Bắt giữ 14kg vàng ô tại Hải Dương

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 12/11, tin từ Thanh tra Bộ NN&PTNT cho biết, lực lượng kiểm tra chuyên ngành đã phát hiện và bắt quả tang một DN tại Hải Dương trộn chất vàng ô (VAT YELLOW) vào thức ăn chăn nuôi.

Chất vàng ô bị đoàn kiểm tra liên ngành phát hiện tại 1 DN sản xuất thức ăn chăn nuôi tại Hải Dương.
Chất vàng ô bị đoàn kiểm tra liên ngành phát hiện tại 1 DN sản xuất thức ăn chăn nuôi tại Hải Dương.
Theo đó, sáng 12/11, Đoàn kiểm tra gồm Thanh tra Bộ NNPTNT, Cục Cảnh sát môi trường (Bộ Công an), Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) đã bất ngờ tiến hành thanh tra đột xuất Công ty TNHH Sản xuất thức ăn chăn nuôi Trường Phú, có trụ sở tại Khu Công nghiệp Cẩm Thượng, TP Hải Dương. Đoàn đã phát hiện công ty này sử dụng chất vàng ô, một chất không nằm trong danh mục được phép sử dụng sản xuất thức ăn chăn nuôi.

Tại đây, Đoàn kiểm tra đã tịch thu và niêm phong 14kg chất vàng ô được DN Trường Phú sử dụng pha trộn vào để sản xuất các loại thức ăn công nghiệp cho gia súc, gia cầm. Đoàn kiểm tra đã tiến hành niêm phong, lập biên bản vi phạm đối với doanh nghiệp và lấy mẫu sản phẩm để phục vụ quá trình kiểm tra thành phần chất cấm Salbutamol nếu có.

Theo Thanh tra Bộ NN&PTNT, cùng với việc lập biên bản, sẽ tiếp tục điều tra vụ việc, tiến hành xử lý vi phạm theo quy định đối với DN, đồng thời yêu cầu DN thu hồi các sản phẩm trên thị trường và tiêu hủy những sản phẩm này.

Vàng ô là một hóa chất được sử dụng tạo màu cho công nghiệp dệt, nhuộm, giấy hoặc dùng làm ve tường trong xây dựng, có thể gây ung thư. Trước đó hồi đầu tháng 10, lực lượng chức năng của Bộ NN&PTNT cũng đã phát hiện việc sử dụng vàng ô trong chăn nuôi nhằm mục đích tạo màu vàng cho da gà.

Trong một diễn biến khác, theo tin mới nhất từ Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ NN&PTNT), tính đến ngày 11/11, có 25 DN Việt Nam có lô hàng thủy sản xuất khẩu bị cơ quan thẩm quyền Nhật Bản cảnh báo vi phạm quy định ATTP về dư lượng hóa chất, kháng sinh. Các mặt hàng bị cảnh cáo chủ yếu là tôm thẻ chân trắng đông lạnh, tôm sú nuôi đông lạnh, cá bò tẩm gia vị... Chỉ tiêu hóa chất, kháng sinh bị cảnh báo trong các lô hàng phần lớn là Enrofloxacin và Chloramphenicol, Furazolidone, Oxytetracycline. Đây được xem là tín hiệu không tốt của ngành thủy sản Việt Nam.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần