70 năm giải phóng Thủ đô

Bật mí về người giàu thứ 5 sàn chứng khoán VN

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Sinh năm 1970 trong một gia đình 8 anh chị em, ông chủ Phát Đạt không được học đại học, dù từ lớp 1 đến 12 ông Đạt đều là học sinh trường chuyên.

KTĐT - Sinh năm 1970 trong một gia đình 8 anh chị em, ông chủ Phát Đạt không được học đại học, dù từ lớp 1 đến 12 ông Đạt đều là học sinh trường chuyên.

Cuộc sống thương trường đầy khắc nghiệt nhưng ông Nguyễn Văn Đạt, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần bất động sản Phát Đạt vẫn luôn giữ được nét đẹp truyền thống của người con xứ Quảng dành cho gia đình.

Dù công việc có bận bịu cỡ nào, cứ đến ngày mùng 2 Tết, vị Chủ tịch của Công ty địa ốc Phát Đạt đều đưa vợ và các con về quây quần bên mâm cỗ gia tiên với bố mẹ nơi quê nhà Quảng Ngãi. Và trong những ngày này, ông không bao giờ đi viếng thăm hoặc tiếp khách vì công việc mà dành toàn bộ thời gian cho việc sum họp gia đình, trò chuyện với bố mẹ già và anh chị em trong nhà.

Sinh năm 1970 trong một gia đình 8 anh chị em, ông chủ Phát Đạt không được học đại học, dù từ lớp 1 đến 12 ông Đạt đều là học sinh trường chuyên. Khi học xong 12, vì hoàn cảnh gia đình, ông đành rời ghế nhà trường và theo bố mẹ kinh doanh. Năm 1992 ông mới lập công ty riêng. Ông Đạt tâm sự, dù không có được kiến thức từ trường lớp nhiều, nhưng bù lại ông có được nhiều kiến thức từ trường đời. Đây là một trong những yếu tố rất quan trọng giúp ông thành công.

Đảm nhiệm vai trò Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc công ty, công việc bù đầu, thách thức lớn nhưng người giàu thứ 5 sàn chứng khoán Việt năm 2010 luôn có một quy tắc rất rạch ròi giữa công việc và gia đình. Cứ sau 7h tối, bước ra khỏi cơ quan, ông sẽ tắt điện thoại di động, gác lại toàn bộ công việc qua một bên. Và đây là lúc ông dành thời gian riêng cho tổ ấm nhỏ của mình như dùng cơm tối, xem tivi, trò chuyện cùng vợ con...

Ảnh minh họa


"Duy trì bữa cơm tối trong gia đình là điều rất cần thiết để tạo sự gắn kết và quan tâm giữa các thành viên trong nhà. Nên dù có bận công việc gì, tôi đều thu xếp về nhà trước 7h để dùng cơm tối với vợ con", ông chia sẻ.

Ngoài ra, để giảm stress trong công việc, golf là một môn thể thao yêu thích của ông. Mỗi tuần, ông thường dành nguyên hai ngày để chơi gofl, và một khi đã bước vào sân chơi thì công việc sẽ được gác lại.

Việc ông chủ của Địa ốc Phát Đạt dành nhiều thời gian cho gia đình và giải trí mà vẫn điều hành công ty rất thành công khiến không ít người thắc mắc. Vị Chủ tịch HĐQT kiêm CEO của Phát Đạt lý giải: "Người điều hành giỏi không nhất thiết phải tự ôm đồm công việc mà biết phân công hợp lý cho cấp dưới làm".

Bắt đầu niêm yết hơn 130 triệu cổ phiếu trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM từ tháng 7/2010, đến cuối năm, vốn hóa của công ty đạt hơn 4.400 tỷ đồng. Trong đó, riêng phần sở hữu của ông Đạt lên tới 2.611 tỷ đồng, giúp ông giành vị trí thứ 5 trong danh sách 100 người giàu nhất sàn chứng khoán. Năm 2010, lợi nhuận của Công ty Phát Đạt là hơn 400 tỷ đồng.

Bên cạnh những thành công về kết quả kinh doanh của Phát Đạt, hoạt động từ thiện đã trở thành văn hóa của công ty, thậm chí trở thành chỉ tiêu đánh giá hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh hằng năm. Ông Đạt cho rằng, một doanh nghiệp thành công không chỉ nghĩ đến đời sống của cán bộ nhân viên mà còn phải gắn với trách nhiệm xã hội như làm từ thiện, tạo ra những sản phẩm thân thiện với môi trường và an toàn cho người tiêu dùng. Đây cũng là lý do ông và công ty muốn chia sẻ một phần lợi nhuận kiếm được với cộng đồng.

Với những thanh niên, sinh viên muốn bước vào lĩnh vực kinh doanh, ông chủ của Phát Đạt đưa ra lời khuyên, quan trọng nhất là trải nghiệm để thu thập thật nhiều kinh nghiệm cuộc sống trước khi muốn làm chủ. "Làm công nhưng mình luôn có tâm niệm như đang làm chủ, như vậy mới không bị vấp ngã khi bước vào kinh doanh. 90% sinh viên mới ra trường, chưa có kinh nghiệm mà mở công ty thường bị thất bại", anh nói.