Bất động sản khó phục hồi trong 1-2 năm tới

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Thị trường nguội lạnh, đà bán tháo tiếp tục diễn ra khiến giá bất động sản tiếp tục lao dốc. Theo nhận định của nhiều chuyên gia thị trường khó có thể phục hồi trong 1-2 năm tới.

Sự chuyển dịch thị trường hồi cuối tháng 9 đầu tháng 10 khi thống đốc Ngân hàng nhà nước tuyên bố đưa lãi suất huy động về mức 14% đã không đủ lực để tạo cú hích cho thị trường bất động sản.

Cùng với đó là hàng loạt tuyên bố vỡ nợ và những cuộc đại hạ giá chưa từng có trên thị trường đã khiến bất động sản đứng trước áp lực bán tháo.

Theo khảo sát phóng viên, thị trường bất động sản đã đứng im từ vài tháng nay, các giao dịch mua bán gần như không có.

Đơn cử, như dự án Nam An Khánh (Hoài Đức, Hà Nội) gần 3 tháng nay không người mua bán, giá giảm quanh về ngưỡng 28-30 triệu đồng/m2 đường nhỏ, đường to trên 40 triệu đồng/m2, dự án Geleximco đã giảm mức trên 50 triệu đồng/m2 xuống chỉ còn 39 - 40 triệu đồng/m2. Giá dự án Bắc An Khánh xấp xỉ 60 triệu đồng/m2.

Ở khu đô thị Văn Khê, đối với nhà liền kề đường nhỏ mức dao động từ 80-84 triệu/m2, liền kề đường 17m2 là 100 triệu/m2, liền kề đường 24 m2 từ 105-110 triệu/m2. Riêng biệt thự, dao động trên dưới 70 triệu/m2 tùy thuộc vào đường, hướng đi.

Giá đất tại dự án Vân Canh so với vài tháng trước đây hiện cũng đã giảm khoảng 5 - 6 triệu đồng/m2. Chẳng hạn, những lô đường 12 m, giá còn khoảng 40 - 41 triệu đồng/m2, lô đường to 50 - 55 triệu đồng/m2.

Còn theo báo cáo khảo sát nhiều công ty tư vấn cho thấy, mặt bằng giá trung bình vào quý 3 năm 2011 ở khu Cầu Giấy và Tây Hồ có giá khoảng 150 triệu đồng/m2, khu vực Hoài Đức, Đan Phượng, Gia Lâm có cùng mức giá trung bình khoảng 40-50 triệu đồng/m2, khu vực Hoàng Mai, Hai Bà Trưng khoảng 100-120 triệu đồng/m2, khu vực Hà Đông và Long Biên khoảng 60-80 triệu đồng/m2, và khu vực Mê Linh khoảng 12-16 triệu đồng/m2.

Anh Nguyễn Tuấn Trí (phụ trách kinh doanh công ty bất động sản H.D) cho biết, các văn phòng bất động sản hiện nay rất ế ẩm, giao dịch gần như không có. Mấy ngày trước, có một số khách hàng thân của công ty gọi điện đặt mua một số lô đất tại các dự án phía Tây, quanh trục 32. Anh đã tìm được lô có mức giá thấp hẳn so với thị trường nhưng không hiểu sao khách vẫn chưa quyết định “xuống tiền”.

Theo nhận định của giới đầu tư bất động sản, thì giá đất hiện đã giảm mạnh song vẫn chưa phải là đáy của thị trường bởi nhiều khu vực đất đã bị đẩy lên mức giá ảo quá cao so với thực tế. Trong khi đó, với quyết tâm của Chính phủ về giữ ổn định kinh tế và kiểm soát chặt chẽ chỉ số lạm phát hết năm nay thì khó khăn đối với thị trường bất động sản sẽ còn kéo dài ít nhất đến giữa năm 2012.

Thị trường qua rồi thời điểm cứ bỏ tiền vào bất động sản là thắng. Bởi, nhà đầu tư và người mua nhà đã thận trọng hơn đặc biệt là vấn đề pháp lý, vị trí, chất lượng công trình...Bên cạnh đó, việc hạn chế dòng tiền khiến khách hàng có tiềm lực tài chính thực sự có thể “kén cá trọn canh” kỹ càng hơn. Thị trường đi về quỹ đạo ổn định và phát triển bền vững hơn. Điều này tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người mua nhà để ở.

Ông Trần Như Trung – Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn, Savills Việt Nam, cho rằng, “Thị trường của chúng ta đã bắt đầu xuống đáy rồi nhưng để nói bao giờ xuống đáy thực sự thì còn cần xem xét những yếu tố tác động đến thị trường như kinh tế vĩ mô... . Tuy nhiên, nếu theo biểu đồ thì chúng ta có khoảng 3 năm nữa thì trường sẽ xuống ngang bằng.

Song, tất cả những con số dự báo 3 hay 5 năm nữa lại còn phụ thuộc vào tất cả mọi người tham gia vào thị trường. Nếu ai cũng nghĩ mình sẽ không làm gì thêm nữa thì sẽ thúc đấy quy trình đó nhanh hơn hoặc tất cả chúng ta đều biết là khoảng 3 năm nữa thị trường sẽ phát triển thì ai cũng giữ hàng không bán, điều này khiến cho quy trình đó càng dài hơn nữa. Thị trường đang ở trong tình trạng “nhìn ngó lẫn nhau”, chờ xem động thái của đối thủ ra hành động gì thì lúc đó người bên cạnh mới có bước kế tiếp theo”.