Bát nháo thị trường rau mầm

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trước tình trạng rau, củ, quả mất an toàn tràn ngập trên thị trường, nhiều người tiêu dùng (NTD) đã tìm đến rau mầm như một giải pháp lựa chọn nguồn thực phẩm sạch cho gia đình.

Tuy nhiên trên thực tế, rau mầm cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn thực phẩm (ATTP) nếu không được lựa chọn kỹ.

Nguy cơ mất an toàn thực phẩm

Không chỉ rau, củ nhiễm thuốc bảo vệ thực vật vượt mức giới hạn cho phép được bày bán trên thị trường, thời gian qua, cơ quan chức năng còn phát hiện nhiều vụ việc rau mất an toàn được trà trộn vào tiêu thụ tại các siêu thị, cửa hàng dưới  mác “rau an toàn”. Lo lắng trước tình hình mất ATTP trên rau củ, nhiều NTD đã lựa chọn phương thức trồng rau sạch tại nhà, trong đó có rau mầm. Có thể nói, rau mầm là loại rau nhanh cho thu hoạch, chỉ sau 5 – 7 ngày gieo hạt là có thể thu hái, đồng thời chứa nhiều vitamin nên rất có lợi cho sức khỏe. Tại Hà Nội, phong trào trồng rau mầm tại nhà đã nở rộ trong vài năm trở lại đây, nhất là cư dân đô thị. Tuy nhiên, cùng với nhiều ưu thế đáng kể, rau mầm đang tồn tại những nguy cơ mà không phải NTD nào cũng nhận biết được.
Chị Cấn Thu Hằng chăm sóc rau mầm trong chung cư của gia đình,  Khu đô thị La Khê – Bông Đỏ, quận Hà Đông.	 Ảnh: Quang Thiện
Chị Cấn Thu Hằng chăm sóc rau mầm trong chung cư của gia đình, Khu đô thị La Khê – Bông Đỏ, quận Hà Đông. Ảnh: Quang Thiện
Theo chia sẻ của chị Cấn Thu Hằng (Khu đô thị Nam La Khê – Bông Đỏ, quận Hà Đông), người có kinh nghiệm trồng rau mầm nhiều năm, nguy cơ mất ATTP với rau mầm còn “đáng sợ” hơn rau thông thường nếu mua phải hạt giống kém chất lượng. Bởi trồng rau mầm có thể không cần sử dụng đất, giá thể, phân bón và thời gian thu hoạch ngắn, nhưng trong khâu quá trình bảo quản hạt giống, nhiều cơ sở thường ngâm tẩm hóa chất độc hại, ảnh hưởng đến sức khỏe. Điều này hoàn toàn có cơ sở vì với thời gian vài ngày phát triển của rau mầm, các hóa chất không thể phân giải hết. “Nếu không có chồng là kỹ sư ngành trồng trọt tư vấn, lựa chọn hạt giống thì tôi cũng không dám trồng rau mầm” – chị Hằng tâm sự.

Tuy nhiên, trái với những lo ngại của chị Hằng, hiện nay, trên thị trường bán hạt giống, dụng cụ trồng rau mầm hoạt động khá sôi động. Ngoài các siêu thị, cửa hàng kinh doanh giống cây trồng, chỉ cần vài giây tra cứu trên internet, NTD có thể dễ dàng tìm thấy rất nhiều địa chỉ cung cấp hạt giống rau mầm. Thậm chí, hạt giống rau mầm còn được quảng cáo tràn lan trên các trang mạng xã hội như Facebook hay các diễn đàn khác. Theo khảo sát của phóng viên, giá các loại hạt giống rau mầm khá mềm, dao động từ 15.000 – 30.000 đồng/gói tùy loại. Đơn cử, hạt giống rau mầm xà lách loại gói 15g có giá 20.000 đồng, hạt rau mầm súp lơ xanh giá 20.000 đồng/gói 20g, hạt rau mầm cải củ giá 30.000 đồng/gói 30g…

Theo GS.TS Trần Khắc Thi - nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu rau quả (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam), phần lớn các loại hạt giống rau, củ sau khi thu hoạch đều phải qua xử lý thuốc hay hóa chất để chống nấm, mốc, sâu bệnh và kéo dài thời gian sử dụng. Tuy nhiên, riêng với hạt giống để làm rau mầm thì tuyệt đối không được xử lý qua thuốc bảo vệ thực vật bởi thời gian sinh trưởng của rau ngắn, không kịp phân hủy hết thuốc dẫn tới tồn dư trên rau, ảnh hưởng đến sức khỏe của người sử dụng. “Về mặt lý thuyết thì như vậy, song thực tế thị trường hạt giống rau, củ hiện nay còn bát nháo và không được kiểm soát ATTP” – GS.TS Trần Khắc Thi cho biết.

