Bất ngờ với “siêu” thu nhập của lãnh đạo SCIC

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Mức thu nhập bình quân của lãnh đạo Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh Vốn Nhà nước (SCIC) khi xây dựng kế hoạch trình Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội là 40 triệu đồng/tháng, nhưng thực tế, năm 2008, thu nhập của lãnh đạo SCIC đã lên tới 78,5 triệu đồng/tháng.

KTĐT - Mức thu nhập bình quân của lãnh đạo Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh Vốn Nhà nước (SCIC) khi xây dựng kế hoạch trình Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội là 40 triệu đồng/tháng, nhưng thực tế, năm 2008, thu nhập của lãnh đạo SCIC đã lên tới 78,5 triệu đồng/tháng.

Đó là con số vừa được Kiểm toán Nhà nước (KTNN) công bố tại cuộc họp báo công khai kết quả một số cuộc kiểm toán năm 2009. Báo cáo kiểm toán này cũng cho biết, quỹ tiền lương của lãnh đạo SCIC đã chi vượt hơn 1,1 tỷ đồng.

Dù bước đầu đã thực hiện có hiệu quả cơ chế quản lý về vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp qua hơn hai năm hoạt động. Tuy nhiên, kết quả kiểm toán tại SCIC của KTNN cũng phát hiện không ít sai phạm khá bất ngờ từ “siêu tổng công ty” này.

Báo cáo kiểm toán cho biết, việc quản lý và sử dụng tài sản của SCIC vẫn còn một số hạn chế như chưa hạch toán lãi dự thu của Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp Trung ương là 838 tỷ đồng. Chưa đối chiếu, xác nhận đầy đủ các khoản nợ về cổ tức và tiền Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp Trung ương với các doanh nghiệp theo quy định. Hạch toán thiếu doanh thu, thu nhập hơn 72 tỷ đồng....

Trong lĩnh vực quản lý các khoản thu nhập chi phí, SCIC đã trích lập quỹ lương theo đơn giá tiền lương xây dựng thiếu hợp lý.

Qua kiểm tra, KTNN đã điều chỉnh giảm chi phí tiền lương trong năm 2008 là 3,8 tỷ đồng. Chi phí làm thêm giờ của nhiều trường hợp chi vượt mức 200 giờ/năm theo quy định của Nhà nước (cá biệt có trường hợp vượt tới 500 giờ). KTNN phát hiện, quỹ tiền lương của lãnh đạo SCIC được duyệt là 1,473 tỷ đồng nhưng năm 2008, đơn vị này đã chi trả 2,642 tỷ đồng, vượt hơn 1,1 tỷ đồng. Mức thu nhập bình quân của lãnh đạo SCIC khi xây dựng kế hoạch trình Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội là 40 triệu đồng/tháng, nhưng thực tế, thu nhập của lãnh đạo SCIC đã lên tới 78,5 triệu đồng/tháng, gấp 1,96 lần so với kế hoạch.

Về việc thực hiện nghĩa vụ với ngân sách Nhà nước, KTNN cũng phát hiện năm 2008, SCIC chưa kê khai, nộp thuế thu nhập doanh nghiệp của hoạt động chuyển nhượng vốn (thoái đầu tư) theo quy định và xác định số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp là 22,5 tỷ đồng.

Liên quan tới việc quản lý vốn Nhà nước tại một số doanh nghiệp cổ phần, KTNN đã kiểm tra, đối chiếu và phát hiện ra nhiều vấn đề.

Kết quả kiểm toán tại Công ty cổ phần Hàng không Jetstar Pacific Airlines- doanh nghiệp SCIC nắm giữ hơn 70% cổ phẩn cho thấy, năm 2008, doanh nghiệp này lỗ 546 tỷ đồng, lỗ lũy kế tới 31-12-2008 là 1.137 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm (-121) tỷ đồng. Trong quản lý chi phí xăng dầu, 2 Phó Tổng Giám đốc thực hiện nghiệp vụ phòng ngừa rủi ro xăng dầu năm 2008 của đơn vị này đã không tuân thủ nguyên tắc thực hiện và không báo cáo HĐQT và Ban điều hành làm cho Công ty lỗ hơn 31 triệu USD (từ tháng 7/2008 đến tháng 5/2009). Hoạt động của công ty gặp nhiều khó khăn, thua lỗ song Jetstar vẫn trả lương cho Ban lãnh đạo với mức thu nhập rất cao.

Đối với Tổng công ty cổ phần Bảo Minh, SCIC và công ty này vẫn chưa xử lý dứt điểm số tiền 10,2 triệu USD (tương đương 172 tỷ đồng) từ việc chuyển nhượng công ty Bảo Minh CMG.

Từ kết quả trên, KTNN đã kiến nghị, SCIC nộp ngân sách Nhà nước số thuế còn phải nộp đến 31-12-2008 là hơn 25 tỷ đồng; Điều chỉnh tăng doanh thu, thu nhập năm 2008 là 72,6 tỷ đồng; Tăng các khoản phải thu về cổ tức hơn 31 tỷ đồng; Tăng vốn đầu tư ở doanh nghiệp hơn 45 tỷ đồng; Điều chỉnh tăng Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp Trung ương hơn 1.000 tỷ đồng...

KTNN cũng đề nghị, làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân chưa chấp hành tốt chế độ tài chính, kế toán chưa đảm bảo tính trung thực và hợp lý về tình hình tài chính năm 2008 tại SCIC. Cơ quan này cũng yêu cầu kiểm tra làm rõ trách nhiệm cá nhân và tập thể lãnh đạo Jetstar Pacific Airlines trong nghiệp vụ phòng ngừa rủi ro xăng dầu gây thiệt hại 31 triệu USD và xem xét lại quỹ tiền lương cho thành viên Ban lãnh đạo của công ty và báo cáo lên Thủ tướng, KTNN kết quả kiểm tra tại đơn vị này. Đồng thời, xử lý dứt điểm việc tranh chấp giữa SCIC với Tổng công ty cổ phần Bảo Minh về việc chuyển nhượng Công ty liên doanh Bảo Minh CMG với số tiền 10,2 triệu USD theo quy định của pháp luật.