Tín hiệu khả quan
Thông tin từ Tổng cục Thống kê cho thấy, khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 2 năm nay tăng 169,6% so với cùng kỳ năm trước do Chính phủ đang thực hiện lộ trình thí điểm đón khách du lịch, nhiều đường bay quốc tế đã được khôi phục trở lại. Tính chung 2 tháng đầu năm 2022, khách quốc tế đến Việt Nam ước đạt 49.200 lượt người, tăng 71,7% so với cùng kỳ, trong đó khách đến bằng đường hàng không chiếm 87,8% lượng khách quốc tế. Năm 2022, ngành du lịch đặt mục tiêu phấn đấu phục vụ 65 triệu lượt khách bao gồm 5 triệu lượt khách quốc tế, tổng thu khoảng 440.000 tỷ đồng.
"Covid-19 chỉ làm ngành du lịch tạm ngừng trệ, bởi vậy ngay khi dịch bệnh từng bước khống chế, du lịch sẽ sớm phục hồi, vì đây là nhu cầu thiết yếu của con người" - Vụ trưởng Vụ Thị trường du lịch, Tổng cục Du lịch Đinh Ngọc Đức nhìn nhận.
Số liệu trên là tin vui không chỉ cho riêng ngành du lịch, mà còn mở ra cơ hội phục hồi của phân khúc BĐS nghỉ dưỡng, vốn đã chịu nhiều ảnh hưởng nặng nề suốt 2 năm dịch bệnh Covid-19 kéo dài vừa qua.
Bên cạnh đó, căn cứ vào tình hình thực tế khi thị trường vàng xuất hiện nhiều rủi ro, giá liên tục tăng - hạ theo chiều thẳng đứng; chứng khoán trong 3 tháng qua luôn trong vòng xoáy lập “đỉnh thoái trào”; trong khi tiền điện tử lao dốc mạnh; hay lãi suất tiết kiệm ngân hàng chỉ phổ biến ở mức 5 - 6% không đủ sức hấp dẫn... lại càng có cơ sở khẳng định dòng tiền sẽ đổ vào đầu tư BĐS nói chung và BĐS du lịch - nghỉ dưỡng nói riêng, đặc biệt ở thị trường mới nổi, giàu tiềm năng du lịch thuộc khu vực ven biển miền Trung giá còn mềm so với khu vực khác và so với mức bình quân của nhiều quốc gia trong khu vực.
... nhưng còn nhiều thách thức
Mặc dù có nhiều tín hiệu khả quan, nhưng phân khúc BĐS du lịch - nghỉ dưỡng vẫn phải đối diện với nhiều thách thức, khó khăn. Theo PGS. TS Nguyễn Quang Tuyến - Phó Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Luật Hà Nội, câu chuyện định danh BĐS mới ví dụ như BĐS du lịch đang tồn tại những bất cập. Vì vậy, nhiều người đầu tư condotel vướng mắc về pháp lý, khi quy định sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận cho BĐS du lịch chưa rõ ràng thì các địa phương trở nên lúng túng, doanh nghiệp cũng lúng túng theo. Ngoài ra, vấn đề chuyển đổi số, giờ pháp lý chuyển đổi số nhằm đảm bảo bí mật thông tin khách hàng, lại liên quan đến các bộ luật khác cũng là vấn đề cần quan tâm...
Những chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ đã đánh dấu việc kích hoạt trở lại của nền kinh tế trong trạng thái bình thường mới. Điều này đã đem lại hứng khởi cho doanh nghiệp, nhà đầu tư khi đặt niềm tin vào sự phục hồi của phân khúc BĐS nghỉ dưỡng nói riêng. Năm 2022 chính là thời điểm quan trọng quyết định cho quá trình phục hồi của phân khúc này mặc dù trong điều kiện thuận lợi vẫn còn không ít khó khăn, thách thức.
Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam Nguyễn Văn Đính
“Để nâng cao hiệu quả của quản lý Nhà nước cần rà soát, sửa đổi bổ sung quy định liên quan của Luật Đất đai năm 2013, Luật Nhà ở 2014 và Luật Kinh doanh BĐS 2014. Trong đó, tập trung giải quyết nhiều nhóm vấn đề khác nhau như bổ sung quy định trong Luật Kinh doanh BĐS 2021 về hoạt động kinh doanh BĐS nói chung, kinh doanh BĐS du lịch nói riêng” - PGS. TS Nguyễn Quang Tuyến cho hay.
Cùng với đó, các chuyên gia cho rằng, cần bổ sung quy định đối với công tác quản lý Nhà nước, trong Luật Kinh doanh BĐS 2014 tích hợp chặt chẽ giữa hoạt động đầu tư kinh doanh BĐS, BĐS du lịch với vấn đề bảo vệ môi trường. Xây dựng tiêu chí, sản phẩm BĐS du lịch xanh; xác lập cơ chế đồng bộ, thống nhất về chính sách ưu đãi, khuyến khích chủ đầu tư kinh doanh tạo lập sản phẩm BĐS du lịch xanh hoặc lồng ghép mô hình kinh tế tuần hoàn trong hoạt động đầu tư kinh doanh BĐS du lịch.
Ngoài ra, cũng cần phải sửa đổi, bổ sung Luật Du lịch năm 2014 nhằm bảo đảm sự thống nhất, tương thích, đồng bộ, góp phần tạo lập khuôn khổ pháp lý cho hoạt động đầu tư kinh doanh BĐS du lịch thông suốt, cạnh tranh lành mạnh, công khai minh bạch, bình đẳng giữa các chủ thể tham gia phân khúc thị trường BĐS du lịch.