70 năm giải phóng Thủ đô

Bất ngờ với tiền lương phi công Việt Nam

Trần Oanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi– Tiền lương bình quân của phi công Việt Nam 85 triệu đồng/tháng, chỉ bằng 59% so với phi công nước ngoài cùng làm việc cho Tổng công ty Hàng không Việt Nam. Để tránh bị “chảy máu lao động”, Bộ LĐTB&XH đề xuất Chính phủ bổ sung nguồn tiền lương trả thêm cho phi công Việt Nam.

Tại dự thảo Tờ trình Nghị định bổ sung Nghị định số 87/2021/NĐ-CP ngày 29/9/2021 của Chính phủ về kéo dài thời gian thực hiện và sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 20/2020/NĐ-CP ngày 17/12/2020 của Chính phủ thí điểm quản lý lao động, tiền lương, tiền thưởng đối với một số tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, Bộ LĐTB&XH cho biết: Trong quá trình triển khai Nghị định số 20/2020/NĐ-CP đã phát sinh những hạn chế, nhất là đối với Tổng công ty Hàng không Việt Nam (VNA) và Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) cần được giải quyết.

Bộ LĐTB&XH đề xuất Chính phủ cho phép bổ sung nguồn tiền lương trả thêm cho phi công Việt Nam. Ảnh minh họa: Internet.
Bộ LĐTB&XH đề xuất Chính phủ cho phép bổ sung nguồn tiền lương trả thêm cho phi công Việt Nam. Ảnh minh họa: Internet.

Cụ thể, từ cuối năm 2020, đại dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực, làm sụt giảm nghiêm trọng các chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh của VNA và VATM, trong khi Nghị định số 20/2020/NĐ-CP được xây dựng trong điều kiện các DN đang trên đà tăng trưởng bình thường. Từ đó, dẫn đến tiền lương, thu nhập của người lao động và người quản lý tính theo quy định tại Nghị định số 20/2020/NĐ-CP giảm nghiêm trọng, chỉ còn bằng khoảng 40% – 50% so với năm 2019.

Trên cơ sở báo cáo của Bộ LĐTB&XH, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 87/2021/NĐ-CP ngày 29/9/2021 sửa đổi, bổ sung Nghị định số 20/2020/NĐ-CP theo hướng quy định sàn tiền lương thấp nhất đến 65% mức tiền lương năm 2019. Đối với VNA, hoạt động sản xuất cơ bản trở lại bình thường khi dịch Covid-19 được kiểm soát thì tiền lương của người lao động đã được nâng lên tiến gần với mức lương thời điểm trước dịch Covid-19 (năm 2019).

Riêng đối với phi công Việt Nam, trước khi thực hiện thí điểm tiền lương theo Nghị định số 20/2020/NĐ-CP thì tiền lương của lực lượng lao động này đã rất bất cập, thấp hơn nhiều so với phi công nước ngoài cùng làm việc cho VNA. Tiền lương bình quân của phi công Việt Nam năm 2018 là 124 triệu đồng/người/tháng bằng 50% tiền lương của phi công nước ngoài (249,69 triệu đồng/người/tháng); năm 2019 là 135,4 triệu đồng/người/tháng bằng 48% tiền lương của phi công nước ngoài (281,68 triệu đồng/người/tháng) cùng làm việc cho VNA.

Khi thực hiện thí điểm tiền lương theo quy định tại Nghị định số 20/2020/NĐ-CP, Chính phủ cho phép bổ sung phần chênh lệch giữa tiền lương của phi công Việt Nam và phi công nước ngoài để tính đơn giá tiền lương, với điều kiện lợi nhuận kế hoạch năm 2020 không thấp hơn lợi nhuận  bình quân giai đoạn 2018 – 2019.

Tuy nhiên, do bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, VNA chưa được tính bù chênh lệch tiền lương của phi công Việt Nam so với phi công nước ngoài vào đơn giá khoán vì VNA không đảm bảo về điều kiện lợi nhuận.

Hiện nay, quỹ tiền lương của VNA không đủ bù đắp tiền lương phi công Việt Nam, đang phải đổi mặt với tình trạng “chảy máu nguồn lao động phi công Việt Nam”. Tổng quỹ tiền lương theo đơn giá năm 2022 của VNA là 1.689 tỷ đồng; mức tiền lương bình quân của phi công Việt Nam là 85 triệu đồng/tháng, chỉ bằng 59% so với phi công nước ngoài (khoảng 145 triệu đồng/tháng) cùng làm việc tại VNA.

Trước thực trạng về tiền lương thấp và các hãng hàng không cạnh tranh gay gắt, thu hút lao động phi công, nhiều phi công Việt Nam đã rời bỏ VNA chuyển sang các hãng khác. Để giữ chân và tiến tới thu hút đội ngũ phi công góp phần ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh của VNA, Bộ LĐTB&XH xây dựng dự thảo Nghị định bổ sung Nghị định số 87/2021/NĐ-CP về kéo dài thời gian thực hiện và sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 20/2020/NĐ-CP.

Trong đó bổ sung: Đối với VNA, sau khi xác định quỹ tiền lương của người lao động và ban điều hành theo quy định tại Nghị định số 20/2020/NĐ-CP để trả lương cho người lao động mà mức tiền lương của phi công là người Việt Nam thấp hơn mức tiền lương của phi công là người nước ngoài cùng làm việc cho VNA thì được bổ sung nguồn tiền lương trả thêm cho phi công là người Việt Nam.

Nguồn bổ sung tối đa được căn cứ vào mức độ chênh lệch giữa mức tiền lương (trước khi được bổ sung) của phi công là người Việt Nam (làm việc theo hợp đồng lao động với VNA) và mức tiền lương của phi công là người nước ngoài (do VNA thuê qua đối tác cung ứng nhân lực) cùng làm việc cho VNA, tính bình quân tương ứng theo nhóm chức danh trong cùng đội bay, thời gian làm việc thực tế của phi công.