Bắt giữ 74 đối tượng lừa đảo công nghệ cao xuyên biên giới ở Tam giác Vàng
Công an tỉnh Điện Biên vừa phối hợp với lực lượng Công an Lào triệt phá thành công đường dây lừa đảo công nghệ cao xuyên quốc gia tại Đặc khu kinh tế Tam Giác Vàng (Lào), bắt giữ 74 đối tượng, thu giữ lượng lớn tang vật công nghệ, ngoại tệ và tài liệu phạm tội.
Tháng 2/2025, Công an Điện Biên phát hiện tổ chức tội phạm do Hoàng Văn Trung (SN 1994, Cao Bằng) cầm đầu, lập sàn vàng ảo "ATFX" lừa đảo hàng trăm người Việt. Đường dây hoạt động tinh vi tại Đặc khu kinh tế Tam Giác Vàng (tỉnh Bò Kẹo, Lào), có liên kết với nhiều đối tượng nước ngoài.

Các đối tượng bị Công an Điện Biên di lý từ Lào về Việt Nam
Trước tính chất nghiêm trọng, xuyên biên giới, Chuyên án 625T được thành lập với sự chỉ đạo trực tiếp của Giám đốc Công an tỉnh và gần 200 cán bộ, chiến sĩ hai nước tham gia phá án. Các mũi trinh sát bám địa bàn nhiều tháng, phối hợp giám sát mạng, theo dõi di biến động, thu thập dữ liệu, xây dựng sơ đồ tổ chức.
Ngày 5/7/2025, đồng loạt ba mũi tấn công được kích hoạt. Tại Tam Giác Vàng, 45 đối tượng bị bắt giữ, gồm 14 người Trung Quốc và 31 người Việt. Tại sân bay Viêng Chăn, 14 đối tượng đang làm thủ tục bay sang Campuchia cũng bị bắt. Cùng lúc, 15 đối tượng khác bị khống chế khi vượt biên qua Cửa khẩu quốc tế Tây Trang, Điện Biên.
Các lực lượng chức năng thu giữ tang vật gồm: 314 điện thoại, 292 máy tính All-in-One, 36 bộ máy vi tính, 1.000 sim Lào, 13 hộ chiếu, cùng hàng nghìn USD, nhân dân tệ và kịch bản lừa đảo soạn sẵn.
Chiêu thức của các đối tượng là lợi dụng mạng xã hội, tạo dựng các tài khoản giả mạo người thành đạt, kết bạn, tán tỉnh, lấy lòng tin rồi mời chào đầu tư vào "sàn vàng" ATFX với lãi suất ảo 24% mỗi ngày. Khi nạn nhân rót tiền lớn, nhóm này viện cớ lỗi hệ thống, trì hoãn rút tiền, thậm chí dùng tin nhắn riêng tư, ảnh nhạy cảm để đe dọa, tiếp tục ép nạn nhân chuyển tiền.
Mỗi khâu trong chuỗi lừa đảo được phân vai cụ thể, vận hành chặt chẽ như một "doanh nghiệp công nghệ" trá hình. Chúng sử dụng công nghệ mã hóa, AI và không gian mạng để che giấu tung tích, phân tầng tổ chức, gây khó khăn lớn cho công tác truy vết.
Đến ngày 9/7/2025, toàn bộ 59 đối tượng người Việt cùng tang vật được dẫn giải qua Cửa khẩu quốc tế Tây Trang về Điện Biên để phục vụ điều tra mở rộng. Công an tỉnh Điện Biên đã khởi tố 38 bị can về hành vi "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" theo khoản 4, Điều 174 Bộ luật Hình sự, với khung hình phạt cao nhất tới tù chung thân.
Thượng tá Nguyễn Xuân Lâm, Phó Trưởng phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Điện Biên chia sẻ: "Chuyên án là minh chứng cho bản lĩnh, trí tuệ và sự phối hợp hiệp đồng giữa lực lượng Công an hai nước Việt Nam - Lào trong phòng chống tội phạm xuyên quốc gia".
Chuyên án cũng là bài học kinh nghiệm sắc bén trong đấu tranh với tội phạm công nghệ cao thời đại số; đồng thời thể hiện quyết tâm của lực lượng công an trong bảo vệ tài sản, lòng tin và sự an toàn của người dân trong không gian mạng.

Cẩn trọng chiêu trò lừa đảo "bắt cóc online” qua Zalo
Kinhtedothi - Mới đây, đại diện Phòng Cảnh sát hình sự, Công an thành phố Hồ Chí Minh cho biết, vừa giải cứu thành công nữ sinh năm 3 của một trường đại học bị nhóm tội phạm "bắt cóc online" qua mạng xã hội.

Hà Nội: Cảnh báo lừa đảo khi tham gia đầu tư trên sàn giao dịch vàng quốc tế
Kinhtedothi - Trong thời gian qua, Công an TP Hà Nội đã cảnh báo chiêu trò lừa đảo của các đối tượng mời chào tham gia đầu tư các sàn giao dịch vàng quốc tế. Nhiều người dân đã trở thành nạn nhân, mất hàng trăm triệu đồng, thậm chí hàng tỷ đồng vì tin vào những lời mời gọi đầu tư siêu lợi nhuận trên mạng xã hội.

Người thua bạc nhiều nhất trong vụ King Club từng bị khởi tố vì lừa đảo qua mạng
Trong số 136 bị can bị truy tố về tội "Đánh bạc" trong vụ án King Club, người chơi "Mr Tom" Vũ Phong (SN 1972, quê Hải Dương) được xác định là thua bạc nhiều nhất với số tiền thua lên tới 1,4 triệu USD (hơn 34 tỉ đồng). Đáng chú ý, "Mr Tom" từng bị Công an TP Hà Nội khởi tố vì liên quan đến lừa đảo trên mạng.