Bất động sản Việt Nam hấp dẫn NĐT châu Á

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Thị trường bất động sản Việt Nam đang gặp khó khăn nhưng theo các chuyên gia, đây vẫn là mảnh đất có nhiều cơ hội sinh lời của các NĐT ngoại quốc.

Thị trường tiềm năng

Tham gia thị trường bất động sản Việt Nam từ năm 1994, CapitaLand, đến từ Singapore, chọn nhánh kinh doanh căn hộ dịch vụ The Ascott và hiện là công ty nước ngoài lớn nhất trong lĩnh vực căn hộ dịch vụ tại Việt Nam. Công ty hiện quản lý 1.182 căn hộ dịch vụ tại 7 tòa nhà thương hiệu Somerset ở ba thành phố lớn là Hải Phòng, Hà Nội và TP. HCM.

Năm 2006, nhận thấy tiềm năng của thị trường căn hộ cao cấp, CapitaLand đã kết hợp với các đối tác chiến lược địa phương để phát triển dự án căn hộ cao cấp The Vista tại quận 2, TP. HCM. Hiện nay, Công ty đang triển khai bốn dự án nhà ở cao cấp, dự kiến cung cấp hơn 4.000 căn hộ cho thị trường TP. HCM và Hà Nội.

Mới đây, CapitaLand Vietnam đã liên doanh với Công ty Bất động sản châu Á Mitsubishi (MEA) và Công ty Bất động sản GIC để tiếp tục đầu tư vào những dự án bất động sản, chủ yếu là thị trường căn hộ ở TP. HCM và Hà Nội. CapitaLand cũng thông qua công ty con mua lại 65% cổ phần của Công ty TNHH Quốc Cường Sài Gòn với mức giá 121,2 tỷ đồng.

Ông Yip Hoong Mun, Phó tổng giám đốc CapitaLand Việt Nam nhận định, sau 3 thị trường cốt lõi là Singapore, Úc và Trung Quốc, CapitaLand định hướng sẽ phát triển Việt Nam trở thành thị trường cốt lõi thứ 4 bằng cách nâng giá trị tài sản tại đây từ mức 1% tổng giá trị tài sản của Tập đoàn lên 10% (khoảng 2 tỷ SGD) trong 3 - 5 năm tới. "Dân số trẻ với gần 90 triệu người, tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và quá trình đô thị hóa nhanh là cơ sở để chúng tôi tin tưởng vào tiềm năng phát triển của thị trường bất động sản Việt Nam", ông Yip Hoong Mun nói.

Một NĐT khác cũng đến từ Singapore, Keppel Land với loạt dự án liên doanh với đối tác trong nước là Riviera Cove, The Estella và Riviera Point. Báo cáo doanh thu của công ty này công bố mới đây cho thấy, doanh số bán ra đã tăng gấp ba lần trong nửa đầu năm nay, với hơn 160 căn hộ chủ yếu từ dự án Riviera Point, so với khoảng 50 căn hộ cùng kỳ năm ngoái. Riviera Point, dự án khu dân cư phức hợp cao cấp bên sông tại quận 7, TP. HCM, cũng đã được ra mắt vào tháng 1 năm nay.

Ngoài Singapore, còn có 2 quốc gia châu Á cũng đang đầu tư mạnh vào Việt Nam là Malaysia và Hàn Quốc. Berjaya, Gamuda Land của Malysia đã có một số dự án lớn. Các DN của Hàn Quốc như GS, Huyndai, IDE, Charm Engineering, INPYUNG mới xuất hiện, cũng bắt đầu có dự án tại Việt Nam. Thị trường Việt Nam còn thu hút các NĐT Philippines, Hồng Kông, Nhật Bản…

Nhiều cơ hội đầu tư

Theo CBRE Việt Nam, nếu như những năm về trước, các NĐT nước ngoài đến từ Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan, Malaysia... dường như chỉ xếp sau so với các nhà phát triển dự án trong nước, thì từ năm 2010, nhiều tập đoàn bất động sản khu vực châu Á đã trở thành những "tay chơi" có máu mặt tại Việt Nam. Nguyên nhân do thị trường tại Philippines, Thái Lan, Singapore, Hong Kong đã bão hòa. Trong khi đó, thị trường bất động sản Việt Nam có tiềm năng mang lại lợi nhuận cao hàng đầu ở châu Á, mà tiền thuê lại được thanh toán bằng ngoại tệ mạnh. Nghiên cứu của CBRE đánh giá, đằng sau những khó khăn do chính sách thắt chặt tiền tệ, thị trường bất động sản Việt Nam vẫn được hỗ trợ mạnh mẽ từ việc đầu tư cơ sở hạ tầng của Chính phủ.

Đại diện của CBRE Việt Nam cho biết, hiện có nhiều NĐT châu Á đang nghe ngóng những thay đổi của thị trường bất động sản Việt Nam, để tìm kiếm cơ hội trong thời gian tới.

Ông William Young, Giám đốc Dự án cấp cao MIPIM ASIA cho rằng, một trong những lý do khiến Việt Nam vẫn là một điểm đến đầu tư bất động sản phù hợp trong năm 2011, đó là tính thanh khoản trong tương lai. Trong ngắn hạn, có rất nhiều khách hàng quan tâm đến việc đầu tư vào ngành bất động sản Việt Nam ở rất nhiều phân khúc như, nhà ở, trung tâm thương mại, bán lẻ, khách sạn. Ngoài ra, dự án xây dựng một casino tại Việt Nam vừa qua, sẽ có tác động tích cực trong việc thu hút thêm đầu tư nước ngoài vào thị trường này.

Ông Chen Lian Pang, Giám đốc điều hành của CapitaValue Homes và CapitaLand Vietnam cho rằng, thị trường còn nhiều tiềm năng cho các công ty bất động sản, vì nhu cầu về nhà ở tại những thành phố lớn của Việt Nam rất cao do tốc độ đô thị hóa và dân số gia tăng. Do vậy, công ty này sẽ tiếp tục tìm kiếm cơ hội mới để mở rộng hơn sự hiện diện của mình tại những phân khúc bất động sản khác tại thị trường Việt Nam.

Nhận định về thị trường bất động sản Việt Nam, ông William Young cho rằng, còn nhiều cơ hội để thu hút các NĐT nước ngoài tham gia; hứa hẹn có nhiều lợi nhuận, doanh thu tốt cho họ. Trong 5 năm hoặc thậm chí 2 năm nữa, thị trường này sẽ thể hiện rõ tính hấp dẫn của nó về mặt thanh khoản.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần