Nữ sinh lớp 10 tự tử nghi do bạo lực học đường:

Bất kỳ tiếng nói nào của trẻ em cũng cần lắng nghe, đồng hành giải quyết

Trần Oanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vụ việc nữ sinh lớp 10 trường THPT chuyên - trường Đại học Vinh tự tử nghi do bạo lực học đường là bài học để cho những người quản lý, thầy cô giáo nghĩ rằng: Bất kỳ tiếng nói nào của trẻ em cũng cần lắng nghe và đồng hành giải quyết.

Bắt nạt học đường là câu chuyện không mới nhưng xuất hiện liên tục và mức độ ngày càng nghiêm trọng. Mới đây nhất dư luận xôn xao trước một nữ sinh N.T.Y.N học sinh lớp 10A15 trường THPT chuyên Đại học Vinh (Nghệ An) tự tử nghi do bị bạo lực học đường.

Vụ việc em N.T.Y.N tự tử nghi do bạo lực học đường càng nóng nên khi một tài khoản nhận là người thân của nữ sinh tường thuật diễn biến sự việc. Nhiều vấn đề được đặt ra liên quan đến vụ việc này như bảo vệ trẻ em môi trường học đường, làm thế nào để ngăn chặn bắt nạt học đường, bạo lực học đường.

Vụ việc em N.T.Y.N là học sinh trường THPT chuyên Đại học Vinh tự tử nghi bạo lực học đường đang gây xôn xao dư luận.
Vụ việc em N.T.Y.N là học sinh trường THPT chuyên Đại học Vinh tự tử nghi bạo lực học đường đang gây xôn xao dư luận.

Theo Thạc sĩ Tâm lý Vũ Thu Hà – Viện Nghiên cứu đào tạo và can thiệp tâm lý Việt Nam, vấn đề đầu tiên là chúng ta cần lưu ý tới sự trưởng thành và phát triển của các em, trong đó có những mối quan hệ bạn bè. Nếu trong các mối quan hệ bạn bè mà các em bị bắt nạt hay bị cô lập thì cảm thấy rất cô đơn và không có kỹ năng để giải quyết vấn đề xảy ra. Vì vậy hàng ngày phụ huynh để ý xem con đến lớp có vui vẻ không, có gặp vấn đề gì về bạn bè không. Giáo viên chủ nhiệm cũng phải để ý xem là ở lớp các em học sinh có hoà đồng hay không; hay có câu chuyện gì xảy ra trong lớp.

Vấn đề thứ hai vô cùng quan trọng, ở lứa tuổi vị thành niên, các em dễ tổn thương và có khả năng đối mặt thấp dẫn đến ảnh hưởng về sức khỏe tinh thần, dễ bị căng thẳng, thậm chí trầm cảm. Trường hợp các em không muốn sống hoặc tự sát, đó là dấu hiệu đã phải chịu đựng tổn thương trong một thời gian rất dài. Tự sát như là cách để các em giải thoát nỗi đau quá lớn đó.

Theo chuyên gia tâm lý Thu Hà, khi chúng ta biết được hai vấn đề này của trẻ em và hỗ trợ thì hoàn toàn giải quyết được những đều trẻ em gặp phải.

Đối với vụ việc nữ sinh lớp 10 tự tử nghi do bạo lực học đường, người mẹ cho biết, con nhiều lần tâm sự chán không muốn đi học nữa. Gần đây con gái bị nhóm học sinh rủ nhau chặn đường để đánh. Người mẹ đã phải đến tận trường gặp lãnh đạo để phản ánh con gái bị bạo lực học đường và xin chuyển lớp cho con nhưng không được đồng ý. Về việc này, chuyên gia tâm lý Vũ Thu Hà cho rằng, từ xưa đến nay, người lớn thường quan tâm đến học tập, điểm số, nền nếp nhưng chưa thực sự chú ý đến những vấn đề tinh thần của trẻ. Khi các em trình bày với người lớn về một vấn đề của mình thì có lẽ đang vướng mắc. Như vậy, không chỉ cha mẹ mà các thầy cô cũng phải lưu ý hỏi rõ ngọn ngành vì sao chuyện đó xảy ra. Nếu chúng ta bỏ qua đi những tình huống đặc biệt đó thì hậu quả rất khôn lường.

Chuyên gia Vũ Thu Hà cũng cho biết, từ trước đến nay bà đã nói nhiều câu chuyện liên quan đến việc các em hủy hoại bản thân; gặp những vấn đề căng thẳng trong học tập hay các em tự sát. Nhưng ở cộng đồng của chúng ta, khi nào xảy ra câu chuyện đó thì mọi người mới quan tâm, đó là điều đáng tiếc.

“Vì thế, chúng ta phải phòng ngừa trước đó. Có nghĩa là chúng ta phải có hệ thống hỗ trợ, chia sẻ, quan sát, tìm hiểu thực sự vấn đề trẻ em gặp phải trong cộng đồng, trường học, lớp học là gì để giải quyết kịp thời.

Còn khi câu chuyện đã xảy ra, chúng ta học được bài học thì quá muộn màng. Thực tế, những trường hợp phụ huynh mất con đều rất căng thẳng trong mối quan hệ vợ chồng, ông bà, con cái. Trong lớp học có học sinh tự sát thì các bạn khác rất căng thẳng và buồn bã” – bà Thu Hà cho hay

Vụ việc nữ sinh tự tử nghi do bạo lực học đường là bài học để cho những người quản lý, thầy cô giáo nghĩ rằng: Bất kỳ tiếng nói nào của trẻ em, học sinh cũng cần lắng nghe, đồng hành giải quyết. “Vì vậy mong rằng chúng ta ý thức được đây là câu chuyện rất quan trọng và nó có thể xảy ra với bất kỳ cá nhân, gia đình, trường học, lớp nào. Chúng ta cần có chiến lược trong trường học cũng như trong lớp học để phòng ngừa tự sát học đường, bắt nạt học đường. Và trong mỗi học sinh cũng như phụ huynh  cũng phải ý thức được việc đồng hành cùng với các con thì mới giải quyết được vấn đề”- Chuyên gia tâm lý Vũ Thu Hà nhấn mạnh.