Bất động sản nghỉ dưỡng: Kênh đầu tư hấp dẫn

Mai Vân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư với sự tiến bộ vượt bậc về công nghệ trên nền tảng vạn vật kết nối (Internet of Thing), trí tuệ nhân tạo (AI) và dữ liệu lớn (Big Data) đã và đang tác động mạnh mẽ đến hầu hết các lĩnh vực, ngành nghề, trong đó có lĩnh vực bất động sản (BĐS).

Việc áp dụng công nghệ mới vào hoạt động kinh doanh đang được các doanh nghiệp BĐS bắt nhịp nhằm đem lại lợi thế cạnh tranh trên thị trường.

 Cách mạng 4.0 sẽ là đòn bẩy cho BĐS du lịch - nghỉ dưỡng phát triển (Hình minh họa)
Nhiều tiềm năng phát triển
Chuyên gia nghiên cứu thị trường (Hiệp hội BĐS Việt Nam) TS Nguyễn Minh Ngọc cho biết, ngành du lịch Việt Nam phát triển mạnh mẽ trong thời gian gần đây chính là nguyên nhân giúp cho thị trường BĐS du lịch - nghỉ dưỡng tăng trưởng đột biến. Nếu như năm 1994 Việt Nam lần đầu tiên đón 1 triệu lượt khách quốc tế, đến 2015 đón 7,9 triệu và đến 2018 đón 15,5 triệu lượt.
Theo đó, chỉ trong thời gian ngắn số lượng cơ sở lưu trú chủ yếu là khách sạn, resorts, biệt thự nghỉ dưỡng, căn hộ khách sạn, nhà phố thương mại du lịch tăng lên nhanh chóng. Năm 2011 cả nước có 13.756 cơ sở lưu trú du lịch với trên 256.000 buồng thì tới 2018 con số đã đạt 28.000 cơ sở với 550.000 buồng lưu trú, tốc độ tăng trưởng về quy mô buồng bình quân 12%/năm.
Trong suốt thời gian qua, trên cả nước đã xuất hiện nhiều “cơn sốt” đầu tư BĐS tại nhiều khu vực du lịch tăng trưởng mạnh, như: Đà Nẵng, Quy Nhơn, Nha Trang, Phú Quốc, Sầm Sơn, Hạ Long... Trong đó, Nha Trang, Đà Nẵng, Phú Quốc là 3 địa bàn đang phát triển rất mạnh.
Theo đánh giá, hiện nay xu hướng của khách quốc tế đang tiếp tục hướng về khu vực châu Á - Thái Bình Dương và VIệt Nam được xem là điểm đến hàng đầu tại khu vực Đông Nam Á, từ đó tạo ra một viễn cảnh lạc quan cho thị trường BĐS. Ngoài ra, tốc độ tăng trưởng về lượng khách du lịch quốc tế cũng được dự báo tăng từ 9 - 12%/năm trong giai đoạn 2020 - 2030, theo đó ước tính đến năm 2030 khách du lịch quốc tế đến Việt Nam sẽ đạt từ 35 - 40 triệu lượt.
Theo dự báo của Hiệp hội BĐS Việt Nam, đến năm 2020 cả nước có khoảng 650.000 - 700.000 buồng lưu trú du lịch; năm 2025 cần có 950.000 đến 1.050.000 buồng và đến năm 2030 cần có 1.300.000 đến 1.450.000 buồng.
“BĐS du lịch - nghỉ dưỡng vẫn là kênh đầu tư đầy hấp dẫn và hứa hẹn sẽ mang lại lợi nhuận cao, đặc biệt với sự phát triển của công nghệ hiện đại được tích hợp vào các sản phẩm, mang lại những trải nghiệm mới cho khách hàng. BĐS du lịch - nghỉ dưỡng sẽ tiếp đà tăng trưởng trong tương lai gần” - TS. Nguyễn Minh Ngọc nói.
Không dễ thành công
Giám đốc phát triển, khu vực Đông Nam Á và Hàn Quốc của tập đoàn InterContinental Hotels Group ông Bryan Chan cho biết, cách mạng công nghệ đã có tác động rất lớn đến phân khúc BĐS nghỉ dưỡng, các đơn vị vận hành có cơ hội để xác định rõ các đối tượng khách hàng nhằm cung cấp dịch vụ mang tính cá nhân hóa hơn so với trước đây, nhờ vào việc ứng dụng công nghệ và phân tích dữ liệu đã tạo điều kiện cho việc xuất hiện nhiều đối tượng du khách mới như khách đi du lịch một mình, khách tìm kiếm trải nghiệm, du lịch theo nhóm, tín đồ Instagram, phiêu lưu mạo hiểm, gia đình đơn thân, du lịch giờ chót, gia đình đa thế hệ, công tác kết hợp nghỉ dưỡng, du lịch trị liệu...
Công nghệ được nghiên cứu và ứng dụng cho toàn bộ trải nghiệm của khách sạn từ thiết kế ban đầu cho đến việc cung cấp trải nghiệm thương hiệu cho khách hàng mỗi ngày. Công nghệ luôn không ngừng đổi mới, vì vậy yếu tố cốt lõi là chọn ra công nghệ tốt nhất có thể hỗ trợ hoạt động kinh doanh của chủ đầu tư, khiến việc vận hành trở nên thuận tiện hơn cho nhân viên, đồng thời mang đến những trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng.
Bên cạnh đó, du khách ngày nay có thể sử dụng công nghệ trong suốt hành trình của họ từ trước khi đến khách sạn, trong thời gian lưu trú và ngay cả sau khi khi hoàn thành chuyến đi. Những ứng dụng công nghệ giúp tiết kiệm năng lượng và giảm chất thải cũng được thảo luận tại sự kiện, ví dụ như Hệ thống quản lý tòa nhà (BMS) sẽ giúp tiết kiệm chi phí vận hành bằng cách kiểm soát chặt chẽ các thiết bị đang hoạt động trong tòa nhà.
“Robot phục vụ, điện thoại thay thế khóa phòng, sử dụng điện thoại để check-in/check-out hoặc những phòng khách sạn thông minh cũng đang được áp dụng nhiều hơn nữa trong các khách sạn nhằm giảm chi phí vận hành và số lượng nhân viên. Tuy nhiên, riêng đối với ngành nghỉ dưỡng, việc duy trì tương tác giữa người với người cũng là một phần quan trọng trong suốt quá trình lưu trú và trải nghiệm tại khách sạn” - ông Bryan Chan nói.
Cũng theo ông Bryan Chan, hiện nay thị phần BĐS nghỉ dưỡng tại Việt Nam tuy có rất nhiều dự án, nhưng trong đó không ít dự án được triển khai từ những chủ đầu tư chưa thực sự chất lượng; Bên cạnh đó là việc đội nghĩ quản lý và nhân viên khách sạn chưa được đào tạo bài bản sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của lĩnh vực này.
“Theo đánh giá chung, thị trường BĐS du lịch - nghỉ dưỡng tại Việt Nam còn nhiều tiềm năng phát triển, nhưng không dễ thành công nếu như đầu tư dàn trải và đội ngũ nhân sự thiếu sự đào tạo bài bản” - ông Bryan Chan cho biết thêm.