Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bất động sản công nghiệp - những thách thức trong thời kỳ mới

Doãn Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đã khiến cho cuộc dịch chuyển địa bàn sản xuất diễn ra mạnh mẽ từ “đại công trường” sản xuất của thế giới sang các nước trong khu vực, trong đó Việt Nam là một trong những địa bàn được quan tâm hàng đầu của các doanh nghiệp.

Nhưng bên cạnh đó, Việt Nam cũng phải cạnh tranh mạnh mẽ với các nước như Thái Lan, Malaysia… BĐS công nghiệp bước vào thời kỳ mới nhiều cơ hội nhưng cũng không ít thách thức, khó khăn.
Cơ hội lớn
Với 25% thuế quan xuất khẩu áp trên tổng giá trị xuất khẩu 250 tỷ USD của Trung Quốc và vẫn có khả năng tăng thêm 10% trên tổng giá trị xuất khẩu hàng hoá 300 tỷ USD, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung đang có tác động tích cực đến cơ hội của bất động sản công nghiệp Việt Nam.
Các doanh nghiệp đang hướng đến một bến đỗ mới ít rủi ro hơn, từ đó đã xuất hiện làn sóng chuyển dịch nhà xưởng sản xuất từ Trung Quốc - “đại công trường” sản xuất của thế giới sang các nước lân cận, Việt Nam đang là một điểm đến đầy tiềm năng trong tầm nhìn chiến lược đầu tư của các doanh nghiệp, Tập đoàn lớn trong quá trình này.
BĐS công nghiệp nhiều cơ hội nhưng cũng không ít khó khăn (Ảnh: Doãn Thành).
Theo đánh giá của các chuyên gia, với chi phí sản xuất thấp, chính trị ổn định và việc được tham gia vào nhiều hiệp định thương mại quan trọng của thế giới, đã biến Việt Nam trở thành thỏi nam châm thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI trong thời gian gần đây.
Số liệu thống kê của Ngân hàng thế giới (WB), lương của lao động ngành sản xuất năm 2018 tại Việt Nam ghi nhận 237 USD/tháng, thấp hơn nhiều so với Thái Lan (412 USD/tháng), Trung Quốc (866USD/tháng) và Malaysia (924/tháng). Chi phí nhà xưởng tại Việt Nam cũng đang thấp hơn Trung Quốc, Ấn Độ, Malaysia.
Trong khi đó, việc được chấp thuận tham gia nhiều Hiệp định thương mại tự do mới đã có tác động tích cực đến ngành công nghiệp của Việt Nam, như: Hiệp định cải cách toàn diện cho hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức thiết lập vào tháng 1/2019, trong khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đã được ký kết vào tháng 6/2019. Hiệp định mang tính lịch sử này sẽ xóa bỏ 99% thuế hải quan và tăng thu hút vào lĩnh vực bất động sản công nghiệp.
Ngoài ra, một loạt Hiệp định mới được kỳ vọng sẽ hoàn tất trong năm 2019 và năm 2020, như: Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện (RCEP) nhằm mục đích thắt chặt hợp tác kinh tế giữa các nước thành viên khối ASEAN và 6 quốc gia trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương đang ký kết hiệp định thương mại tự do.
Theo chuyên gia kinh tế Lương Toàn Thắng, bên cạnh những lợi thế về chi phí nhân công, tham gia vào nhiều Hiệp định thương mại tự do, thì Việt Nam đang có tốc độc tăng trường kinh tế, tăng trường GDP thuộc hạng cao nhất trong khu vực Đông Nam Á; các chỉ số bán lẻ - thu mua trên thị trường, tỷ trọng xuất - nhập khẩu cũng liên tục tăng trưởng, kéo theo sự tăng trưởng của ngành công nghiệp. Tăng trưởng sản xuất công nghiệp tại Việt Nam tính đến quý III/2019 đạt 9,6%, cao hơn Indonesia (2,6%), Malaysia (3,9%), Trung Quốc (6,3%) và Thái Lan (đang giảm 5,5%).
“Tất cả những yếu tố trên đang mở ra rất nhiều cơ hội cho Việt Nam trong thu hút đầu tư FDI, BĐS công nghiệp là lĩnh vực đầu tiên được hưởng lợi từ điều này” - ông Thắng nói.
Nhiều khó khăn
Khi BĐS công nghiệp đang nóng lên từng ngày với xu hướng chuyển dịch của nhiều nhà sản xuất đến Việt Nam, sẽ kéo theo một lượng chuyên gia, người lao động lớn, vì vậy thị trường BĐS gần các khu công nghiệp cũng trở nên hấp dẫn hơn với nhiều nhà đầu tư, với mục đích xây dựng nhà ở, văn phòng cho thuê để đón đầu làn sóng này.
Trong thời gian gần đây, rất nhiều nhà đầu tư đã tập trung vào thu gom đất nền lẻ gần các khu công nghiệp. Cũng theo chuyên gia Lương Toàn Thắng, việc gom đất nền để đầu tư nhà trọ, văn phòng cho thuê tại gần các nhà máy, khu công nghiệp không phải chuyện đơn giản và nhà đầu tư sẽ dễ bị “chôn vốn” trong các khu đất này.
“Lao động trong các khu công nghiệp thường không có tính ổn định và có xu hướng dịch chuyển từ chỗ này sang chỗ khác, khi có cơ hội được làm việc với mức ưu đãi cao hơn. Vì vậy, nhà đầu tư rất dễ bị chôn vốn nếu đầu tư vào BĐS nhà ở tại gần các khu công nghiệp. Ngoài ra, đối với nhà đầu tư thứ cấp là các doanh nghiệp FDI thuê nhà xưởng sản xuất, văn phòng, nhà ở… cũng dễ xảy ra nguy cơ bỏ trốn khi làm ăn thua lỗ, cũng gây ra những rủi ro cho người đầu tư” - ông Thắng nhận định.
Bên cạnh các yếu tố trên, theo đánh giá của các chuyên gia, hạ tầng kết nối với các khu công nghiệp của Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế, bên trong khu công nghiệp được đầu tư đồng bộ, hiện đại, nhưng hạ tầng bên ngoài dẫn từ các khu công nghiệp đến sân bay, cảng biển… thì chưa thực sự làm hài lòng nhà đầu tư. Đây cũng là khó khăn không nhỏ khi thu hút những tập đoàn sản xuất lớn.