Trên nhiều trang rao bán nhà đất, mạng xã hội hay những group môi giới địa ốc, hiện liên tục xuất hiện các thông tin rao bán gấp bất động sản với giá thấp, tuy nhiên, có rất ít người đi đến giao dịch thành công.
Ghi nhận của phóng viên trong các ngày 14-15.6 cho thấy, các cụm từ “kẹt tiền bán lỗ”, “bán cắt lỗ nhà đất”, “cắt lỗ cần bán gấp”, “nợ ngân hàng cần bán gấp”… xuất hiện ngày càng nhiều.
Bên cạnh phân khúc đất nền, căn hộ thì làn sóng cắt lỗ cũng xuất hiện ở các loại hình bất động sản khác như nhà phố, condotel, biệt thự nghỉ dưỡng, đất nông nghiệp sinh thái…
Đáng chú ý không chỉ các sản phẩm nhà đất riêng lẻ được "cắt lỗ" trên thị trường thứ cấp mà trước những áp lực từ tài chính, một số doanh nghiệp lớn cũng đã phải đưa ra loạt chính sách ưu đãi “khủng”, chiết khấu 30 - 40%, thậm chí 50% giá trị sản phẩm để có dòng tiền hoạt động.
Trên một nhóm nhà đất, môi giới tên N.C đăng thông tin cần bán gấp căn liền kề khu đô thị Đại Thanh (Thanh Trì, Hà Nội). Căn liền kề này có diện tích 66m2, đã được xây dựng 5 tầng, có thang máy và đường trước nhà ô tô tránh nhau được.
Điều đáng nói, trong thông tin rao bán này, môi giới đã đưa ra mức giá là 9,2 tỉ đồng, nhưng lại cho biết chủ nhà đột ngột giảm 3 tỉ đồng. Giá căn liền kề này giảm về mức 6,2 tỉ đồng, nhưng vẫn có ra lộc (có giảm thêm - PV).
Cùng thông tin rao bán trên, theo tìm hiểu thêm trên một số hội nhóm nhà đất khác và các kênh mua bán bất động sản thì nhận thấy, các căn liền kề ở khu đô thị này cũng chỉ rao bán ở mức giá tương đương hơn 87 triệu đồng/m2.
Một số chuyên gia cho rằng, mặc dù rao bán nhiều nhưng thanh khoản khá kém. Thực tế cũng có thể hiểu bởi giữa lúc thị trường trầm lắng, lãi suất ngân hàng cao, người mua sẽ không lựa chọn xuống tiền lúc này.
Bên cạnh chiêu trò "đẩy giá cao lên rồi rao giảm giá", nhiều môi giới khác còn sử dụng các chiêu trò đăng thông tin như: Giảm giá sâu, sử dụng hình ảnh không đúng nhằm tạo sự chú ý.
Về thông tin rao bán bất động sản không đúng thực tế, anh Trần Tiến Dũng - một chủ văn phòng môi giới bất động sản ở Hà Nội - thừa nhận, để thu hút được sự chú ý và bán được hàng, không ít môi giới sử dụng những chiêu bài quảng cáo, rao bán cắt lỗ bất động sản để thu hút sự chú ý của người có nhu cầu mua nhà.
Tuy nhiên, những môi giới này đa phần là không chuyên, hoặc hoạt động tự do mà không thuộc một văn phòng môi giới chuyên nghiệp nào.
Chia sẻ với Lao Động, ông Nguyễn Thế Điệp - Phó Chủ tịch CLB Bất động sản Hà Nội - cho rằng, những môi giới cố ý đăng tin sai sự thật, dựng chuyện và nhân vật để khách hàng ra quyết định mua nhà theo kịch bản là lừa dối khách hàng. Hành vi này vừa vi phạm Luật Kinh doanh bất động sản vừa vi phạm bộ quy tắc ứng xử đạo đức hành nghề môi giới.
Theo luật sư Nguyễn Huy An (Đoàn luật sư TP Hà Nội), các quy định pháp luật về hoạt động nghề môi giới bất động sản đang lỏng lẻo. Nhiều môi giới hành nghề nhưng không có chứng chỉ hành nghề, không hoạt động trong các doanh nghiệp môi giới chuyên nghiệp, hoạt động các nhân.
"Việc không được đào tạo, không chuẩn về năng lực và đạo đức nghề nghiệp đã dẫn tới nhiều môi giới không tuân thủ pháp luật, hoạt động vụ lợi, lừa đảo khách hàng, tạo ra nhiều hệ lụy cho thị trường bất động sản", luật sư An nêu.