây dựng - phát triển đô thị và các dữ liệu chuyên ngành... Các nội dung này cũng cần được TP tập trung giải quyết để xây dựng, phát triển Hà Nội trở thành một đô thị thông minh, bền vững trong thời gian tới.
TP Hà Nội hướng đến mục tiêu phát triển đô thị xanh, văn hiến, thông minh, hiện đại, trong khi thực trạng hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị còn rất nhiều vấn đề cần được cải thiện theo xu hướng thông minh hóa. Do đó, việc xây dựng hệ thống tiêu chí cơ bản về hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị thông minh hỗ trợ công tác đánh giá quy hoạch đô thị trên địa bàn TP là hết sức cần thiết. Bộ tiêu chí, tiêu chuẩn, quy chuẩn này là công cụ hữu hiệu để cơ quan quản lý Nhà nước về quy hoạch thẩm định các công trình, dự án trong TP.
KTS Lê Chính Trực - Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội