Khâm phục những “thiên thần áo trắng”
Với chủ đề mang đậm hơi thở cuộc sống cùng ngôn từ trong sáng, cô đọng, bức thư của Anh Thư nhẹ nhàng và mang nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau.
Bức thư là lời kể của một người chị với đứa em mới lọt lòng mẹ tại thời điểm và địa điểm rất đặc biệt- đó là khu cách ly và giữa giai đoạn Covid đang rất “nóng”.
“Em bé bỏng của chị! Khi em cất tiếng khóc chào đời, không gian như bừng sáng. Bế em trên tay là một bác sĩ trong bộ đồ bảo hộ y tế màu xanh, khẩu trang kín mít, chỉ còn hở đôi mắt ánh lên nét rạng ngời… Em sinh ra trong sự nâng niu, đón chờ của những người thân và nhiều hơn thế nữa. Tiếng khóc chào đời của em đã thắp thêm niềm hy vọng, niềm tin chiến thắng đại dịch cho những chiến sĩ áo trắng nơi đây. Dù cho ngoài kia, cả thế giới đang chao đảo vì cơn bão tử thần Covid-19, thì em ơi, cứ ngủ thật ngon lành bởi trong này bình yên lắm…”- Anh Thư viết.
Bức thư cho thấy sự hy sinh cao cả, phi thường mà cũng thật bình dị của các y bác sỹ trong khu cách ly: “Em được chở che trong vòng tay ấm êm của những con người thầm lặng. Đó là những bác sĩ không quản ngày đêm hy sinh bản thân mình, hết lòng vì người bệnh. Tấm chắn giọt bắn lúc nào cũng đầy hơi nước vì không có cơ hội được bỏ ra, lưng áo ướt đẫm mồ hôi cho dù là đang giữa những ngày đông tháng giá. Đó là những người tự nguyện ở luôn trong bệnh viện, cả cái Tết đoàn viên cũng chẳng về nhà. Đó là cô y tá sẵn sàng gửi con nhỏ mới lên ba cho ông bà chăm sóc, và từng đêm, khi em quấy khóc, cô lại bế bồng và hát ru em câu hát “À ơi, con cò bay lả bay la...”.
Bằng tư duy, sự quan sát và cảm nhận tinh tế của cô học sinh 14 tuổi, Anh Thư đã gây ấn tượng khi kể về sự yên bình nơi mẹ và em bé đang ở - điều hoàn toàn trái ngược với hình dung của nhiều người: “Thời gian gần một tháng trời đã cho chị hiểu rằng bên trong tấm biển “khu vực cách ly đặc biệt” kia không phải là những điều đáng sợ như người ta vẫn tưởng mà là cả một thế giới của sự ân cần chăm sóc, của những tấm lòng ấm áp yêu thương. Thế giới có những anh hùng thầm lặng, sẵn sàng cho đi mà không đòi hỏi bất cứ thứ gì. Nơi đây đã cho chị biết hạnh phúc không phải chỉ là được ăn ngon, mặc đẹp, được thoả sức vui chơi mà là được sống trong niềm tin về tình yêu thương giữa con người”.
Anh Thư không quên bày tỏ lòng khâm phục, tự hào với Chính phủ, người dân, ngành Y tế Việt Nam trước những chính sách tuyệt vời để kiềm chế sự bùng phát của dịch bệnh và truyền đi yêu cầu, giải pháp phòng chống dịch theo cách nước ta đã và đang làm: “Bây giờ, chị thực sự hiểu rằng vì sao một đất nước nhỏ bé trên bản đồ thế giới lại khiến cho các cường quốc năm châu phải nể phục trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19. Đơn giản thôi em ơi, mỗi con người của dải đất này đều truyền đến nhau thông điệp 5K “Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tụ tập - Khai báo y tế”. Tất cả cùng hoà chung “Vũ điệu rửa tay - Ghen Covy”. Tất cả cùng đồng lòng “chống dịch như chống giặc”, và anh dũng nhất là những nhân viên y tế tuyến đầu”.
