Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bát nháo thị trường phân bón, nông dân ứng phó bằng cách nào?

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trước tình trạng phân bón giả, kém chất lượng tràn lan thị trường, nông dân hãy là người tiêu dùng thông thái để biết cách phân biệt thật - giả cũng như sử dụng phân bón tiết kiệm, hiệu quả.

Khó khăn, rủi ro bủa vây

Bà Nguyễn Thị Lan (ở xã Minh Đức, huyện Ứng Hòa, TP Hà Nội) chia sẻ, thị trường phân bón bát nháo cộng với giá cả tăng cao khiến những hộ gia đình làm nông nghiệp đã vất vả lại càng thêm khó khăn.

"Với hơn 1 mẫu ruộng lúa, chi phí phân bón mỗi vụ trước đây khoảng hơn 1 triệu đồng nhưng nay đã tăng lên hơn 2 triệu đồng/vụ, chưa kể các chi phí tiền giống, thuốc bảo vệ thực vật, công cày bừa, gặt. Công sức bỏ ra suốt 3 - 4 tháng trời, tiền thu về sau khi trừ các chi phí cũng không còn được bao nhiêu” - bà Lan nói.

Không chỉ nông dân mà ngay cả các chủ đại lý, cửa hàng cũng khó phân biệt phân bón thật, giả, kém chất lượng. Ảnh minh họa
Không chỉ nông dân mà ngay cả các chủ đại lý, cửa hàng cũng khó phân biệt phân bón thật, giả, kém chất lượng. Ảnh minh họa

Băn khoăn về việc phân biệt phân bón thật, giả, kém chất lượng, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Hợp Tiến (huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội) Nguyễn Hà Tuyển cho hay, với hàng trăm loại bao bì và nhãn mác phân bón đang bày bán trên thị trường, các đại lý rất khó phân biệt vì đều có in logo thương hiệu, hàm lượng, nhưng về chất lượng thực tế thì người dân không thể biết được.

Chỉ khi sử dụng phân bón sau vài tháng, nhìn nhận hiệu quả sử dụng mới có thể biết hàng giả - hàng thật. Trồng lúa đã vậy, với những hộ trồng cây ăn quả, thiệt hại về đất, cây trồng có thể sau vài năm mới phát hiện và phục hồi được.

Đồng hành cùng nông dân, nhiều năm qua, Hội Nông dân TP Hà Nội thường xuyên phối hợp với ngành nông nghiệp, chính quyền các địa phương phát hiện phân bón giả, kém chất lượng. Bên cạnh đó, các cấp Hội cũng khuyến cáo hội viên nông dân nên tìm mua sản phẩm vật tư nông nghiệp có hóa đơn, chứng từ rõ ràng. Đặc biệt, không sử dụng hàng hóa trôi nổi để tránh mua phải hàng kém chất lượng.

Tuy nhiên, để giảm thiểu rủi ro cho người nông dân, theo Phó Chủ tịch Hội Nông dân TP Hà Nôi Dương Thị Hằng, thời gian tới, ngành nông nghiệp cũng cần tiếp tục đưa ra những giải pháp thiết thực hơn để "triệt phần gốc, thay vì triệt phần ngọn" như hiện nay. Cụ thể, có các lớp tập huấn, hướng dẫn nông dân tiết kiệm triệt để chi phí sản xuất, sử dụng phân bón theo đúng quy trình kỹ thuật; phổ biến cách phân biệt phân bón thật - giả. 

“Sử dụng phân bón hữu cơ, giảm thiểu dần phân bón vô cơ cũng là một trong những giải pháp để chuyển đổi sản xuất xanh, sạch, bền vững. Trong đó, tận dụng các phế phẩm, phụ phẩm nông nghiệp nhằm giảm giá thành sản xuất của người dân cũng như tránh được những tác hại do phân bón giả, kém chất lượng gây ra” - bà Dương Thị Hằng đề xuất.

Từ thay đổi thói quen đến sử dụng trách nhiệm

Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) Lê Thanh Tùng cho biết, theo quy định của Nhà nước, nếu hàm lượng phân bón dưới 70% so với công bố thì được định nghĩa là phân bón giả.

Lực lượng chức năng tỉnh Vĩnh Long kiểm tra một cửa hàng kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật có dấu hiệu sai phạm. Ảnh: Thanh Thảo
Lực lượng chức năng tỉnh Vĩnh Long kiểm tra một cửa hàng kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật có dấu hiệu sai phạm. Ảnh: Thanh Thảo

Đáng nói, nhiều loại phân bón giả được làm từ cao lanh, các loại đất vo viên sau đó sấy khô, làm màu sắc giống phân thật. Loại này chiếm phần lớn trong các loại phân bón giả hiện nay. Ngoài phân bón giả, tình trạng phân bón kém chất lượng cũng rất đáng lo ngại.

Các loại phân bón này không đủ điều kiện để được công nhận, nhưng vẫn được bán tại cửa hàng do giá nhập thấp. Các loại phân này có hàm lượng NPK rất thấp và không cân đối. Khi bón vào cây sẽ làm cây bị rối loạn, không ra hoa ra trái, cây bị xót và chết do phân này tồn dư nhiều tạp chất có hại.

Lưu ý về thói quen sử dụng phân bón của nông dân, Phó Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam Phùng Hà cho hay, đa phần nông dân vẫn mua phân bón theo thói quen, ra cửa hàng họ đưa loại nào dùng loại đấy. Việc này vô tình tạo điều kiện cho phân bón giả nhãn mác được đưa ra thị trường. Vì thế bà con cần thay đổi từ chính thói quen của mình để tránh mua phải phân bón giả, kém chất lượng.

“Muốn tránh được phân bón giả, phân bón kém chất lượng phải có sự đồng lòng của cơ quan nhà nước và người dân. Đặc biệt, việc nâng cao nhận thức của người dân rất quan trọng” - ông Phùng Hà nói.

Đưa ra khuyến nghị với nông dân, GS.TS Nguyễn Lân Hùng cho rằng, nếu chỉ trông chờ vào việc thanh tra, kiểm tra của cơ quan chức năng là chưa đủ, người nông dân cần được nâng cao nhận thức để sử dụng có trách nhiệm các loại vật tư nông nghiệp.

Khi bón phân hay sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nên để lại bao bì, nhãn mác, để khi xảy ra sự cố có bằng chứng, vật chứng rõ ràng; đồng thời, liên hệ ngay với lực lượng chức năng nếu phát hiện cửa hàng kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng.

Để tránh rủi ro, bà con nông dân nên tìm mua các sản phẩm vật tư nông nghiệp có hóa đơn, chứng từ rõ ràng; đặc biệt, không sử dụng hàng hóa trôi nổi. Đây là cách tốt nhất để ngăn chặn, đẩy lùi và chấm dứt tình trạng bát nháo đối với thị trường vật tư nông nghiệp.

 

Theo thống kê của Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT), cả nước hiện có 841 cơ sở sản xuất phân bón, 85 cơ sở sản xuất thuốc bảo vệ thực vật và khoảng 33.000 đại lý kinh doanh 2 mặt hàng này. Năm 2021, trên cả nước, số vụ vi phạm về sản xuất, kinh doanh phân bón chiếm 31,1%; vi phạm về thuốc bảo vệ thực vật chiếm 6,2%.