Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bất đồng quan điểm Botswana "dọa" đưa 20.000 voi sang Đức

Vân Trang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tổng thống Botswana Mokgweetsi Masisi bày tỏ tức giận trước việc Đức siết quy định nhập khẩu ngà voi từ săn bắn.

Botswana, quê hương của quần thể voi lớn nhất thế giới. Ảnh: Kinh tế Môi trường
Botswana, quê hương của quần thể voi lớn nhất thế giới. Ảnh: Kinh tế Môi trường

Botswana là đất nước có số lượng voi lớn, chiếm khoảng một phần ba tổng số voi ở Châu Phi. Đất nước này đã đưa ra lệnh cấm săn bắn lấy ngà vào năm 2014, nhưng dỡ bỏ lệnh vào năm 2019 dưới áp lực từ các cộng đồng địa phương.  Tình hình đó khiến rất nhiều người lo lắng về sự an toàn của hơn 130,000 chú voi tại đây trước nạn săn bắn voi lấy ngà.

Đầu năm nay, Bộ Môi trường Đức đưa ra quy định siết chặt nhập khẩu ngà voi vì lo ngại săn trộm gia tăng. Lệnh cấm nhập khẩu sẽ khiến người Botswana nghèo đi, ông Mokgweetsi Masisi nói với tờ báo Bild của Đức.

Lãnh đạo châu Phi cho rằng các nỗ lực bảo tồn đã dẫn đến sự gia tăng bùng nổ số lượng voi và săn bắn là một phương thức quan trọng để kiểm soát chúng. Masisi đề cập trên tờ báo Đức rằng những đàn voi đang gây thiệt hại cho tài sản, ăn hoa màu và đe dọa an toàn đối với người dân.

"Rất dễ dàng để ngồi ở Berlin và đưa ra ý kiến về các vấn đề của chúng tôi ở Botswana. Chúng tôi đang phải trả giá cho việc bảo tồn những loài động vật này cho thế giới,” ông nói.

Botswana, quốc gia có đàn voi lớn nhất thế giới, đã tặng 8.000 con voi cho Angola và 500 con khác cho Mozambique, nhằm giải quyết vấn đề "quá tải" mà ông Masisi mô tả. Vào tháng 3, các quan chức đất nước này cũng đe dọa sẽ gửi 10.000 con voi đến London.

"Chúng tôi muốn cung cấp một món quà như vậy cho nước Đức,” ông Masisi nói, đồng thời nói thêm rằng ông sẽ "không chấp nhận câu trả lời là không".

Một phát ngôn viên của Bộ Môi trường Berlin cho biết Botswana chưa từng nêu ra mối quan ngại nào với Đức về vấn đề này.

Người phát ngôn cho biết Bộ vẫn đang đàm phán với các quốc gia châu Phi bị ảnh hưởng bởi các quy tắc nhập khẩu, bao gồm cả Botswana.

"Trước tình trạng mất đa dạng sinh học đáng báo động, chúng tôi có trách nhiệm đặc biệt phải làm mọi thứ để đảm bảo việc nhập khẩu ngà voi là bền vững và hợp pháp,” bà nói.

Bà cho biết Đức là một trong những nước nhập khẩu ngà voi từ săn bắn lớn nhất trong Liên minh Châu Âu.

Các cuộc thảo luận trong EU về việc hạn chế nhập khẩu tập trung vào việc mở rộng danh sách các loài được bảo vệ, bà nói.