Bức thư của Anh Thư trọn vẹn ý nghĩa khi nêu được cuộc chiến chống Covid-19 còn lâu dài và lời hứa sẽ cùng em trở thành những con người kiên cường khi mai này khôn lớn: “Nhìn em ngủ hồn nhiên, ngon lành trong lòng mẹ, chị như vừa qua giông bão đến được bến bình yên. Mình sẽ về nhà trong niềm vui xuân mới, những con người thầm lặng nơi đây vẫn tiếp tục cuộc chiến tới cùng. Rồi đây, mỗi ngày em một lớn khôn, chị em mình sẽ như những cây xương rồng mạnh mẽ trước bão giống. Tất cả bắt đầu từ ngày hôm nay, em nhé!”.
Bất ngờ với tình huống thật của bức thư
Chia sẻ về hoàn cảnh viết bức thư đoạt giải Nhất của Anh Thư, chị Ngô Hồng Loan, mẹ cô học trò nhỏ đã bật mí những chi tiết rất thú vị và bất ngờ. Theo đó, Anh Thư là con gái út trong gia đình có 3 chị em. Dịp trước Tết Nguyên đán 2021, khu vực nhà em- thôn Phan Xá, xã Uy Nỗ, huyện Đông Anh là tâm dịch Covid- 19 của Hà Nội khi xuất hiện ca F0. Giáp Tết, sau thời gian phong tỏa, làng em được dỡ cách ly. Trong niềm vui đó, Anh Thư đã viết bức thư kể về cảm xúc của người dân trong thôn. Tuy nhiên, sau khi hoàn thành bức thư, em lại cảm thấy chưa thật sự hài lòng.
Tình cờ truy cập một trang báo mạng, Anh Thư đọc được câu chuyện của một người phụ nữ kể về tình huống chị và cô con gái phải vào khu cách ly vì dương tính với Covid- 19 khi chị đang ở những ngày cuối thai kỳ. Người phụ nữ đã nói rất nhiều về cảm xúc của mình lúc đứa con sinh ra mà không được bế ẵm con, phải nhờ cậy vào đội ngũ y bác sỹ chăm sóc. Rất thích câu chuyện này, Anh Thư đã đặt mình vào vai của cô con gái lớn của người phụ nữ và viết bức thư.
“Để có tư liệu, Anh Thư hỏi bố mẹ và các chị về hoàn cảnh, cảm xúc lúc mẹ sinh em. Bố mẹ nghĩ sao thì nói lại cho con như vậy… Và khi đọc bức thư con gái viết, tôi rất ngạc nhiên, vỡ òa xúc động. Bất ngờ hơn khi bức thư của con đoạt giải Nhất”- chị Hồng Loan cho biết.
Nhận xét về học trò của mình, cô Nguyễn Mai Lan- giáo viên chủ nhiệm lớp 8A2, trường THCS Nguyễn Huy Tưởng, huyện Đông Anh nói: “Anh Thư là học sinh rất ngoan, lực học tốt, đặc biệt là yêu thích môn Văn. Vốn từ, cách sử dụng ngôn ngữ, óc quan sát của con rất tinh tế do được hình thành bởi sự chịu khó quan sát, ham học hỏi. Thầy cô và bạn bè rất tự hào về Anh Thư…”.
Được biết, bức thư đoạt giải Nhất của Anh Thư đã được Ban tổ chức dịch ra tiếng Pháp gửi Liên minh Bưu chính thế giới (UPU) tại Thụy Sĩ dự thi quốc tế.
Cuộc thi Viết thư quốc tế UPU lần thứ 50 (năm 2021) do Liên minh Bưu chính thế giới (UPU) tổ chức với đề tài: “Hãy viết thư cho một người thân trong gia đình để chia sẻ trải nghiệm của mình về đại dịch Covid-19”. Đây là cuộc thi lần thứ 33 được tổ chức tại Việt Nam. Ban tổ chức đã nhận được hơn 1 triệu bức thư dự thi của các em học sinh 63 tỉnh, TP tham gia. Sau 5 vòng chấm, Ban Giám khảo quốc gia đã chọn 110 bài vào vòng chung khảo. Kết quả, có 1 giải Nhất, 3 giải Nhì, 5 giải Ba, 30 giải Khuyến khích, 65 giải Cây bút triển vọng. Các em đoạt giải Nhất, Nhì được TƯ Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trao tặng Huy hiệu Tuổi trẻ sáng tạo. |