"Điểm nghẽn về thể chế pháp luật là một trọng tâm cần phải giải quyết cho BĐS Việt Nam nói chung và phân khúc BĐS du lịch nghỉ dưỡng nói riêng. Bởi các DN đều mong muốn môi trường kinh doanh đạt được sự công bằng, minh bạch, thông thoáng, cạnh tranh lành mạnh. Tin tưởng rằng, sau thành công của Đại hội Đảng lần thứ XIII và nhiều luật mới được sửa đổi, bổ sung sẽ góp phần giải quyết những khó khăn, vướng mắc này." - Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP Hồ Chí Minh Lê Hoàng Châu "Kinh tế toàn cầu dự báo sẽ cải thiện hơn vào quý II/2021 nhưng phải cần đến 3 năm nữa thì ngành du lịch mới có thể hồi phục về mức trước đại dịch. Điều này cũng có nghĩa, phân khúc BĐS du lịch - nghỉ dưỡng sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn, trong ngắn hạn từ 1 - 2 năm rất khó để phục hồi." - Giám đốc điều hành mảng Khách sạn và Giải trí thuộc Tập đoàn Colliers tại châu Á Govinda Singh |
Bất động sản du lịch: Khó hồi phục trong năm 2021
Kinhtedothi - Dịch Covid-19 đang làm hiệu quả kinh doanh của ngành du lịch ảnh hưởng nghiêm trọng, cùng với đó là những vướng mắc về thủ tục pháp lý đã kéo theo tình trạng sụt giảm mạnh của phân khúc bất động sản (BĐS) du lịch – nghỉ dưỡng. Các chuyên gia cho rằng, BĐS du lịch – nghỉ dưỡng cần từ 2 – 3 năm mới có thể phục hồi trở lại.
Kinh doanh đình trệ
Theo tìm hiểu của phóng viên Kinh tế & Đô thị, nhóm sản phẩm nghỉ dưỡng truyền thống là khách sạn, công suất thuê phòng cả năm 2020 chỉ đạt khoảng 30 - 40%, giá cho thuê phòng khách sạn bình quân toàn thị trường cũng chỉ đạt khoảng 40% so với năm 2019.
Nguyên nhân là do ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19 khiến lượng khách quốc tế đến Việt Nam giảm mạnh (giảm hơn 90% so với cùng kỳ năm 2019). Ngành du lịch có dấu hiệu phục hồi khi Chính phủ thực hiện kích cầu du lịch trong nước trong quý III/2020 nhưng lượng khách du lịch nội địa không duy trì được đà tăng.
Đối với nhóm sản phẩm BĐS du lịch kiểu mới như condotel (căn hộ khách sạn), villa (biệt thự)... tình trạng này còn trầm trọng hơn. Trong đó, lượng cung villa, shophouse đạt gần 15.000 sản phẩm nhưng tỷ lệ hấp thụ chỉ đạt xấp xỉ 8%.
Theo Phó Cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) Hà Quang Hưng, cả nước hiện có 147 dự án BĐS du lịch – nghỉ dưỡng với trên 17.800 căn condotel, gần 4.200 villa, 94 căn văn phòng kết hợp lưu trú được cấp phép; 53 dự án với 200 căn condotel, 1.001 căn villa đã hoàn thành nhưng cả năm chỉ có trên 120 sản phẩm được giao dịch thành công.Chia sẻ xoay quanh vấn đề này, Phó Tổng Giám đốc APEC Group Hán Kông Khanh cho biết, đại dịch Covid-19 đã khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN bị giảm sút nghiêm trọng, do không bán được hàng nên nhiều dự án đã bị đình trệ. “Năm 2020 doanh thu của công ty sụt giảm khoảng 20 lần so với năm 2019” – ông Hán Kông Khanh nói.Sớm khơi thông pháp lýTheo GS.TSKH Đặng Hùng Võ, thị trường BĐS của Việt Nam nói chung và phân khúc BĐS du lịch nghỉ dưỡng đã chịu những tác động bởi các chính sách từ trước khi Covid-19 bùng phát, dịch bệnh chỉ là tác động ngắn hạn nhưng cũng không phủ nhận với sự ảnh hưởng này khiến cho thị trường thêm khó khăn. Nhưng về dài hạn vấn đề chính sách pháp luật trở thành điểm nóng, là mối quan tâm chung của cả DN và cơ quan quản lý.
Một số nghị định hiện nay chỉ định tính mà chưa định lượng, hướng dẫn thiếu chi tiết khiến DN lúng túng. Ví dụ như Nghị định 148/2020/NĐ-CP vẫn chưa lấp đầy khoảng trống về pháp lý BĐS bởi chưa bao phủ hết những vấn đề của Luật Nhà ở, Luật Đất đai, còn chồng chéo, lệch pha giữa những quy định.Sản phẩm BĐS du lịch kiểu mới như condotel, shophouse... với giấy chứng nhận sử dụng đất, thời gian sở hữu chỉ 50 năm, khiến tâm lý nhà đầu tư không mấy mặn mà, bởi họ muốn hưởng ưu đãi như đất ở. Việc một số dự án condotel bị “đứt gánh giữa đường” khiến cho nhiều nhà đầu tư thứ cấp tỏ rõ sự e ngại hoặc đầu tư nhỏ giọt chờ thị trường nóng lên.
“Việc nhìn nhận BĐS ở những điểm du lịch dưới góc độ nghỉ dưỡng đang làm mất đi giá trị đa năng của loại hình này. Nếu như có thể xem là ngôi nhà thứ hai, tài sản sở hữu hoặc sử dụng để ở thì nhà đầu tư sẽ nhìn tích cực hơn. Tôi cho rằng, cần phải có một luật để bao quát hết tất cả vấn đề của BĐS, như vậy sẽ bù lấp được những khoảng trống trong thời gian qua” – GS Đặng Hùng Võ nhìn nhận.Đồng quan điểm trên, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội BĐS Việt Nam Nguyễn Văn Đính cho biết, du lịch là ngành kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ dịch bệnh. Hầu hết các cơ sở du lịch đều hoạt động cầm chừng hoặc đóng cửa khiến BĐS du lịch kém hiệu quả trong việc thu hút đầu tư trong năm qua.
“Bên cạnh đó không thể không nói đến vấn đề liên quan đến pháp lý. Chính quyền các địa phương chưa có động thái gì đáng kể, đặc biệt là những vấn đề về pháp lý nên chưa tạo được niềm tin cho nhà đầu tư tham gia đầu tư vào BĐS du lịch. Nhiều dự án BĐS du lịch - nghỉ dưỡng đang gặp phải những vướng mắc pháp lý nên chưa thể khởi động đầu tư xây dựng” – ông Nguyễn Văn Đính nhìn nhận.