Giá bán “ăn” theo hạ tầng
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn vừa ký ban hành Quyết định số 927/QĐ-UBND về việc phê duyệt chỉ giới đường đỏ tuyến đường vào trường THCS xã Tân Hội, tỷ lệ 1/500 tại xã Tân Hội, huyện Đan Phượng, TP Hà Nội. Theo đó, tuyến đường có chiều dài khoảng 297m, điểm đầu tuyến giao với tuyến đường Tân Hội, điểm cuối tuyến giao với đường trục Tây Thăng Long đoạn qua huyện Đan Phượng. Mặt cắt ngang tuyến đường rộng 20,5m.Khảo sát thực tế của phóng viên Kinh tế & Đô thị, sau khi tuyến đường được phê duyệt, giá đất tại khu vực này có vị trí đã vượt ngưỡng 90 triệu đồng/m2. Cụ thể, đất nằm liền kề trục đường 79 giá từ 70 – 80 triệu đồng/m2, đất mặt đường Phan Xích giá 90 – 95 triệu đồng/m2. Đáng chú ý, giá đất không chỉ tăng ở những vị trí gần mặt đường lớn, mà trong khu dân cư cũng ở mức cao, đặc biệt là tại thôn Thượng Hội (nơi tuyến đường mới được phê duyệt đi qua) ghi nhận mức 70 – 80 triệu đồng/m2, tùy vào từng vị trí. Các khu vực lân cận xã Tân Hội cũng tăng nhẹ về giá bán.
Ngay sau khi dự án mở đường được phê duyệt, giá BĐS tại nhiều khu vực huyện Đan Phượng đã tăng nhanh. Ảnh: Doãn Thành |
Bí thư Đảng ủy xã Tân Hội Nguyễn Thạc Hạnh cho biết, ngay từ thời điểm cuối năm 2020, khi thông tin có tuyến đường lớn qua địa bàn xã lan rộng, giá bất động sản (BĐS) tại khu vực này đã tăng chóng mặt. “Từ giữa năm 2020 giá đất ở xã Tân Hội bắt đầu tăng, mạnh nhất là từ đầu năm 2021 đến nay. So với thời điểm trước Tết Nguyên đán Tân Sửu, giá đất một số khu vực gần tuyến đường mới được phê duyệt chỉ giới đường đỏ đã tăng từ 10 – 15 triệu đồng/m2” – ông Nguyễn Thạc Hạnh cho hay.Cẩn trọng với chiêu “thổi giá”Phó Tổng Thư ký Hiệp hội BĐS Việt Nam Nguyễn Văn Đính cho biết, thời gian gần đây, giá đất ở các huyện ngoại thành Hà Nội gia tăng mạnh, xuất phát từ một số nguyên nhân như: Huyện được quy hoạch thành quận, những dự án đầu tư hạ tầng giao thông tiếp tục được triển khai, quỹ đất khu vực trung tâm không còn nên nhà đầu tư có xu hướng chuyển dịch sang vùng ven đô và tỉnh lẻ... nhưng việc tăng giá một cách nhanh chóng là không phù hợp với điều kiện thực tế. “Những khu vực dự án đã được hoàn thiện hạ tầng giá bán khoảng 40 – 50 triệu đồng/m2 có thể đến xây dựng để ở ngay, nhưng nhiều khu vực chỉ mới được phê duyệt hạ tầng, chưa triển khai, giá bán cũng tương đương, thậm chí cao hơn, đây chính là điều nghịch lý của thị trường” – ông Nguyễn Văn Đính nhìn nhận.Đồng quan điểm, Phó Cục trưởng Cục quản lý Nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) Hà Quang Hưng cho biết, giá BĐS tăng khi dân số tăng, kinh tế phát triển, công nghiệp hóa – đô thị hóa nhưng nguồn cung chưa kịp đáp ứng dẫn đến lệch pha cung cầu; biến động giá nguyên, nhiên, vật liệu; do chuyển dịch dòng vốn đầu tư để đảm bảo an toàn khi những kênh đầu tư khác gặp khó khăn trong thời kỳ dịch bệnh... “Nhưng việc giá BĐS tăng nhanh ở một số khu vực là do giới đầu cơ lợi dụng các yếu tố như chuẩn bị quy hoạch đô thị, chuẩn bị xây dựng công trình hạ tầng, mở rộng đô thị... gây nhiễu loạn thông tin để "thổi giá" nhằm thu lợi bất chính” – ông Hà Quang Hưng cho hay.Liên quan đến câu chuyện giá BĐS tăng nhanh tại khu vực xã Tân Hội, huyện Đan Phượng, Bí thư Đảng ủy xã Tân Hội Nguyễn Thạc Hạnh cho biết thêm, trước tình trạng trên chính quyền địa phương một mặt sẽ báo cáo cơ quan cấp trên để xin ý kiến trong công tác quản lý. Bên cạnh đó, tăng cường giám sát, phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm những đối tượng có hành vi lợi dụng thông tin quy hoạch để đẩy giá và thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã được Thủ tướng Chính phủ giao tại Chỉ thị số 11/2019/CT-TTg về một số giải pháp thúc đẩy thị trường BĐS phát triển ổn định, lành mạnh.
"Năm 2020, thị trường BĐS bị đình trệ nên khi dịch bệnh được kiểm soát những người đầu cơ, môi giới được phép hoạt động trở lại đang làm “nóng” thị trường ở những khu vực hạ tầng được quy hoạch, bắt tay với nhau tạo ra nhiều chiêu trò để đẩy giá. Vì vậy, những khu vực có thông tin hạ tầng, nhà đầu tư, đặc biệt là những người chưa có kinh nghiệm cần cẩn trọng."- Phó Giám đốc Công ty IP Land Trần Quốc Việt |