Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bầu cử tổng thống Philippines: Lá bài Biển Đông

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 9/5, lá phiếu của hơn 50 triệu cử tri Philippines sẽ quyết định ai là lãnh đạo kế tiếp của quốc gia vạn đảo.

Trong cuộc bầu cử năm nay, Biển Đông được coi là lá bài chính để các ứng viên thu hút sự ủng hộ của cử tri giữa lúc nước này và Trung Quốc nảy sinh nhiều vấn đề liên quan đến tranh chấp chủ quyền trên biển.
Một cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc của người dân Philippines.
Một cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc của người dân Philippines.
5 ứng viên sáng giá cho vị trí tổng thống Philippines trong cuộc bầu cử năm nay gồm thị trưởng kỳ cựu của TP Davao Rodrigo Duterte, Bộ trưởng Nội vụ Manuel Mar Roxas, Phó Tổng thống đương nhiệm Binay, Thượng nghị sĩ Grace Poe và Thượng nghị sĩ Miriam Defensor-Santiago.

“Donald Trump phương Đông”

Trong số các ứng cử viên tham gia tranh cử tổng thống lần thứ 16 của Philippines, ứng cử viên được các phương tiện truyền thông nhắc tới nhiều nhất là ông Rodrigo Duterte.

Ông Duterte, 71 tuổi, dày dặn kinh nghiệm với thành tích lãnh đạo TP Davao miền Nam Philippines trong 20 năm. Thành quả mà ông đã tạo dựng được trong 20 năm qua là giúp Davao thu hút đầu tư, cải thiện y tế và giáo dục… Bên cạnh đó, sức hấp dẫn của ông Duterte cũng đến từ phong cách thực thi pháp luật nghiêm minh, cứng rắn vẫn được ví von là “bàn tay sắt” đối với giới tội phạm. Ông đã tuyên bố chính thức rằng, ủng hộ thi hành án tử hình và quyết tâm loại trừ tội phạm. Theo một số nhà quan sát, sự trỗi dậy của ứng viên Rodrigo Duterte phản ánh nỗi thất vọng, bức xúc của công chúng trước hoạt động thiếu hiệu quả của chính quyền Philippines. Trong chiến dịch tranh cử của mình, ông có nhiều phát ngôn mạnh bạo, gây tranh cãi và được ví như “Donald Trump phương Đông”. Đơn cử như, cam kết chấm dứt tình trạng tội phạm trên cả nước trong vòng 6 tháng bằng việc ra lệnh cho lực lượng an ninh bỏ qua hệ thống tư pháp không hiệu quả và tiêu diệt hàng chục ngàn tội phạm. Ông còn đề xuất viết lại Hiến pháp… Các cuộc thăm dò dư luận sát ngày bầu cử đều cho thấy ứng cử viên Duterte luôn nhận được số phiếu ủng hộ cao nhất.

Ngoài ông Duterte, Bộ trưởng Nội vụ Manuel Mar Roxas, vốn được Tổng thống sắp mãn nhiệm Aquino ủng hộ, cũng được coi là ứng cử viên có nhiều triển vọng. Ông được đánh giá là có ưu thế mạnh nhất để đương đầu với ứng cử viên Duterte do ông có thể tận dụng cỗ máy bầu cử của đảng Tự do.

Yếu tố Biển Đông

Trong những năm vừa qua, tranh chấp ở Biển Đông giữa Philippines với Trung Quốc đã trở thành một vấn đề nóng trên toàn cầu, đặc biệt trong bối cảnh Bắc Kinh ngày càng có nhiều động thái làm gia tăng căng thẳng trong khu vực. Vì vậy, một trong những điều cử tri quan tâm là tổng thống tương lai sẽ có chính sách ngoại giao thế nào trong vấn đề Biển Đông.

Dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Aquino, Philippines đã trở thành một trong số ít những “điểm sáng” về kinh tế. Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng, điểm nhấn trong nhiệm kỳ của ông Aquino là chính sách đối ngoại cương quyết, đương đầu với một Bắc Kinh ngày càng trở nên hung hăng hơn trong các tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông. Trong đó, đặc biệt là vụ kiện Trung Quốc lên Tòa án Trọng tài Thường trực (PCA) ở La Haye (Hà Lan) về các tuyên bố phi lý của nước này tại Biển Đông. Bên cạnh đó, dưới thời ông Aquino, Philippines đã có các hợp tác quân sự quan trọng với 2 đồng minh Mỹ, Nhật. Trong đó có thỏa thuận lịch sử cho phép Washington tiếp cận căn cứ quân sự của mình.

Tuy nhiên, các ứng cử viên Tổng thống một mặt phải thể hiện chính sách cứng rắn với Bắc Kinh để thu hút cảm tình của cử tri Philippines, một mặt vẫn muốn ưu tiên phát triển quan hệ thương mại với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Chuyên gia an ninh Richard Javad Heydarian thuộc Đại học De La Salle nhận định “sự tăng vọt cảm xúc chống Trung Quốc” trong công luận Philippines khiến các ứng cử viên tổng thống khó xử.