Khủng hoảng tiếp diễn
Báo cáo nghiên cứu thị trường BĐS quý III/2021 do Hội môi giới BĐS Việt Nam công bố cuối tuần qua cho thấy, trong quý III, tổng sản phẩm chào bán trên toàn thị trường Hà Nội đạt 5.886 sản phẩm, tỷ lệ hấp thụ bình quân xấp xỉ 30%. Trong đó, phân khúc căn hộ trung cấp dẫn đầu về số lượng giao dịch, chiếm tới 52,9%; Nhà ở thấp tầng và đất nền chiếm 14,2%; Phân khúc bình dân chỉ chiếm 2,1%. Đặc biệt, trong quý III lượng giao dịch sản phẩm căn hộ cao cấp có sự tăng vọt khi chiếm tới 30,8% tổng số giao dịch.
Lý giải về điều này, Phó Tổng Giám đốc Đất Xanh Miền Bắc Nguyễn Chí Nghĩa cho biết, mặc dù giãn cách theo Chỉ thị 16 của Chính phủ, song thị trường vẫn ghi nhận số lượng giao dịch ấn tượng ở Hà Nội, đưa tỷ lệ hấp thụ đạt gần 30%. Nguồn cung chủ yếu nằm ở khu vực vùng ven trung tâm, như Hoàng Mai, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Cầu Giấy...
“Tuy vậy, nguồn cung tiếp tục ở mức thấp nhất so với cùng kỳ các năm trước, sản phẩm chung cư chiếm đến 87,3%. Riêng phân khúc căn hộ cao cấp cắt giảm giá bán tương đối sâu so với cùng kỳ năm 2020, nên lượng giao dịch, hấp thụ tăng cao hơn. Nhưng giá đất nền một số dự án vẫn ở ngưỡng cao thậm chí có hướng tăng so với quý trước. Trong khi đó, sản phẩm căn hộ bình dân nguồn cung chỉ đạt 3,5% và nằm ở xa khu trung tâm” – ông Nguyễn Chí Nghĩa cho hay.
Đáng chú ý, lượng tồn kho sản phẩm tiếp tục gia tăng cao. Hội Môi giới BĐS thông tin, phân khúc trung cấp, tồn kho chiếm 61,5%; nhà ở thấp tầng 66,7%; căn hộ cao cấp 78,9%; căn hộ trung cấp tồn kho chiếm tỷ lệ cao nhất, chiếm 82%. Điều này có thể lý giải do tác động tiêu cực từ dịch Covid-19, dự án đều phải dừng xây dựng, thi công vì lệnh giãn cách và do đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng nguyên vật liệu, thiết bị. Bên cạnh đó, hoạt động giao dịch mua – bán cũng bị đình trệ do không thể tiến hành gặp gỡ, trao đổi, giao nhận… vì BĐS phải qua rất nhiều khâu kiểm nghiệm, pháp lý khi phát sinh giao dịch.
Lợi thế hạ tầng sẽ thúc đẩy giao dịch bất động sản ven đô
Theo Giám đốc Cấp cao Savills Hà Nội Đỗ Thu Hằng, trong thời gian gần đây, sở dĩ nguồn cung sản phẩm trên thị trường Hà Nội chủ yếu tập trung ở khu vực vùng ven trung tâm, vì có sự cải thiện về cơ sở hạ tầng, xuất hiện khá nhiều tiện ích lớn như trung tâm thương mại, tòa nhà văn phòng... Cùng với đó, nhiều đô thị đã và đang hình thành, như Gia Lâm, Thanh Trì, Đông Anh, Hoài Đức... thậm chí khu vực tiếp giáp Hưng Yên, Bắc Ninh... hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội tiếp tục được đẩy mạnh đầu tư, kiện toàn đồng bộ, hiện đại, giúp thu hẹp khoảng cách về giá bán giữa khu vực nội đô và lân cận, đồng thời điều kiện sống ở khu vực vùng ven trở nên thuận tiện hơn đối với người dân.
“Cùng với sự mở rộng đô thị của Hà Nội, nguồn cung nhà ở mở rộng từ khu vực thành thị đến huyện ngoại thành, đây là động lực tăng trưởng giá BĐS. Cho dù dưới tác động của dịch Covid-19, nhưng một số dự án chất lượng tốt, đủ tiện nghi, vị trí phù hợp mức hấp thụ tốt, thậm chí điều chỉnh tăng giá cho giai đoạn bán kế tiếp” – bà Đỗ Thu Hằng nhìn nhận.
Nhận định về diễn biến từ nay đến cuối năm, các chuyên gia đều cho rằng, trong 3 tháng cuối năm 2021, thị trường BĐS khu vực ven trung tâm Hà Nội sẽ giữ vai trò chủ đạo trong quá trình phục hồi, tăng trưởng trở lại. Nhưng khả năng cao nhiều dự án phân khúc cao cấp tiếp tục giảm giá thông qua chương trình khuyến mãi, tặng quà. Với thị trường thứ cấp, nhà đầu tư nhỏ lẻ sẽ cắt lỗ để thu hồi vốn; Còn phân khúc đất nền, liền kề, nguồn cung suy giảm do khan hiếm dự án mới được phê duyệt.
Ngoài ra, BĐS vẫn dành được nhiều sự quan tâm của khách hàng, nhà đầu tư ngay cả trong dịch bệnh, bởi đây luôn được coi là nơi lưu giữ tài sản an toàn, tiềm năng tăng giá cao. Khách hàng, nhà đầu tư dần quen với việc mua - bán qua hình thức online, nên thị trường BĐS cả nước nói chung và Hà Nội nói riêng được kỳ vọng tăng trưởng trong những tháng năm nay.