Bất cập trong quản lý

Theo các chuyên gia, trên các hạt giống rau, củ hiện nay có 3 loại hoạt chất chủ yếu được dùng để xử lý nấm, mốc là Chlorpyrifos Ethyl, Mancozeb và Carbendazim. Trong đó, Chlorpyrifos Ethyl là hoạt chất thuộc nhóm độc II có thời gian cách ly dài, còn tồn dư của hoạt chất Carbendazim trong rau mầm nếu ăn phải có thể gây vô sinh. Đáng lo ngại, theo ông Trần Xuân Định – Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), hạt giống rau mầm hiện nay, nhất là hạt cải chủ yếu được nhập khẩu từ Trung Quốc. Tuy nhiên, phần lớn hạt giống rau nhập khẩu từ Trung Quốc thường không ghi rõ thông tin trên bao bì về hóa chất xử lý, bảo quản và thời gian cách ly bao lâu.

Bên cạnh nguy cơ mất ATTP do hạt giống kém chất lượng, hiểm họa của rau mầm còn đến từ ô nhiễm vi sinh vật trong quá trình phát triển do nguồn nước tưới không sạch. Thậm chí, một số cơ sở sản xuất rau mầm vì mục tiêu lợi nhuận còn sử dụng thuốc kích thích hạt nảy mầm nhanh, cây phát triển mạnh. Thực tế, thời gian qua, thanh tra bảo vệ thực vật cũng phát hiện nhiều cơ sở sản xuất giá đỗ sử dụng thuốc kích thích tại một số địa phương. Điều đáng nói, trong khi tiềm ẩn khá nhiều nguy cơ mất ATTP, song đến nay, chúng ta vẫn chưa có quy định riêng về quản lý hạt giống cũng như tiêu chuẩn đánh giá chất lượng rau mầm. Ngay trên địa bàn Hà Nội cũng chưa có một DN hay cơ sở nào chuyên sản xuất hạt giống rau mầm được đăng ký.

Nhận thấy nhu cầu của người dân ngày càng cao, thời gian qua, Sở NN&PTNT Hà Nội đã chỉ đạo triển khai thí điểm một số mô hình sản xuất rau mầm theo hướng an toàn tại một số địa phương. Bước đầu, với sự hỗ trợ của cán bộ chuyên môn, các mô hình này đã mang lại kết quả tích cực. Tiêu biểu như HTX Rau mầm Xanh Nhất Tâm, xã Hiệp Thuận, huyện Phúc Thọ được triển khai từ đầu tháng 5/2014 đến nay đã cung cấp khoảng từ 25 - 30 khay rau mầm mỗi ngày, thu lợi nhuận khoảng 500.000 – 600.000 đồng. Mặc dù vậy, theo bà Đỗ Thị Hằng - Giám đốc HTX Rau mầm Xanh Nhất Tâm, Sở NN&PTNT cần hỗ trợ các HTX sản xuất rau mầm xây dựng thương hiệu, triển khai gắn tem, nhãn nhận diện sản phẩm rau mầm an toàn nhằm tạo niềm tin cho người tiêu dùng. Qua đó, đẩy mạnh đầu ra cho sản phẩm rau mầm của các cơ sở sản xuất uy tín.

Theo các chuyên gia, để có rau mầm sạch phải có hạt giống và giá thể sạch, không có tồn dư thuốc bảo vệ thực vật. Do đó, người dân muốn trồng rau mầm hay mua rau mầm thành phẩm an toàn phải tìm đến các cơ sở có uy tín, có đăng ký kinh doanh rõ ràng, hàng hóa rõ nguồn gốc xuất xứ. Nếu hạch toán kinh doanh, chi phí sản xuất rau mầm đắt gấp 2 – 3 lần so với mua rau thông thường ngoài chợ. Chính vì vậy, NTD càng phải cẩn trọng hơn, tránh để “tiền mất tật mang”.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần