KTĐT - Mặc dù thời điểm cuối năm là lúc nhiều người mua nhà đất nhưng do không có khách hàng nên nhiều nhà đầu tư thứ cấp phải chấp nhận giảm giá để xả hàng.
Quan sát tình hình thực tế tại các dự án, chỉ có những dự án bắt đầu huy động vốn khởi công mới có giao dịch vì giới đầu cơ chỉ phải đặt cọc 10%-20% tiền và thời gian đóng tiền có thể kéo dài nên khách hàng có điều kiện “giật gấu, vá vai”. Còn phân khúc căn hộ chung cư trong các dự án sắp giao nhà vào quý II, III hay quý IV/2010 vẫn còn hàng giá gốc nhưng rất ít giao dịch.
Đành phải cắt lỗ
Theo số liệu của Công ty Nghiên cứu thị trường bất động sản VietRees, do tình trạng giao dịch ảm đạm, phân khúc thị trường căn hộ cao cấp tại TP đang có xu hướng điều chỉnh giảm giá. Từ tháng 10-2009 đến nay, đã có đến 37 dự án giảm giá từ 1%-5% so với giá chào bán tháng trước đó. Nếu so với đầu năm 2009, giá đất, nhà các dự án đã giảm khoảng 30%.
“Nhiều người khi mua căn hộ phải vay thêm tiền ngân hàng, nay trước áp lực lãi vay, giá căn hộ không tăng nên nhiều nhà đầu tư thứ cấp đành phải cắt lỗ”- anh Trung, một nhà đầu tư bất động sản ở TPHCM, cho biết. Trước đây, nếu không bán được thì tạm cho thuê (giá 1.100-3.500 USD/căn) để lấy tiền trả ngân hàng, đối tượng thuê chủ yếu là người nước ngoài, nhưng nay do kinh tế suy giảm nên lượng khách hàng này đã giảm đáng kể. Nhà đầu tư thứ cấp không cách nào khác hơn là bán tháo để lấy tiền trả nợ.
Còn tại thị trường Hà Nội, không chỉ “nhả hàng” ở phân khúc chung cư hạng trung mà ở phân khúc chung cư cao cấp cũng phải giảm giá. Ngay khu vực phía Tây Hà Nội là nơi sốt nóng nhất cũng lâm vào tình trạng ảm đạm. Khu chung cư Dương Nội, quận Hà Đông vào thời điểm sốt giá, mức chênh khoảng 100 triệu đồng/căn, nay được giao bán giá gốc. Các văn phòng môi giới bất động sản tại phía Tây Hà Nội cho biết giao dịch bất động sản tại khu vực thời điểm này giảm tới 90% so với thời điểm cao trào.
Đối mặt nguy cơ “bội thực”?
Theo dự báo của một số công ty quản lý bất động sản trên địa bàn TPHCM, trong thời gian tới sẽ có thêm khoảng hơn 30.000 căn hộ được tung ra thị trường, gấp ba lần lượng trong 2 năm gần đây (nguồn CBRE). Còn theo thống kê của Savills VN, trong giai đoạn 2010 – 2020, trên địa bàn TPHCM sẽ có thêm khoảng 50.000 căn hộ được đưa vào thị trường.
Tại Hà Nội, cùng với hàng trăm dự án đô thị khu vực phía Tây đang triển khai, trên địa bàn các huyện thuộc phía Đông, phía Bắc Hà Nội như Mê Linh, Đông Anh, Long Biên, Gia Lâm... nhiều dự án đô thị, khu nhà ở tiếp tục được bổ sung. Riêng địa bàn huyện Mê Linh đang có gần 80 dự án khu đô thị, nhà ở triển khai, trong đó chiếm phân nửa là các dự án nhà ở, nhà vườn, biệt thự nhà vườn...
Nguồn cung dồi dào là vậy nhưng một trong những điều gây rất nhiều khó khăn cho các nhà đầu tư là hiện nay chưa thể đánh giá chính xác được nhu cầu thật của thị trường vì không đủ cơ sở để thống kê cụ thể. Các chuyên gia thị trường cho rằng sẽ xuất hiện xu hướng “bội thực” trong ngắn đến trung hạn. Do đó, việc “bung” căn hộ cao cấp ra thị trường thời điểm này là khá liều lĩnh.
Trao đổi với báo giới trong một buổi hội thảo về bất động sản vừa qua, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM, cho biết: Năm 2010, thị trường bất động sản vẫn còn nhiều rào cản mặc dù hiện nay vấn đề hồi phục là xu thế tất yếu. Đối với các dự án căn hộ cao cấp, đòi hỏi của thị trường hiện nay rất khắt khe, đầu tư không tới nơi tới chốn thì sẽ khó khăn.
Thường các dự án nằm trong quần thể cao cấp mới có khách hàng. Ông Brett Ashton, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Savills VN, khuyến cáo chủ đầu tư nên đưa ra sản phẩm phù hợp với nhu cầu thị trường đang cần chứ không nên sao chép các dự án lẫn nhau. Người dân vẫn có nhiều tiền nhưng họ vẫn đang chờ đợi đúng cơ hội thích hợp để mua.